edf40wrjww2tblPage:Content
CON NGƯỜI CỦA… MỌI GÓC ĐỘ
Giữa những ngày trùng trùng các hoạt động hội sách, tọa đàm tôn vinh văn hóa đọc, giao lưu tác giả - tác phẩm…, không ai thấy Nguyễn Ngọc Thuần đâu. Nếu gặp anh trong những dịp tình cờ hiếm hoi xin chữ ký, độc giả có thể sẽ thấy anh lẳng lặng ký tặng, một cách chú tâm và trao trả lại bằng một nụ cười cũng… hiền như khuôn mặt.
“Mục đích của người viết cuối cùng vẫn là tác phẩm. Còn hội hè thì cho dù có vui thế nào thì cũng phải… ra về” - Nguyễn Ngọc Thuần nói vậy. Mỗi ngày anh bận rộn với công việc giờ hành chính (hiện anh là họa sĩ minh họa cho báo Tuổi Trẻ), và mỗi đêm thì thức rất khuya “có khi viết lách vào lúc nửa đêm về sáng”.
Nguyễn Ngọc Thuần cứ lẳng lặng giữa hai danh xưng người ta thường gọi anh: nhà văn và họa sĩ. Hoặc có khi cũng không cần phải đệm theo vai trò nào hết, chỉ cần nói tên Nguyễn Ngọc Thuần, độc giả cũng có thể nhớ ngay anh với Giăng giăng tơ nhện - giải ba cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ - giải A cuộc thi văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước lần II, giải Văn học thiếu nhi Thụy Điển Peter Pan 2008; rồi Một thiên nằm mộng - giải A cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi của NXB Kim Đồng 2001-2002, Nhện ảo - giải A cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2003, giải B (không có giải A) cuộc thi sáng tác văn học cho tuổi trẻ do NXB Thanh niên phối hợp với NXB Văn nghệ tổ chức cho tác phẩm Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ…
Anh cứ xuất hiện và “thu gom” giải thưởng hàng năm, đến mức bè bạn văn chương đùa, cuộc thi nào có Nguyễn Ngọc Thuần thì… thôi, rút lui cho an toàn. Mà cũng có biết lúc nào anh gửi bản thảo dự thi đâu. Cứ “im im một lúc” lại thấy anh ra sách, cuốn nào cũng khiến người ta phải đọc và nhớ. Vui với từng mẩu chuyện dí dỏm không chịu được mà buồn thì cũng giăng mắc cơ man những cảm xúc cứ muốn đọc hoài. Rồi khi đã có tên tuổi, tạo dựng niềm tin từ độc giả với hàng loạt cuốn sách sau này: Sinh ra là thế, Tuổi 20, Chuyện tào lao, Cha và con và tàu bay…, “đùng một cái” anh dự thi cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần V và tiếp tục “rinh” giải nhì với tác phẩm Cơ bản là buồn.
Không giống như nhiều nhà văn lựa chọn, hoặc tận dụng không gian sở trường của bản thân để viết, Nguyễn Ngọc Thuần sáng tác nhiều thể loại, đề tài. Tên tuổi vụt sáng với tác phẩm dành cho thiếu nhi nhưng anh cũng không cố lao theo hào quang đó. “Với tôi, viết cho thiếu nhi như thế là đủ rồi. Thời gian đã xảy đến với tôi những điều khác hơn, nên những cuốn sách cũng phải khác hơn” - Nguyễn Ngọc Thuần tâm sự.
Anh viết như hơi thở, như cuộc sống vẫn chuyển động và đổi thay từng ngày. Không quá quan trọng cái gì mà cũng không cố tình lãng quên cái gì. Đây không phải là điều dễ dàng nếu không là một người cầm bút bản lĩnh. Bởi cuộc sống muôn hình vạn trạng, nhà văn không định hình được cho mình một phong cách sáng tác riêng có khi dễ bị nhòa lẫn vào số đông. Nhưng Nguyễn Ngọc Thuần thì không. Đề tài nào của anh, cho dù là đời thường nhất, tưởng chừng quen thuộc giản đơn nhất cũng đều được thể hiện trong sự tiếp cận khác biệt.
Nguyễn Ngọc Thuần không phải là “người bí ẩn” nhưng… khó đoán. Vào lúc độc giả nghĩ anh sẽ viết tiếp truyện thiếu nhi thì anh cho ra đời cuốn sách không dành cho trẻ nhỏ. Vừa đọc xong câu chuyện mang dấu ấn chiến tranh với tựa đề trở thành câu cửa miệng của nhiều người Cơ bản là buồn lại bất ngờ nghe anh tiết lộ đang bị hấp dẫn một cách đặc biệt bởi đề tài về… phụ nữ.
“Với tôi, văn chương đơn giản là viết những gì mình thích, chỉ vậy thôi. Tôi thích viết bằng sự trải nghiệm của hiện tại, hay và dở của hiện tại vẫn quyến rũ hơn. Tôi chẳng nghĩ điều gì sâu sắc cả. Thường thì tôi viết linh tinh cho đến lúc nảy ra một vài gạch đầu dòng tự thấy là thú vị, là viết thành sách. Vì thế, tôi thường không bao giờ biết mình sẽ viết câu chuyện gì, chủ đề nào. Một cuốn sách hay vẫn có thể xuất hiện lúc bạn… đau lưng” - nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần bộc bạch dí dỏm. Bởi thế, độc giả đừng bất ngờ, nhà văn của chúng ta cũng “không phải dạng vừa”.
TUỔI THƠ LÀ MỘT “KINH NGHIỆM LỚN”
TP.HCM những ngày đất nước chào mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đi đâu cũng thấy băng-rôn, cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ… Làng văn rộn ràng hòa chung bản giao hưởng của những ngày lễ lớn bằng các tác phẩm thơ, truyện, tuyển tập kể lại cảm xúc, câu chuyện của ngày 30/4 lịch sử. Còn với Nguyễn Ngọc Thuần, anh nhìn lại lịch sử bằng “sự tĩnh tại hồn nhiên” nhưng lắng sâu.
“Năm đó tôi chỉ khoảng hai, ba tuổi. Ký ức của tôi ngày ấy là những tấm ảnh gia đình và qua lời kể của má. Tuy thời chiến tranh nhưng má tôi rất… chịu chi, mua một cái máy ảnh rất xịn để chụp ảnh trong gia đình. Và thế là, anh tôi chụp vô tội vạ, ăn đứng nằm ngồi gì cũng chụp hết. Cũng nhờ vậy mà tôi không hề thiếu những hình ảnh sinh hoạt gia đình trong thời chiến tranh” nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần hồi tưởng.
Anh nhớ nhất là bức ảnh đen trắng đã mờ, má bế anh trên tay - một đứa trẻ rất đáng yêu đang trên đường chạy từ Đà Lạt về Hàm Tân trước ngày 30/4.
Với người viết văn, có lẽ ký ức là thứ lung linh, quý giá nhất mang theo dọc hành trình chữ nghĩa. Nhưng, Nguyễn Ngọc Thuần bảo, đã lâu rồi anh không còn viết bằng ký ức. Nếu không, đã có rất nhiều đoạn đời được anh chia sẻ trong tác phẩm rồi.
“Chúng tôi đi qua giai đoạn khốn khó bằng bo bo, tem phiếu và tằn tiện như mọi người. Nhưng có lẽ vì lứa tuổi còn quá nhỏ nên tôi nhìn nhận nó vô tư hơn. Nó cũng giúp hình thành trong tôi một tính cách sống giản dị hơn cho đến tận bây giờ. Tôi vẫn nhớ lúc Sài Gòn vào thời điểm “Tây ba lô” bắt đầu xuất hiện trên đường Phạm Ngũ Lão. Tôi nghĩ đó là một thời điểm quan trọng của thành phố. Hàng ngày tôi vừa đi học vừa làm nghề sao chép tranh ở đây, chứng kiến những thay đổi tích cực lẫn tiêu cực của việc giao lưu với thế giới bên ngoài. Bản thân tôi phải lựa chọn một thái độ sống như thế nào, vừa bảo toàn được mình, vừa thích nghi với một thế giới khác. Tôi nghĩ đó là một kinh nghiệm lớn” - Nguyễn Ngọc Thuần chia sẻ.
Cuộc sống với những thăng trầm của thời cuộc và thay đổi trước vận mệnh mới cho anh một hành trang thâm trầm mà bền vững. Để đến bây giờ, anh biết “cái gì muốn cũng chỉ cần vừa đủ dùng”, “trải nghiệm sự nông cạn vẫn là một trải nghiệm đáng giá”, “mỗi thời điểm cần có một dòng chảy của riêng nó”, “viết một cuốn sách thật buồn thì cũng phải thấy vui trong lòng mới viết”… Anh nói rất ít, nhưng câu nào cũng gói ghém những ý nghĩa sâu xa.
Đến cả một lời hứa trở lại với độc giả, anh cũng chỉ tóm gọn bằng một câu: “Khoảng một tháng nữa sẽ trình làng cuốn sách mong mỏng viết về cuộc sống đầy phiền lụy của một nhân vật nữ tên là Z”.
TIỂU QUYÊN