Nguyên nhân "khám chữa bệnh BHYT nhiêu khê, cử tri mệt mỏi"

31/10/2024 - 17:25

PNO - ĐBQH Tạ Văn Hạ thẳng thắn chỉ ra, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiêu khê, khó khăn khiến cử tri bức xúc, mệt mỏi.

ĐBQH Tạ Văn Hạ phản ánh cử tri bức xúc vì chất lượng dịch vụ BHYT - ảnh: QH
ĐBQH Tạ Văn Hạ phản ánh cử tri bức xúc vì chất lượng dịch vụ BHYT - Ảnh: Q.H.

Góp ý tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 31/10 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), ĐBQH Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho biết: chúng ta bàn nhiều đối tượng đóng hay không đóng BHYT nhưng điều mà cử tri bức xúc chính là ở chất lượng dịch vụ BHYT.

Ông chỉ ra, có quá nhiều bất cập và phức tạp khi đi khám, chữa bệnh BHYT như phải chờ đợi, quá tải bệnh viện, chất lượng thuốc... khiến người bệnh BHYT rất mệt mỏi.

Qua quá trình tìm hiểu, ĐBQH thấy rằng, trong hoạt động của BHYT có quy trình thẩm định, phân định mức phức tạp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến khám chữa bệnh BHYT “nhiêu khê, khó khăn khiến cử tri bức xúc”.

“Người dân đã bỏ tiền tham gia BHYT nhưng chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu” - ông nhấn mạnh.

ĐBQH Tạ Văn Hạ mong muốn, khi sửa đổi luật này, cần đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cụ thể, các cơ quan liên quan phải làm rõ tổng thu BHYT/năm là bao nhiêu tiền, phân định mức thế nào, số dư hàng năm bao nhiêu.

Ông cũng đề nghị, Chính phủ tạo điều kiện, cơ hội cho nhiều thành phần y tế khác tiếp tục được tham gia vào thị trường BHYT để tạo sự cạnh tranh, người dân có cơ hội lựa chọn. Ông dẫn ví dụ, học sinh đi học buộc phải mua thẻ BHYT, trong khi người cha, mẹ làm cho công ty nước ngoài đã được mua bảo hiểm riêng. Tuy nhiên, theo quy định, trẻ vẫn phải mua song song 2 loại bảo hiểm, đây là bất cập. ĐBQH đề nghị có khâu đột phá để nâng cao chất lượng BHYT.

ĐBQH Trần Thị Nhị Hà
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà kiến nghị thanh toán BHYT cho danh mục dự phòng, sàng lọc định kỳ - Ảnh: Q.H.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội) thông tin, Quỹ BHYT hiện nay chưa thanh toán cho các dịch vụ có tính chất dự phòng và sàng lọc. Các bệnh như ung thư, tăng huyết áp và đái tháo đường hiện đang chiếm tỉ lệ lớn trong chi phí điều trị. Nếu được phát hiện sớm, các chi phí này chắc chắn sẽ giảm đáng kể và người bệnh cũng tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm.

ĐBQH dẫn nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách y tế, nếu phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp, chi phí điều trị chỉ khoảng 5 triệu đồng/năm, trong khi điều trị biến chứng muộn có thể lên đến 92 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, các dịch vụ dự phòng này vẫn chưa được BHYT chi trả, gây lãng phí tiềm năng phòng ngừa bệnh tật của hệ thống y tế.

Do đó, bà Trần Thị Nhị Hà kiến nghị bổ sung vào dự thảo quy định thanh toán BHYT cho các danh mục dự phòng, sàng lọc định kỳ. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể danh mục bệnh, tần suất, khung giá các dịch vụ này.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI