Nằm ở khu trung tâm quận 1, đường Nguyễn Thái Học rộng thênh thang trải từ vòng xoay Ngã Sáu Phù Đổng đến cầu Ông Lãnh. Những buổi chiều, qua Nguyễn Thái Học, lên cầu Ông Lãnh nhìn về phía đại lộ Võ Văn Kiệt, dòng kênh Tàu Hủ vẫn còn đó, trải dài xuống tận Lò Gốm (quận 8).
Xuôi theo hướng cầu nhìn về đường Trần Hưng Đạo, con đường thẳng tắp, neo đậu trong ký ức người Sài Gòn một thời về những khu chợ mang dấu ấn đặc trưng riêng của mảnh đất giàu tình nghĩa này.
|
Đường Nguyễn Thái Học giao với đường Cô Giang, bên chân cầu Ông Lãnh - Ảnh: Tam Nguyên |
Theo ghi chép của cụ Vương Hồng Sển trong cuốn Sài Gòn năm xưa, thời nhà Nguyễn, người ta đào một con kênh rẽ từ rạch Bến Nghé và bắc một chiếc cầu dưới bờ kênh để vận chuyển muối từ Phan Thiết và Bạc Liêu về đây trước khi xuất qua Campuchia. Xuồng ghe dày đặc một khúc kênh hình thành nên khu chợ tấp nập trên bến dưới thuyền và được đặt tên là chợ Cầu Muối. Năm 1929, con kênh đào được lấp thành đường để xây cầu Ông Lãnh bằng xi măng cốt thép. Con đường đó là đường Nguyễn Thái Học ngày nay.
Các tài liệu cũ chép lại cho rằng, có lẽ do việc buôn muối gặp nhiều khó khăn, lái muối bỏ trống kho là những căn nhà lá, dân tứ xứ đến cư ngụ rồi cũng lập chợ bán mắm, muối, cá, tôm... dần dần hình thành khu chợ đầu mối của Sài Gòn với tên gọi Cầu Muối. Chợ Cầu Muối nằm dọc con đường Nguyễn Thái Học, từ ngã tư Trần Hưng Đạo đến bến Chương Dương và cả các nhánh đường nằm ngang như Cô Giang, Cô Bắc.
|
Đường Nguyễn Thái Học ngày nay - Ảnh: Tam Nguyên |
Thập niên 1950-1960, chợ Cầu Muối được ví như "bến Thượng Hải" ở Việt Nam. Nhiều tay giang hồ cộm cán nổi tiếng tụ tập ở khu vực này khiến người dân Sài Gòn chỉ mới nghe tên đã hốt hoảng như Lê Văn Đại (Đại Cathay), Nguyễn Văn Minh (Minh "Cầu Muối"), Lâm "chín ngón", Châu Phát Lai Em (đàn em của Năm Cam)…
Chợ Cầu Muối còn được cho là xuất phát điểm của thành ngữ “đá cá, lăn dưa”. Không ít người Sài Gòn và người dân từ nơi khác đến đều hình dung về chợ Cầu Muối với những hình ảnh xấu xí xen lẫn sự sợ hãi. Nỗi sợ "đeo bám" ngay cả lúc họ chỉ đi ngang qua khu chợ ấy.
Nhưng có lẽ ít ai ngờ, chợ Cầu Muối là một trong những ký ức khó quên của hầu hết sinh viên thế hệ 6X-7X, những người sống ở ký túc xá Trần Hưng Đạo hoặc thuê trọ ở khu vực đường Cô Giang, Cô Bắc với ân tình của người Sài Gòn, những đối đãi chân thật, tình cảm dung dị.
Trước khi di dời, chợ Cầu Muối là chợ đầu mối chuyên kinh doanh các mặt hàng rau củ Đà Lạt và cá biển. Vì thế, hàng ngày có một lượng lớn hàng hóa không đảm bảo chất lượng như rau củ hư hỏng một phần, cá bị dập nát phần đầu (còn gọi là hàng dạt)... không thể bỏ mối cho bạn hàng nên được bán rẻ cho những người buôn bán nhỏ trong chợ. Chỉ cần cắt bỏ phần hư hỏng, họ đã có những loại thực phẩm ngon, chuyên phục vụ người có thu nhập thấp như dân lao động, công nhân, sinh viên....
|
Ngã ba đường Nguyễn Thái Học và Cô Giang - Ảnh: Tam Nguyên |
Chợ "lẻ" Cầu Muối tấp nập vào các buổi chiều. Tiếng rao hàng lanh lảnh ở khắp khu chợ. Ai bán gì rao nấy, rao tên món hàng kèm giá. Ở đây, một mớ cá biển, rổ rau cải Đà Lạt hoặc thau cà rốt, khoai tây gọt sẵn cũng đủ cho cả nhà 4 - 6 người ăn cả ngày với giá chắc chỉ bằng tiền chợ một bữa ăn cho 2 người so với các khu chợ khác ở quận 1.
Có lẽ vì thế, chợ Cầu Muối trở thành "mối ruột" của phần đông sinh viên ký túc xá Trần Hưng Đạo thời thập niên 1980 - 1990 vốn ở tỉnh lên Sài Gòn trọ học, đa phần có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Các chị, các dì bán hàng ở chợ Cầu Muối nhận diện sinh viên rất nhanh và thường "vừa bán, vừa cho". Họ còn có thể nhớ vanh vách sinh viên A quê ở đâu, sinh viên B học năm thứ mấy. Những đợt lũ lụt ở miền Trung, họ lại hỏi thăm tình hình gia đình của sinh viên, rồi động viên, thăm hỏi kèm "tặng vật" là mớ cá, rổ rau... vì "Lũ lụt vầy, ba má bay chắc chưa có tiền gởi vô. Cầm về ăn đi, khỏi trả tiền, khỏi ngại gì hết ráo! Để tiền mua gạo nấu cơm".
Họ không giàu có, nhưng san sẻ với sinh viên bằng tấm lòng, bằng sự hào sảng vốn có của người dân Nam bộ.
|
Người xưa chia ly bởi thời cuộc, nay họ được gần nhau qua những tên đường - Ảnh: Tam Nguyên |
Năm 2003, chợ Cầu Muối di dời, con đường Nguyễn Thái Học được mở rộng, thông thoáng, không còn cảnh kẹt xe, lầy lội, người Sài Gòn không còn nơm nớp lo sợ khi đi qua con đường này.
Cụm đường Nguyễn Thái Học – Cô Giang – Cô Bắc nhắc nhớ về những tên tuổi gắn liền với cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1930): Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Giang (Cô Giang) và em gái Nguyễn Thị Bắc (cô Bắc). Ở đó còn có cả mối tình trung liệt của người đứng đầu Việt Nam Quốc Dân Đảng Nguyễn Thái Học và người con gái tỉnh Bắc Giang - Nguyễn Thị Giang.
Lục Diệp