Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM Võ Trọng Nam đồng chủ trì Hội thảo.
|
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân phát biểu đề dẫn Hội thảo |
Phát biểu đề dẫn, bà Nguyễn Trần Phượng Trân nhận định sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình và Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đảng bộ, chính quyền TPHCM đã đạt được một số thành tựu trong nâng cao nhận thức trong nhân dân, củng cố, bồi đắp các giá trị văn hóa truyền thống quý báu về gia đình. Cụ thể qua các gương tiêu biểu về “Gia đình hạnh phúc”, “Người con hiếu thảo”, nhiều tổ chức dòng họ có mối quan hệ chặt chẽ, giúp đỡ, động viên nhau phấn đấu trong lao động, học tập…
Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội cũng tác động nghiêm trọng đến nền tảng giá trị gia đình truyền thống, như tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn gia tăng; sự xung đột về nhận thức giữa các thế hệ, sự cô đơn trong chính gia đình của mình; việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tại mỗi gia đình; tệ nạn xã hội, tội phạm do mâu thuẫn gia đình… đã để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Tất cả đặt ra những thách thức lớn đối với những cá nhân, tổ chức đảm nhiệm công tác xây dựng và phát triển xã hội, cụ thể là việc xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.
|
Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nêu tầm quan trọng của bữa cơm gia đình và các chính sách về gia đình phù hợp bước tiến thời đại |
Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo cũng phân tích về những biến đổi của gia đình hiện đại so với gia đình truyền thống, rõ nhất là sự giảm đi của các thế hệ, thành viên trong gia đình cũng như sự độc lập, tính cá nhân của con người trong gia đình càng được coi trọng. Cùng với đó, tình trạng ly hôn, ly thân, xung đột kiện tụng tranh chấp gia đình cũng có xu hướng gia tăng; hôn nhân có yếu tố nước ngoài, quan hệ đồng giới… ảnh hưởng nhiều đến quan niệm về gia đình truyền thống.
Vì vậy, việc xây dựng gia đình hạnh phúc cần được đặt trong bước tiến chung của xã hội. “Cần có thêm nhiều chính sách phù hợp hơn nữa, ví như cần bỏ hình thức xử lý, kỷ luật về việc sinh con thứ ba để khuyến khích việc sinh đẻ trong giới trẻ hiện đại. Cũng cần chính sách chăm lo cho trẻ em và người cao tuổi toàn diện hơn. Hiện nay, nhà trẻ còn thiếu lắm, cũng không nhận em bé quá nhỏ, trong khi thời gian nghỉ thai sản của người mẹ chỉ có 6 tháng. Dịch vụ dành cho người cao tuổi - vốn luôn sợ trở thành gánh nặng cho gia đình, như nhà dưỡng lão, các dịch vụ chăm sóc, giúp đỡ người già tại gia ở ta còn ít quá. Bên cạnh đó áp lực thi cử học hành, học thêm, học phí còn quá nặng cũng tạo áp lực gia đình, phải làm sao giảm đi…”, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nêu giải pháp.
|
Bà Bùi Thị Ngọc Trang đề cao sự tôn trọng lẫn nhau và lòng chung thủy trong xây dựng gia đình bền vững |
Bà Bùi Thị Ngọc Trang (Phó giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM) cũng nêu thực trạng bữa cơm gia đình đầy đủ ngày càng hiếm hoi và là thực tế khách quan khi áp lực công việc, học hành ngày một tăng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại sai lầm là khi đã cố gắng sắp xếp thời gian để có bữa cơm sum họp thì đó lại thành nơi các thành viên gia đình phê bình nhau. Hạnh phúc gia đình bắt đầu từ hôn nhân, trong đó mọi người phải sống tôn trọng, thương yêu và chung thủy với nhau - đây hoàn toàn là biện pháp từ “bên trong” mà mỗi người khi bước vào hôn nhân phải nêu gương chính mình, tự rèn luyện đạo đức trong gia đình.
|
Bà Đặng Hồng Linh cho rằng cần quan tâm đến cấu trúc gia đình hiện đại đã thay đổi |
Bà Đặng Hồng Linh (nguyên Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM) cho rằng cần nhận thức lại về vấn đề gia đình để có các chính sách phù hợp. Điển hình như cấu trúc gia đình hiện nay đã thay đổi khi xuất hiện nhiều những gia đình đơn thân và cả gia đình chỉ có “ta với ta” - các đối tượng này cần được nhìn nhận và lôi cuốn vào hoạt động chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.
“Giới trẻ hiện nay không thích lập gia đình, không thích sinh con thì cũng cần chính sách dân số phù hợp. Đặc biệt, cần đẩy mạnh truyền thông về việc xây dựng gia đình hạnh phúc chính là mang lại hạnh phúc cho chính mình và những người xung quanh mình. Dù là gia đình hạt nhân cơ bản với đầy đủ cha mẹ con cái hay biến thể gia đình hiện đại thì bản thân con người trong gia đình phải hạnh phúc mới lan tỏa, san sẻ năng lượng tích cực từ gia đình”, bà Đặng Hồng Linh chia sẻ.
Tiếp thu những tham luận, ý kiến đóng góp cho Hội thảo, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền cho rằng Hội thảo đã gợi mở nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, xã hội về tầm quan trọng của gia đình và tiếp tục làm rõ những giá trị của gia đình trong việc xây dựng văn hóa, đạo đức, lối sống, gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
“Bên cạnh sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội vẫn luôn quan tâm thì vai trò của từng thành viên trong các gia đình là hết sức quan trọng, có tính quyết định trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước!”, ông Nguyễn Thọ Truyền nhấn mạnh.
Tam Bình