Nguyên nhân khiến 17 người bỏ mạng trên đỉnh Everest

31/05/2023 - 11:56

PNO - Các chuyên gia cho biết biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra cái chết của 17 người trên đỉnh Everest trong năm nay.

 

Những người leo núi leo lên mặt phía nam của Everest đến Bậc thang Hillary gần đỉnh. Ảnh: Lakpa Sherpa/AFP/Getty Images
Những người leo núi đang leo lên đỉnh của Everest 

Theo đánh giá của các chuyên gia Nepal và thế giới, đây có thể là một trong những năm chết chóc nhất được ghi nhận trên đỉnh Everest. Thời tiết thay đổi do biến đổi khí hậu được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của 17 người trong năm nay.

Theo Cơ sở dữ liệu của Himalaya chuyên theo dõi các trường hợp tử vong trên núi, tổng cộng có 12 người được xác nhận đã chết trong các chuyến thám hiểm Everest trong mùa này và 5 người khác đang mất tích. Tuy nhiên, 5 người này cũng được cho là đã chết, vì không có liên lạc nào ít nhất 5 ngày kể từ khi mất tích.

Con số này cũng được xác nhận bởi Bộ trưởng du lịch Nepal Yuba Raj Khatiwada. "Cả năm nay, chúng tôi đã mất 17 người trên núi trong mùa này. Nguyên nhân chính là do thời tiết thay đổi. Mùa này điều kiện thời tiết không thuận lợi, diễn biến thất thường. Biến đổi khí hậu đang có tác động lớn đến vùng núi" - ông nói.

Biến đổi khí hậu khiến năm nay trở thành một trong những năm tồi tệ nhất được ghi nhận về số người chết trên Everest. Con số này bằng thảm họa năm 2014 cũng có 17 người chết, tuy nhiên đây là những người địa phương thiệt mạng trong một trận tuyết lở. 

Trung bình mỗi năm, có từ 5 đến 10 người chết trên đỉnh Everest nhưng những năm gần đây con số này tăng đột biến.

Không những thế, những hình ảnh về tình trạng quá tải và “tàn sát” trên đỉnh Everest lan truyền chóng mặt, với hàng trăm người leo núi chờ đợi tới 12 giờ để được leo lên đỉnh ngọn núi. Thậm chí, họ còn tiết lộ rằng mọi người buộc phải trèo qua các thi thể và những người leo núi kiệt sức để đi lên đỉnh.

Chính phủ Nepal đã bị chỉ trích vì cấp 479 giấy phép trong năm nay - con số cao nhất từ ​​trước đến nay. Với giá gần 15.000 USD/vé. Đây là nguồn thu nhập chính cho quốc gia nhỏ bé này. Tuy nhiên, ông Khatiwada bác bỏ luồng ý kiến cho rằng con số cao trong năm nay vì cơ hội leo núi đã mở sớm hơn và mùa giải kéo dài hơn bình thường.

Ông Ang Norbu Sherpa - Chủ tịch Hiệp hội hướng dẫn viên leo núi Nepal - cho biết, có quá nhiều giấy phép được cấp và điều đó đang gây áp lực môi trường lên ngọn núi. "Mô hình leo núi đã thay đổi, trước đây chỉ có những người leo núi dày dạn kinh nghiệm mới được cấp phép nhưng bây giờ có rất nhiều người mới tập leo núi cũng muốn lên tới đỉnh Everest" - ông nói.

Các chuyên gia và những người leo núi nổi tiếng đã cảnh báo rằng Everest, đỉnh cao 8.848m, hiện được coi là một “điểm đến du lịch” và là sân chơi của những người giàu có, thích cảm giác mạnh, thậm chí cả những người có ít kinh nghiệm leo núi, những người sẵn sàng trả nhiều tiền hơn, trị giá hàng chục ngàn đô la để được hướng dẫn lên đỉnh.

Alan Arnette, một nhà leo núi đã leo lên đỉnh Everest vào năm 2011, cho biết năm nay thật “hỗn loạn”. Ông nói: "Nguyên nhân sâu xa của phần lớn ca tử vong nằm ở những du khách thiếu kinh nghiệm, những người đã cố gắng quá sức và không chịu bỏ cuộc quay trở lại khi còn sức. Ngoài ra, nhiều công ty hướng dẫn không yêu cầu kinh nghiệm và chấp nhận bất kỳ ai đăng ký. Chúng tôi đã thấy một số du khách bị bỏ rơi trong mùa này, bị bỏ lại một mình trên ngọn núi và một số vẫn còn mất tích cho đến nay".

Trọng Trí (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI