Nguyên liệu trà sữa không có sữa cũng không có trà

18/07/2020 - 06:18

PNO - Trong các set (phần) nguyên liệu trà sữa có giá rẻ như cho đang sốt xình xịch trên mạng xã hội hiện nay không hề có trà, cũng chẳng có sữa. Thậm chí, thành phần ấy có thể chứa nhiều phụ gia cấm mà người tiêu dùng không hay biết.

25.000 đồng pha được 6 lít trà sữa

Nguyên liệu pha trà sữa gồm có trà, bột béo, hạt trân châu, bột rau câu làm thạch trà sữa… Trước đây, những nguyên liệu này phần lớn đều được đóng gói, có nhãn mác, trọng lượng từ một ký trở lên. Nay trên thị trường xuất hiện nhiều set nguyên liệu trà sữa không nhãn mác, giá rất rẻ, được giới thiệu nhập từ Thái Lan.

Những set trà sữa mini này nhanh chóng làm bão mạng xã hội, thu hút nhiều người mua vì tiện lợi, tiết kiệm (mỗi set có thể pha được 5-6 lít trà sữa) mặc cho sự nhập nhèm về nguồn gốc. Liên hệ một fanpage chuyên bán nguyên liệu trà sữa Thái, chúng tôi được người bán cho biết, tùy theo mỗi set mà mức giá khác nhau; chẳng hạn set trà Thái không trân châu có giá 25.000 đồng, có trân châu thì 30.000 đồng hoặc set hồng trà có giá 35.000 đồng… Mỗi set gồm một gói hạt trân châu, trà, bột béo, bột rau câu con cá dẻo. Trong đó, theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ có bột rau câu là sản phẩm của Việt Nam, có thương hiệu rõ ràng; còn lại đều đựng trong túi ni-lông không nhãn mác và không có thông tin về sản phẩm.

“Tất cả đều nhập của Thái Lan theo dạng bao 20kg, có nguồn gốc rõ ràng. Nhiều người muốn mua nguyên liệu về pha trà sữa nhưng ngại vì trọng lượng sản phẩm nhiều, trong khi nhu cầu uống rất ít nên chúng tôi xé lẻ nguyên liệu thành từng set nhỏ để dễ bán” - chủ một fanpage nói với chúng tôi. 

Không chỉ “hot” trên mạng xã hội, các set nguyên liệu mini này cũng đang được bày bán rất nhiều tại các chợ truyền thống. Tại chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TPHCM), khi nghe chúng tôi nói muốn mua một set nguyên liệu pha trà sữa, tiểu thương tại một sạp bách hóa hỏi muốn lấy hàng Thái Lan hay Việt Nam. Nếu hàng của Việt Nam thì tất cả đều được nhà sản xuất đóng gói trong bao bì dạng ký. Còn nếu mua hàng Thái Lan thì sản phẩm được đóng gói nhiều loại, từ 100g, 200g, 300g… theo yêu cầu.

“Tất cả đồng giá 5.000 đồng/100g. Thường 100g bột béo và trà như vậy pha được vài lít trà sữa, phù hợp với khách mua về pha uống. Còn khách kinh doanh thường mua theo ký” - tiểu thương tại đây cho hay. 

Tại các chợ truyền thống khác như Thái Bình (Q.1, TPHCM), Hòa Hưng (Q.10, TPHCM), các nguyên liệu như trà, hạt trân châu được bán theo ký, riêng bột béo được phân thành từng gói nhỏ loại 100g, bên ngoài để duy nhất chữ “béo”, mở bao bì ra ngửi thì hương thơm ngào ngạt xộc lên rất nồng. Theo các tiểu thương, bột béo này là hàng Việt Nam có thương hiệu rõ ràng, vì nhu cầu của người mua nên họ chia nhỏ ra bán.  

Nguyên liệu trà sữa bán tại chợ và trên mạng đều không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng khá thu hút người tiêu dùng
Nguyên liệu trà sữa bán tại chợ và trên mạng đều không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng khá thu hút người tiêu dùng

Đến chợ sỉ Bình Tây (Q.6, TPHCM) để tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết mặt hàng nguyên liệu trà sữa có đủ xuất xứ. Tiểu thương tại một sạp hương liệu cho biết, thành phần chính để trà sữa ngon chính là bột sữa (còn gọi là bột béo, bột kem béo), có đủ nguồn gốc, chủ yếu là Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc… Trong đó, bột sữa của Đài Loan thuộc dạng cao cấp nhất, có giá từ 139.000 - 147.000 đồng/kg; kế đến là hàng Việt Nam có giá 75.000 đồng/kg; của Hàn Quốc có giá 67.000 đồng/kg. Bột béo của những nước còn lại đều khoảng 50.000 - 55.000 đồng/kg. 

“Đặc biệt rẻ nhất là bột béo của Trung Quốc. Chẳng hạn loại bột béo thực vật Non-dairy Creamer, nhiều công ty nhập về bán với giá 30.000 đồng/kg, được bán theo bao loại 25kg. Bột béo từ những set nguyên liệu mini đang bán trên mạng có thể được nhập từ Trung Quốc nên mới có giá rẻ như vậy. Cũng không có chuyện bột béo của Việt Nam được xé lẻ ra bán bởi nhà sản xuất trong nước thường đóng gói theo trọng lượng rất nhỏ, xé lẻ sẽ không có lời” - tiểu thương này thông tin với chúng tôi. 

Không có trà và sữa, chỉ có hương liệu

Nói về loại bột béo mà nhiều nơi đang rao bán rầm rộ trên mạng xã hội, tiến sĩ Phan Thế Đồng - bộ môn công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng Đại học Hoa Sen - cho biết, bột béo có hai loại. Nếu là bột béo chất lượng, chất béo làm từ kem béo sữa và không chứa chất béo biến đổi (trans fat).

Ngược lại, nếu bột béo kém chất lượng thì sẽ lấy chất béo từ dầu thực vật, thường là từ dầu cọ. Trong quá trình hydro hóa dầu thực vật để chuyển thành chất béo, một ít chất béo sẽ bị biến đổi và chứa trans fat trong đó, còn gọi là dầu thực vật hydro hóa. Loại chất béo này khó chuyển hóa khi vào cơ thể, không chứa thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe mà sinh ra nhiều năng lượng rỗng, gây thừa cân, béo phì, hình thành cholesterol xấu.  

Ngoài sử dụng dầu thực vật hydro hóa, một số nhà sản xuất vì lợi nhuận đã thêm vào nhiều loại phụ gia rẻ tiền khác như plastic, hóa chất lạ có arsenic, sulfate sodium, đường hóa học… Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại Singapore từng phát hiện trong nguyên liệu trà sữa tại Singapore chứa chất phụ gia L-theanine bị cấm bởi không an toàn cho sức khỏe người dùng.

Nhiều người tiêu dùng nhận xét rằng, các gói trà không nhãn mác được rao bán chung trong set nguyên liệu trà sữa sở dĩ thu hút khách vì chúng rất thơm, giúp trà sữa khi pha sẽ ngon, đậm đà hơn. Thạc sĩ Trần Trọng Vũ - giảng viên khoa công nghệ thực phẩm, Đại học Công nghệ Sài Gòn - cho biết thêm, hiện nay để tạo mùi hương cho thực phẩm nói chung, trà nói riêng, người ta sử dụng mùi hương tự nhiên hoặc tổng hợp. Tuy nhiên, do chiết xuất mùi hương từ thiên nhiên có giá thành cao, nên hầu hết đều làm từ hóa chất tổng hợp. 

Hiện nay, tại Việt Nam chưa có quy định chặt chẽ về việc sử dụng hương liệu trong thực phẩm hay cảnh báo chính thức về tác hại của chúng đối với người sử dụng nên việc lạm dụng còn diễn ra tràn lan. “Trà pha chế tẩm ướp hương liệu lâu và quá liều lượng có thể dẫn đến nguy cơ ngộ độc cao. Chất độc vào cơ thể không phản ứng liền mà tích tụ và bộc phát sau một thời gian dài sử dụng” - thạc sĩ Trần Trọng Vũ nói.

Để trà có hương hoa lài, người ta dùng hóa chất benzyl acetat, muốn hương sen thì dùng P-dimethoxy penzin, mùi hoa oải hương thì dùng linalyl acetat, mùi dứa thì dùng metyl butyrat… Đây là những hóa chất hữu cơ được làm từ các phụ phẩm dầu mỏ, thường được sử dụng chế tạo mỹ phẩm, nước hoa nhưng vì giá thành rẻ nên nhà sản xuất sẵn sàng sử dụng cho thực phẩm.
Riêng hạt trân châu thường chứa các chất phụ gia có chức năng làm đặc như guar gum. Khi tiếp xúc với nước, guar gum nở với kích thước lớn, nạp quá nhiều dễ gây trướng bụng, rối loạn tiêu hóa, tắc nghẽn thực quản và ruột. 

Mới đây, các chuyên gia tại Mount Alvernia - một bệnh viện uy tín hàng đầu tại Singapore - đưa ra phân tích, trà đen và trà xanh (loại chất lượng không tẩm ướp hóa chất, mùi hương) tốt cho tim mạch, tiểu đường, giảm nguy cơ ung thư. Nhưng một khi được cho thêm vào loại bột béo không sữa, trân châu, tác dụng của trà sẽ biến mất, thậm chí còn gây hại cho cơ thể. 

Ngày 20/5, Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra đột xuất một kho hàng nằm ở đường Xuân Phương, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội và phát hiện một số lượng lớn nguyên liệu làm trà sữa, nước hoa quả, bột trà xanh, bột béo. Trên các thùng nguyên liệu đều là chữ Trung Quốc nhưng chủ kho không xuất trình được hóa đơn chứng từ hay giấy tờ kiểm định chất lượng. Theo chủ kho hàng, nguyên liệu này sẽ được đưa tới các cửa hàng bán trà chanh, trà sữa nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố và vài tỉnh lân cận. 

Cùng ngày, Công an TP.Hải Phòng cũng phát hiện một cơ sở kinh doanh tại chợ Hàng (TP.Hải Phòng) lưu trữ 18 thùng cùng 5 bao chứa chất phụ gia thực phẩm để hỗ trợ chế biến trà sữa không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Theo các cán bộ quản lý thị trường, hiện đang bước vào mùa hè, thời điểm nắng nóng nên nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng trà sữa tăng cao. Tận dụng thời điểm này, các đối tượng nhập lậu nhập nguyên liệu pha chế không rõ nguồn gốc để bán thu lợi nhuận cao. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI