edf40wrjww2tblPage:Content
Giá nào cũng có
Chuẩn bị vào mùa Trung thu, các gian hàng bán nguyên liệu làm bánh nhộn nhịp hẳn. Nói về nguyên liệu làm bánh Trung thu (BTT), một tiểu thương tại chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) cho biết: muốn mua loại nào cũng có. Theo tiểu thương này, mỗi loại nguyên liệu có đến năm-bảy mức giá, tùy theo chất lượng.
Riêng bột mì để làm vỏ bánh dao động từ 17.000-55.000đ/kg, tùy theo xuất xứ Việt Nam, Nhật Bản, Pháp hay Mỹ. “Loại rẻ tiền chắc được pha thêm bột khác hả?” - tôi hỏi. Người bán khẳng định, “đương nhiên rồi, rẻ tiền thì phải có pha thôi, còn pha thêm cái gì thì chỉ nhà sản xuất mới biết, người bán như tui làm sao biết được!”. Theo chị L.P. (Q.Gò Vấp, TP.HCM), chuyên dạy kỹ thuật làm bánh, giá cả có liên quan đến nguồn gốc, “đát” của bột, các chỉ số về chất lượng…
Tùy theo chất lượng, bột bánh dẻo cũng có giá từ 30.000đ đến trên 50.000đ/kg. Nếu mua lẻ, người bán sẽ đưa ra sản phẩm bột được đóng gói trong bao ni lông có nhãn mác và thông tin sản phẩm đầy đủ, trọng lượng mỗi bao chỉ 0,5-1kg. Nếu mua sỉ, người bán sẽ giao sản phẩm được đóng trong các bao hàng chục kg song lại không có nhãn mác gì.
Mứt bí, hạt điều, hạt mè, hạt dưa tách vỏ, lạp xưởng - những nguyên liệu để làm nhân bánh cũng có đủ mức giá. Người làm không phải tốn công cắt mứt bí thành cỡ hạt lựu như trước vì đã có sẵn ở chợ với giá từ 30.000-50.000đ/kg, tùy theo độ trắng và độ ngọt. Một chị bán hàng tư vấn: “Đừng ham loại trắng quá, bởi càng trắng càng nhiều chất tẩy”.
Thông thường, hạt điều nguyên hạt được bán ở mức tối thiểu là 200.000đ/kg, nhưng hạt điều làm BTT có loại được chào giá chỉ 50.000đ/kg, đó là hạt điều vỡ, có khi bị mốc, sâu. “Hạt mè cũng có đến năm loại khác nhau, đắt thì 90.000đ/kg, rẻ thì 50.000đ/kg” - một tiểu thương chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM) báo giá. Chênh lệch nhiều nhất là lạp xưởng, có loại chỉ 50.000đ/kg, nhưng có loại lên đến 200.000đ/kg. Các loại lạp xưởng treo lủng lẳng, không hề đóng bao bì, không nhãn mác (ảnh). Loại 50.000đ/kg nổi rõ những cục mỡ trắng đục trong lớp ruột đã được nhuộm màu đỏ.
Một tiểu thương trên đường Lê Tấn Kế (chợ Bình Tây) cho biết: “Loại rẻ nhiều mỡ, loại đắt nhiều nạc hơn. Nhưng tui thấy để làm BTT, đa số người ta mua loại rẻ vì nó mềm, bóng, không bị khô”. Nguyên liệu nhiều loại, nhiều giá như trên, người sản xuất có thể làm ra loại bánh “giá nào cũng được”.
Năm nay, thị trường xuất hiện nhiều nhà sản xuất nhân bánh với đa dạng chủng loại: đậu xanh, đậu xanh lá dứa, hạt sen, sữa dừa, đậu đỏ, khoai môn. Nhân bánh có khắp các điểm bán nguyên liệu làm BTT tại chợ Bình Tây, Bến Thành và một số cửa hàng trên đường 3/2 (Q.11, TP.HCM), đường Hàm Nghi (Q.1, TP.HCM). Sản phẩm hầu hết do các công ty chế biến nguyên liệu thực phẩm trong nước sản xuất. Nhân được đóng gói kỹ lưỡng, trong các bao ni lông dày, có đầy đủ thông tin nhà sản xuất, thành phần và chỉ tiêu chất lượng. Có ba dạng đóng gói theo trọng lượng từ 1, 2 đến 3kg/túi.
Tại một cửa hàng trên đường Hàm Nghi (Q.1, TP.HCM) có bán một loại nhân bánh được nhập khẩu từ Malaysia, đóng gói trong túi ni lông 1kg, trên bao bì chỉ có mỗi tên nhà nhập khẩu mà không có thông tin về thành phần, chỉ tiêu chất lượng. Điểm lạ là mặc dù ghi “nhân sầu riêng” nhưng sản phẩm lại có màu nâu đen như cà phê.
Giá nhân bánh Việt Nam hay nhập đều dao động ở mức 50.000-55.000đ/kg loại đậu xanh; nhân khoai môn, sữa dừa: 60.000đ/kg; nhân hạt sen: 80.000đ/kg. Một tiểu thương chợ Bình Tây nói rõ: “Năm trước, nhân bánh Trung Quốc về chợ rất nhiều, người dùng sợ, nên ít ăn BTT. Năm nay có nhân bánh Việt Nam, ghi thông tin cụ thể nhưng tôi cũng không biết trong đó có gì. Chị cứ mua về làm thử thì biết”.
Thêm một điều đáng lưu ý, trên bao bì nhân bánh hướng dẫn bảo quản ở nhiệt độ 18-200C. Tuy nhiên, hầu hết các nơi bán đều bảo quản ở nhiệt độ thường, tức là thường xuyên ở mức trên 200C. Như vậy, liệu chất lượng sản phẩm có được bảo đảm?
Chiết khấu lên đến 25%
Hiện một số nhà sản xuất lớn như Kinh Đô, Đồng Khánh… chưa đưa ra mức giá từng loại bánh cụ thể cho mùa trung thu năm nay nhưng hầu hết mức chiết khấu cho các nhà bán lẻ được giữ nguyên so với năm trước.
Bà Trần Phương Thư, phụ trách marketing BTT Nhà hàng Đồng Khánh cho hay, do giá nguyên vật liệu và những điều chỉnh trong nhãn mác, bao bì nên giá các loại BTT năm nay tăng từ 5-8%, tuy nhiên mức chiết khấu cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ vẫn được giữ nguyên.
Riêng bánh Kinh Đô, nhiều thông tin trên mạng quảng cáo chiết khấu lên đến 25%, thậm chí có thể hơn nếu lấy số lượng nhiều, nhưng đại diện công ty Kinh Đô cho rằng, có khả năng đây là những mức chiết khấu từ nhiều nguồn bánh khác nhau, chứ không phải của công ty đưa ra, bởi vì đến cuối tuần này, Kinh Đô mới chính thức chào bán sản phẩm.
Theo ghi nhận, mức chiết khấu của các nhà sản xuất đưa ra khá đồng nhất, hầu hết dựa trên số lượng hộp mà đại lý lấy về, số lượng càng nhiều mức chiết khấu càng lớn. Mức phổ biến từ 5-10 hộp chiết khấu 5-6%, 11-20 hộp chiết khấu từ 10-11%, 21-50 hộp mức 16%, từ 100-500 hộp chiết khấu từ 24-25%...
Chị Nguyễn Hải Yến, một chủ đại lý cấp 1 ở Q.Tân Phú, TP.HCM cho biết, với số lượng trên 1.000 bánh nhập vào, mức chiết khấu của các nhà sản xuất đưa ra có thể lên tới 30-40%.
Với mức chiết khấu nêu trên, dễ hiểu đây là một trong những lý do vào đầu mùa bánh giữ giá cao, nhưng đến gần Trung thu giá sẽ giảm dần, thậm chí là khi bán một tặng một, đại lý vẫn có thể thu hồi được vốn. Chỉ người tiêu dùng là phải mua bánh giá cao.
An Hà - Đăng Thư