Nguyên Phó tổng giám đốc Vạn Thịnh Phát bật khóc: “Tôi xấu hổ với vợ con lắm”

22/03/2024 - 14:56

PNO - Trước tòa, ông Hồ Bửu Phương (nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bật khóc: "Khi nghe đề nghị mức án 19 - 20 năm tù về tội "Tham ô tài sản"... Bị cáo xấu hổ với vợ con lắm".

Sáng 22/3, phiên tòa sơ thẩm xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo trong “vụ án Vạn Thịnh Phát” tiếp tục phần bào chữa của các luật sư.

Bào chữa cho ông Hồ Bửu Phương (nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, phụ trách tài chính), luật sư Nguyễn Thành Công và luật sư Cao Sỹ Nghị cho rằng mức án 19 - 20 năm tù về tội “Tham ô tài sản” mà Viện Kiểm sát (VKS) đề nghị là quá nghiêm khắc, nặng nề.

Các luật sư vẫn tích cực
Các luật sư tích cực làm tròn trách nhiệm với thân chủ của mình

Theo các luật sư, việc ông Hồ Bửu Phương liên quan đến quy trình “giải quỹ” để từ đó dẫn đến cáo buộc tiếp sức cho bà Trương Mỹ Lan “rút ruột” SCB là từ lời yêu cầu ông Phương hỗ trợ SCB của bà Trương Mỹ Lan. Nếu không có yêu cầu này thì công việc chuyên môn của ông Hồ Bửu Phương sẽ không liên quan gì tới SCB.

Hành vi của ông Hồ Bửu Phương chỉ dừng lại ở việc áp đơn giá cổ phần chuyển nhượng - dựa trên kiến thức, kinh nghiệm của mình và hồ sơ được cung cấp - sau khi tiền đã được giải ngân về cho công ty vay.

Các luật sư cho rằng, đây chỉ là một mắt xích nhỏ cuối cùng trong vụ án. Còn các quy trình khác, như: lên phương án vay vốn, lên phương án giải quỹ, và quá trình sử dụng dòng tiền sau khi “giải quỹ”, ông Hồ Bửu Phương không biết và không tham gia. Đồng thời, ông Hồ Bửu Phương cũng không khởi xướng quy trình “giải quỹ” như một phần cáo trạng mà chỉ làm theo thông lệ từ trước để lại và không dự liệu đến tính đúng sai của hoạt động này.

Theo các luật sư, vai trò của ông Hồ Bửu Phương không quan trọng. Thực tế, có khoảng thời gian ông Phương nghỉ phép khá dài (53 ngày) hay sau khi ông Phương nghỉ việc vào năm 2020 thì việc “giải quỹ” vẫn chạy bình thường. “Thực tế, việc “giải quỹ” này không liên quan đến chức danh Phó giám đốc phụ trách tài chính mà những người thực hiện chỉ nhận trực tiếp chỉ đạo cao nhất là bà Trương Mỹ Lan” - luật sư Cao Sỹ Nghị nói.

Các luật sư đề nghị HĐXX xem xét mà loại bỏ 2 tình tiết tăng nặng là “phạm tội có tổ chức” và “thủ đoạn tinh vi” vì ông Hồ Bửu Phương chỉ hoạt động thuần chuyên môn, không biết sâu các hoạt động liên quan ngân hàng của bà Trương Mỹ Lan và thân cận. Mong HĐXX xem xét bối cảnh, tình tiết để có phán quyết khoan hồng nhất.

Ông Hồ Bửu Phương
Ông Hồ Bửu Phương không hiểu sao mình bị truy tố về tội tham ô tài sản, cảm thấy rất xấu hổ với gia đình khi bị đề nghị mức án 19 - 20 năm tù

Tự bào chữa, ông Hồ Bửu Phương không kìm được cảm xúc, đã bật khóc khi nói về gia đình: “Từ khi bị tạm giam đến giờ, bị cáo vẫn chưa gặp được gia đình. Bị cáo rất muốn gặp vợ con. Nhưng khi nghe đề nghị mức án, bị cáo không dám gặp gia đình nữa. Bị cáo xấu hổ với vợ con lắm”.

Trước đó, ông Hồ Bửu Phương cho biết, toàn bộ dữ liệu liên quan đến các công ty dùng “giải quỹ” đều được quản trị và không được chia sẻ thông tin nên bản thân cũng không biết các công ty có là công ty ma hay không, có bị thuê đứng tên hay không. Ông cũng không hiểu vì sao mình bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” trong khi chỉ hưởng lương, thưởng theo hợp đồng lao động, không nhận thêm lợi ích gì.

“Đọc cáo trạng, bị cáo có phần nhẹ lòng vì nhìn tổng thể, hành vi không quá nghiêm trọng, nặng nề. Nhưng ngày VKS đề nghị án 19 - 20 năm, bị cáo không biết phải nghĩ gì nữa, không biết tại sao nữa… Xin HĐXX cân nhắc xem xét lời bào chữa của 2 luật sư mà khoan hồng. Bị cáo cũng xin cảm ơn 2 luật sư đã hết lòng trình bày mọi vấn đề cho bị cáo” - ông Hồ Bửu Phương trình bày với HĐXX.

Theo cáo trạng, ông Hồ Bửu Phương được bà Trương Mỹ Lan giao phối hợp ông Nguyễn Phương Anh (Phó tổng giám đốc công ty Sài Gòn Peninsula) và các cá nhân, tổ chức liên quan lên phương án “giải quỹ” đối với số tiền đã được SCB giải ngân vào tài khoản các công ty thụ hưởng theo phương án “vay khống”.

Để “giải quỹ”, các bị cáo lập hợp đồng “hứa” chuyển nhượng cổ phần khống, trong đó, các công ty “ma” được thụ hưởng tiền giải ngân hứa mua cổ phần của các cá nhân được thuê đứng tên.

Kết quả điều tra xác định: trong thời gian từ ngày 1/1/2018 đến 31/7/2020, ông Nguyễn Phương Anh đã báo cáo, xin ý kiến ông Hồ Bửu Phương để tạo lập các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần đối với 277 khoản vay của 118 công ty tại SCB, đến ngày 17/10/2022, còn dư nợ gốc là gần 216.983 tỉ đồng và nợ lãi hơn 99.228 tỉ đồng. Trong đó, số tiền được rút ra dưới hình thức tạo lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống là 190.771,5 tỉ đồng.

Tuyết Hoa Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI