Khi tuyển thủ... về nhà
Trên sân cỏ, trên đường đua họ có thể là người hùng nhưng chỉ cần về tới bậc thềm nhà, họ trở về là đứa trẻ bé bỏng thèm được ăn món mẹ nấu, thèm hơi ấm gia đình.
Nhiều người trong số họ rời gia đình từ khi còn rất nhỏ để theo đuổi niềm đam mê bóng đá. Cho đến khi thành công, số thời gian sinh hoạt cùng đội tuyển còn nhiều hơn số ngày sống cùng bố mẹ. Một cái Tết cùng gia đình, đôi khi cũng trở thành xa xỉ. Trong khi nhiều người hối hả xuôi về nhà, họ lại vác ba lô ra đi, phải rời nhà vào khoảnh khắc người người rộn rã với bánh chưng, nem chua... bên bố mẹ.
Bài 1: 'Bò vàng' Thu Thảo: sau mỗi cú nhảy là quyết tâm chữa bệnh cho bố
Bài 2: Đặng Văn Lâm: hành trang mang sang Thái là bánh chưng, giò chả
Bài 3: Công Phượng: Bóng đá, anh trai và ngôi nhà cũ...
|
Nhiều người vẫn gọi cầu thủ Nguyễn Quang Hải là 'hạt tiêu', bởi dù thấp nhất đội, nhỏ con nhất đội, anh luôn khiến đối thủ phải dè chừng.
|
Tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho cầu thủ Nguyễn Quang Hải |
Vượt qua mọi sợ hãi của một đứa trẻ nhờ tình yêu với trái bóng
22 tuổi, 13 năm sống xa gia đình, tự lập từ tấm bé; có lẽ chính những năm tháng ấy đã khiến Hải trưởng thành trước tuổi, luôn khao khát được về nhà, được vào bếp nấu cơm cùng mẹ, được có những phút giây sum họp gia đình.
Năm nào cũng thế, phải đến ngày 27 tháng Chạp, Hải mới được về nhà đón tết. Rời sân cỏ, rời ánh hào quang của truyền thông, anh lại vẹn nguyên là cậu trai làng Đường Nhạn (xã Xuân Nộn, H.Đông Anh, TP.Hà Nội). Những bước chân thảnh thơi trên đường làng và vẫn là nụ cười rất tươi của cậu bé Quang Hải ngày nào. Hải ít nói, kiệm lời, vừa về nhà, tíu tít cùng bố mẹ một lúc là đã lo phụ ông Thuần (bố Hải) việc này, giúp bà Cúc (mẹ Hải) việc kia.
|
Ngày bé xíu, Quang Hải đáng yêu như một… cô công chúa |
Mỗi khi được nhắc đến Hải, ánh mắt bà Cúc đều đầy lên niềm tự hào xen lẫn nhớ thương. Mới ngày nào, vợ chồng bà còn nén lòng rời xa cậu con trai 9 tuổi, mà giờ Hải đã thực sự trưởng thành.
Nhà nằm ngay sát sân vận động của thôn, sau mỗi trận đấu hay mỗi mùa giải là đồ dùng đều được đem gửi nhà ông Thuần, bà Cúc; nên từ khi bé xíu, Hải đã làm bạn với quả bóng tròn, quen với không khí sôi động trên sân cỏ. Khi đội bóng thiếu niên của Đường Nhạn tham gia các giải phong trào, Hải dù kém các anh trong đội đến 3 tuổi, nhưng nhờ chân trái khéo léo và kỹ thuật thiên bẩm, cậu bé loắt choắt ấy luôn được “đặc cách”.
|
10 tuổi, cậu bé Quang Hải đã là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong Giải Bóng đá Thiếu niên Nhi đồng toàn quốc |
|
Một góc thành tích của Quang Hải |
9 tuổi, Hải vào đội bóng của xã, đi thi đấu giải cấp huyện, rồi cấp thành phố; từ đây, Sở Thể dục - Thể thao TP.Hà Nội đã thấy được tài năng của Hải. Thông tin Hải được Sở “triệu tập” đến với gia đình bà Cúc, Hải vui mừng bao nhiêu thì vợ chồng bà lo lắng bấy nhiêu: “Nhà chỉ có 2 anh em, Hải còn quá nhỏ để sống cuộc sống xa nhà, lại thấp bé hơn bạn đồng lứa; chúng tôi không muốn cho con đi, nhưng nhìn ánh mắt, nét mặt con đầy háo hức, vợ chồng tôi lại không nỡ. Dằn lòng lắm chúng tôi mới có thể quyết định cho con theo nghiệp thể thao”.
Khác với sự cứng rắn trên sân cỏ, Hải cười bẽn lẽn khi nhớ về tuổi thơ: “Ngày mới sang tập luyện ở lò đào tạo trẻ của CLB Hà Nội T&T, tôi mới 9 tuổi đầu, có quá nhiều bỡ ngỡ cả trong cuộc sống xa nhà lẫn trong luyện tập. Thú thực là khi đó, tôi thấy khổ cực quá, giữa trời nắng nóng mà vẫn phải tập ngoài sân. Ngày đó, CLB còn thiếu thốn nhiều thứ chứ chưa được như bây giờ. Nhưng “sợ” nhất vẫn là nhớ bố mẹ, nhớ anh mà không biết làm thế nào, lúc đó tôi chỉ biết khóc”.
|
Không khí thường thấy ở gia đình Quang Hải mỗi khi anh thi đấu ở nước ngoài |
Nghe con nhắc lại những thiếu thốn tình cảm, cả ông Thuần và bà Cúc đều rơm rớm nước mắt: “Lần nào nói chuyện điện thoại với Hải cũng thấy giọng con nghèn nghẹn, nhưng khi chúng tôi hỏi con có nhớ nhà không thì Hải ráo hoảnh trả lời “không”. Sau này chúng tôi mới biết, con không dám nói nhớ, vì sợ bố mẹ không cho đi đá bóng nữa. Cũng may là Hải thực sự yêu trái bóng nên đã vượt qua được mọi sợ hãi, khó khăn”.
Trưởng thành trước tuổi
Dù Hải không nói những lời tình cảm, cũng không “sồn sồn” bày tỏ bằng hành động, song trong ánh mắt Hải, luôn có sự ấm nồng dành cho gia đình, đặc biệt là mẹ anh. Cuối giờ chiều, Hải xắn tay áo vào bếp nấu cơm cùng bà Cúc. Không chỉ thuận chân trái với những cú sút “thần sầu”, Hải cũng là người thuận tay chiêu. Nhìn từng lá rau Hải nhặt, từng miếng thịt Hải thái, thậm chí từng động tác đảo đũa trên bếp cũng thấy được cả yêu thương trong đó. Giọng ông Thuần chậm lại: “Từ khi 9 tuổi, Hải đã ít được về nhà. Từ năm Hải trong đội tuyển U19 dự vòng chung kết Châu Á đến nay, số ngày được về với gia đình lại càng ít hơn, mỗi năm tính ra chắc chỉ được đôi tuần”.
|
Trên sân cỏ, Hải là "hung thần" của đội bạn |
Có lẽ chính vì hoàn cảnh đó mà Hải luôn chắt chiu thời gian, chắt chiu từng khoảnh khắc cho những phút giây sum họp.
Cơm nước xong là thấy Hải tay xách nách mang những túi quà sang thăm ông bà nội ngoại, họ hàng và xóm giềng. Nhìn theo cái dáng thấp bé của Hải, ông Thuần khẽ nói: “Thấy con thành danh, chín chắn, sống chân thành và tình cảm với các thầy, với đồng đội, vợ chồng tôi mừng và tự hào lắm chứ; nhưng cũng vẫn lo, vì Hải còn quá trẻ. Bà nhà tôi thì thỉnh thoảng lại nhắc nhở con rằng, “dù mọi người có “tung hô” con là ngôi sao, nhưng con luôn phải nhớ con chỉ có một ngôi sao nằm trên ngực áo thôi”.
|
Tình cảm, sâu sắc, Hải luôn lưu giữ mọi “kỷ vật”, dù là nhỏ nhất, trong hành trình “quần đùi, áo số” của mình |
Giữa ngôi nhà khang trang, bà Cúc bất giác nhớ về những ngày còn nghèo khó. Gia đình thuần nông, kinh tế trông cả vào đồng ruộng. Khó khăn đến độ anh em Hải chỉ được chơi bóng nhựa, chứ bóng da là món đồ xa xỉ. Có lần Hải ao ước: “Con mà học giỏi thì mẹ mua cho con quả bóng da nhé”. Bà Cúc chột dạ, đến ăn còn phải lo từng bữa thì dám mơ gì đến bóng da, song bà vẫn động viên: “Con cứ chăm ngoan, học giỏi, mẹ sẽ bỏ hẳn tiền công 2 ngày làm thuê để mua bóng cho”. “Tôi nói vậy mà từ hôm đó không thấy Hải nhắc đến việc mua bóng thêm một lần nào nữa. Sau này tôi mới biết là Hải sợ tôi vất vả” - bà Cúc kể.
17 tuổi, Hải đã chững chạc trả lời báo chí rằng, thành công của mình phải đổi bằng những tháng năm khổ luyện chứ không phải may mắn để mà thấy bất ngờ. Hải cũng hiểu cái “kho” huy chương, bằng khen này đều là mồ hôi của bản thân, là nước mắt của cả gia đình.
|
Bà Cúc luôn có vị trí đặc biệt đối với Quang Hải. Anh luôn nỗ lực hết mình để tặng lại mẹ niềm vui của sự thành công |
Sau trận chung kết Giải vô dịch Bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup 2018), trong khi đồng đội đang hân hoan ăn mừng chiến thắng, chụp ảnh cùng chiếc cúp vô địch thì Quang Hải đã chạy đi tìm người thân. Hải dáo dác khắp sân vận động, liên tục hỏi người quen, giọng nói lạc đi: “Bố mẹ em đâu?”, “Bố mẹ cháu đâu?”. Với ánh mắt của Hải khi đó, có thể thấy chiến thắng ấy với Hải chẳng thể trọn vẹn, nếu anh không gặp được người thân. Lúc thấy bóng bà Cúc trên khán đài, ánh mắt, gương mặt của chàng cầu thủ mới đây còn vững chãi trên sân bỗng hớn hở như đứa trẻ. Anh chạy ào đến, tung bó hoa về phía mẹ. Bà Cúc đón bó hoa, cười hạnh phúc, mãn nguyện, nhìn Hải đầy yêu thương mà nước mắt cứ trào ra.
Với bất kỳ ai, hình ảnh ấy còn xúc động và đáng nhớ hơn cả “siêu phẩm” “cầu vồng tuyết” của Hải trên SVĐ Thường Châu (trong trận chung kết Giải Châu Á giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan).
Uông Thượng