PNO - “Âm nhạc của tôi dựa trên sự gặp nhau giữa các nền văn hóa”, một lần nữa Nguyên Lê nhắc lại điều có thể coi như tuyên ngôn nghệ thuật của mình.
edf40wrjww2tblPage:Content
Không có một ranh giới hay thách thức nào ngăn trở được người đàn ông trông to cao lừng lững nhưng lại nói năng quá đỗi nhỏ nhẹ, trái ngược hẳn với phong cách như lên đồng trên sân khấu. Chính sự hồn nhiên trong tính cách, coi mọi thứ như trò chơi sắp đặt, đã làm lên một Nguyên Lê.
Tôi đi ké xe của Tùng Dương đến chỗ hẹn ăn trưa, sau buổi tập , dự định là phỏng vấn cả Dương và anh Nguyên ngay tại đó, sau bữa ăn, vì thời gian lúc này rất eo hẹp. Khi xe ra khỏi cổng Cung Văn hóa Hữu nghị, tôi thấy Nguyên Lê và nhóm cộng sự của mình đang mải mê chụp ảnh. Và có thể tin được không, bậc thầy guitar, một nghệ sĩ lớn, một tài năng đáng nể của jazz và world music thế giới đang tạo dáng chụp ảnh rất là…teen! Tùng Dương vừa lái xe vừa thích thú bình luận: “Chàng là thế đấy, eo ơi nhí nhảnh cực kỳ!”.
Chính tính cách bất ngờ được phát hiện ấy đã khiến cho cuộc hợp tác được chờ đợi nhất trong hai năm trở lại đây của nhạc Việt thành công êm thấm, khép lại chặng đầu bằng đêm nhạc không thể rực rỡ hơn tối 24/11/2013 và mở ra một con đường mới cho cả hai người, với vị thế mà họ đang có, vốn không có gì phải ngán phải sợ. Tùng Dương có một cơ hội lớn, Nguyên Lê tìm được câu trả lời cho những điều mà hàng chục năm qua vẫn chỉ là mong muốn, là dự định của mình.
Ở quán bún chả, khi bắt đầu nói chuyện với Nguyên Lê, tôi thở phào nhẹ nhõm biết rằng mọi chuyện sẽ không “nghiêm trọng” như mình tưởng tượng trước đó. Một nghệ sĩ lớn như Nguyên Lê rất dễ tạo cho người mới đối diện cảm giác e ngại, thậm chí bị choáng ngợp, và điều đó có thể chi phối cách nhìn nhận về nhân vật, tạo những lộng ngôn không cần thiết, những lời có cánh thừa thãi. Nguyên Lê có cách nói chuyện rất khác với hình dung về một tài năng lớn luôn thách thức mọi giới hạn biểu hiện trong âm nhạc hiện đại. Anh nói nhỏ, thậm chí rất nhỏ, phải rất tập trung mới nghe rõ. Khi thấy tôi có chút khó khăn diễn đạt một số khái niệm có tính đặc thù của world music bằng tiếng Pháp, anh trấn an: “Tôi không nói được tiếng Việt, nhưng cũng hiểu được tiếng Việt, chút chút, nói chậm nhé, không thì tiếng Anh cũng được, đổi lại tôi sẽ nói tiếng Pháp cũng chậm cho em nghe được. Hy vọng chúng ra sẽ hiểu nhau hơn”. Được lời như cởi tấm lòng.
Trước khi tiếp tục câu chuyện trong quán bún chả, tôi muốn trở lại gần 10 năm trước, lần đầu tiên tôi xem Nguyên Lê diễn, và cũng là lần đầu tiên Nguyên Lê cùng ban nhạc của anh và ca sĩ Hương Thanh (người đã đồng hành cùng Nguyên Lê trong hàng loạt dự án âm nhạc thành công vang dội tại châu Âu) biểu diễn ở Nhà hát TP.HCM, năm 2004. Tôi dùng chữ “kẻ gieo rắc hoang mang” là bắt đầu từ đêm diễn này. Hôm đó có rất nhiều nghệ sĩ trong giới nhạc, cả dân ca cổ truyền lẫn pop rock đại chúng đến xem.
Trước đó, những album của Nguyên Lê và Hương Thanh rất dễ tìm mua ở Sài Gòn, dưới dạng đĩa copy, còn trong đêm đó thì những gì được Nguyên Lê biểu diễn đã gây một nỗi hoang mang lớn, biểu hiện ở những bàn tròn nho nhỏ nhóm họp tức thì ngay sau đêm nhạc ở ngoài sảnh nhà hát. Mọi người hỏi lẫn nhau cái mình vừa nghe thực ra là gì? Hòa âm của Nguyên Lê như thế làm sao mà hát, vậy những gì Hương Thanh vừa hát, nhiều lúc nghe rất ngang tai, là do chị hát thành như thế hay cái kiểu này nó phải như vậy, rồi có người còn nói ước gì Hương Thanh hát hay như Hương Lan (chị gái của chị) và giá như Nguyên Lê chơi “mềm” hơn một chút thì chắc là các bài dân ca Việt Nam trong chương trình đã trở nên dễ nghe hơn nhiều. Và đa số các ý kiến hôm đó đều tập trung lại ở một thắc mắc: Tại sao làm khó lên một cái vốn dễ nghe để làm gì?
Tôi đem câu chuyện đã gần một thập kỷ ấy kể lại cho Nguyên Lê. Anh tỏ ra thú vị và cho biết anh cũng đang hồi hộp chờ đêm diễn Độc Đạo để xem phản ứng của khán giả sau 10 năm có gì khác theo chiều hướng thuận lợi cho anh hay không. Khi tôi viết bài này thì đêm Độc Đạo đã diễn xong, những tràng vỗ tay như sấm khi nghe những pha trộn mà ngày xưa được coi như bất khả trong các bài hát như Giăng tơ - nhạc Việt trộn với nhạc Phi châu, All is full of love - nhạc điện tử của Bjork cải biên thêm tiếng đàn bầu đàn tranh, có lẽ cũng tự trả lời phần nào cho việc khán giả đã trở nên cấp tiến hơn sau 10 năm ra sao.
Còn đây là chia sẻ thêm của Nguyên Lê qua e-mail khi anh đã về lại Pháp: “Với những đĩa nhạc của tôi liên quan tới Việt Nam, từ Tales from Viêt-Nam đến Độc Đạo và một đĩa nữa tôi muốn kể đến là Mangustao với Hương Thanh, thì một trong những mong muốn của tôi là gợi nhớ cho chính người Việt Nam chúng ta vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống, điều mà có thể nhiều người Việt thậm chí đã quên trong khi hào hứng chạy theo các giá trị phương Tây. Âm nhạc truyền thống phải được sống và duy trì, không phải ở trong các bảo tàng. Một mong ước khác của tôi là muốn thông qua chính loại âm nhạc này, đưa ra một vài gợi ý nâng tầm cho nhạc đại chúng ở Việt Nam. Ở đây người ta vẫn nói là nhạc của tôi lạ tai, khó nghe. Nếu quả thực là như vậy, thì chẳng qua là nó hơi mới lạ với tai nghe người Việt. Mà cái gì mới cũng cần thời gian để làm quen, thích nghe và từ đó hiểu được tính độc đáo của nó. Âm nhạc của tôi đúng là phức tạp thật đấy, nhưng nó đang diễn tả chính cuộc đời này, đời luôn phức tạp mà!”.
10 năm chinh phục khán giả Việt, lần đầu có một trung gian là giọng dân ca Hương Thanh, những lần sau có thêm cả các diva Thanh Lam, Mỹ Linh và gần đây nhất là divo Tùng Dương, có vẻ Nguyên Lê đã tới gần nhất có thể những đồng bào nhưng khác xứ của mình. Chuyện làm khó làm dễ trong âm nhạc của Nguyên Lê không phải chỉ có các đồng nghiệp người Việt mới đặt dấu hỏi. Đã từ lâu, Nguyên Lê được coi là một ca “lạ” của nhạc jazz thế giới.
Hơn 10 năm trước, trong một bài viết trên tờ New York Times, ký giả đã giới thiệu Nguyên Lê như một trong những nghệ sĩ jazz giàu sáng tạo nhất đương thời, luôn muốn kết hợp loại âm nhạc kinh điển Mỹ với mọi dòng âm nhạc truyền thống ở bất cứ đâu và mô tả ngón đàn của anh “Nguyên Lê giải quyết sự không tương thích giữa thang âm Việt Nam và Phương Tây bằng cách bẻ cong các nốt nhạc và sử dụng tuyệt kỹ ngân rung cực nhanh”. Về phía Nguyên Lê, anh chia sẻ nguyên tắc của mình: “Tôi coi đĩa nhạc này như một bữa tiệc, mỗi thực khách đến dự và thưởng thức theo cách của mình, gần gũi hay xa lạ, ngọt hay mặn. Nếu cảm xúc đồng điệu thì sẽ có một sự nối kết âm thầm giữa chúng ta, và âm nhạc trở thành ngôn ngữ toàn cầu” (từ bìa CD Bakida).
“Ngôn ngữ âm nhạc toàn cầu” chính là điều mà Nguyên Lê theo đuổi, và anh chơi nhạc theo tinh thần jazz, xác nhận mình là một jazzman đúng nghĩa (anh đã từng là gương mặt trang bìa tạp chí Jazzman của Pháp) cho dù người ta thích xếp nhạc của anh vào world music, nhưng bản thân anh không bị cuốn theo cái màu mè bề ngoài mang dáng vẻ thời thượng của dòng nhạc này. Dù nói tiếng Anh rất tốt, và các cơ hội ở những thị trường âm nhạc lớn như Anh, Mỹ không thiếu, nhưng Nguyên Lê không muốn rời Paris. Anh nói rằng việc không chuyển đến New York có thể khiến anh mất cơ hội trở thành tên tuổi lớn toàn cầu, nhưng ở lại Paris thì anh lại được góp sức mình tạo dựng ra sự phong phú của văn hóa đương đại nơi đây. Paris đã từ lâu trở thành thủ phủ của âm nhạc châu Phi đương đại, nguồn cảm hứng lớn của các nghệ sĩ theo đuổi dòng world jazz, phát triển rầm rộ ở châu Âu, trong một nỗ lực âm thầm nhằm phát triển một loại jazz đặc trưng của cựu lục địa.
Trở lại câu chuyện trong quán bún chả, lúc này đã có thêm Tùng Dương tham gia và chuyện hướng sang những ý tưởng đã dẫn tới sự chọn lựa thứ âm nhạc dành cho Độc Đạo. Nguyên Lê giải thích rằng Tùng Dương là trường hợp đặc biệt trong tất cả các dự án âm nhạc của anh. Đây là lần đầu tiên anh sản xuất một album đúng nghĩa “album ca sĩ”. Theo cách hiểu trong giới sản xuất âm nhạc thì dù gì anh cũng là người đứng sau, trong khi ở hầu như tất cả các dự án trước, kể cả trong các album làm cho Hương Thanh dù không đứng tên trên bìa chính CD, thì dấu ấn của Nguyên Lê vẫn là chủ đạo. Bởi với các album dành cho thị trường quốc tế như vậy, khán giả hầu như không hiểu tiếng Việt, họ cảm nhận bài hát theo hiệu ứng âm thanh nhiều hơn, vì thế lối hòa âm world music của Nguyên Lê đem lại cảm tưởng là những bản hòa tấu mà ở đó giọng hát cũng là một loại nhạc cụ.
Đây chính là nguyên nhân gây ra những thắc mắc khó hiểu ở các khán giả và đồng nghiệp người Việt trong buổi biểu diễn ở Sài Gòn đã được nói tới ở đầu bài viết này. Làm việc với Tùng Dương, cho một album ưu tiên thị trường Việt Nam trước nhất, theo Nguyên Lê, là một bài toán ban đầu không dễ giải: “Việc che bớt cái Tôi không phải vấn đề lớn với tôi, chuyện ấy bình thường, mà phải làm sao cho Tùng Dương vẫn giữ được sự yêu thích của khán giả, mà lại hoàn toàn mới lạ với chính cậu ấy. Không phải đơn giản là mix cho tiếng hát lớn hơn là xong. Tôi muốn từ Tùng Dương, thử nghiệm thêm lần nữa khái niệm ngôn ngữ âm nhạc toàn cầu, để người nghe vẫn có thể thưởng thức Tùng Dương như một ca sĩ nổi tiếng, tập trung vào giọng hát của cậu ấy, cảm nhận bài hát không cần phải dịch nghĩa, mà vẫn yêu thích. Các ca sĩ châu Phi đã làm được điều ấy ở châu Âu và trên thế giới. Tôi tin vào Tùng Dương”.
Chính Tùng Dương cũng nói rằng anh hoàn toàn bất ngờ khi làm việc với Nguyên Lê hóa ra lại rất “dễ”. Dễ ở chỗ Nguyên Lê tuy là một tên tuổi lớn, nhưng lại rất lắng nghe, không hề áp đặt. Và điều này theo Dương mới quan trọng, “Anh Nguyên anh ấy rất hiền, dễ thương lắm!”. Dù dễ thương chưa chắc đã là tiêu chuẩn đầu tiên làm lay động một người cực đoan như Dương, nhưng lại thành yếu tố quan trọng khiến cuộc hợp tác của cả hai trở nên suôn sẻ.
“Âm nhạc của tôi dựa trên sự gặp nhau giữa các nền văn hóa”, một lần nữa Nguyên Lê nhắc lại điều có thể coi như tuyên ngôn nghệ thuật của mình. Không có một ranh giới hay thách thức nào ngăn trở được người đàn ông trông to cao lừng lững nhưng lại nói năng quá đỗi nhỏ nhẹ, trái ngược hẳn với phong cách như lên đồng trên sân khấu. Chính sự hồn nhiên trong tính cách, coi mọi thứ như trò chơi sắp đặt, đã làm lên một Nguyên Lê. Hồn nhiên như khi anh tạo dáng chụp ảnh bên vỉa hè Hà Nội.