Nguyễn Khắc Viện (1913-1997): Trước sau như một - coi bà là Nhất

18/05/2017 - 23:48

PNO - Năm 24 tuổi, ông sang Pháp học Đại học Y khoa Paris. Trước lúc đi xa, gia đình quyết định hỏi vợ cho ông, cho dù giữa ông và “người đó” chưa hề gặp gỡ nhau.

Nguyễn Khắc Viện sinh ngày 5.2.1913 tại Hương Sơn (Hà Tĩnh) trong một gia đình nhà nho yêu nước và có truyền thống khoa bảng. Năm 24 tuổi, ông sang Pháp học Đại học Y khoa Paris. Trước lúc đi xa, gia đình quyết định hỏi vợ cho ông, cho dù giữa ông và “người đó” chưa hề gặp gỡ nhau.

Bà Nguyễn Thị Thiếu Anh - em ruột ông có kể lại chuyện “đi hỏi vợ” với một vài chi tiết khá thú vị: “Nghe nói nhà “cô vợ tương lai “có trang trại nhiều chim muông. Anh nhận lời đi theo thầy mự (bố mẹ) tôi đến nhà cụ N. ở Cổ Bi - bạn đồng liêu của thân sinh chúng tôi. Hôm ấy, tôi cũng đi theo. Hình như mục đích chính chuyến đi của anh là để hít thở không khí trong lành vùng núi đồi và săn bắn chim muông, chứ không phải để xem mặt vợ. Nói vậy vì tôi thấy anh chẳng chú ý gì đến trang phục cả. Vẫn chiếc áo lương cũ, vẫn chiếc quần vải chúc bâu nhàu úa và đôi guốc mộc, vẫn cái đầu cúp ca-rê. Đến nơi, anh cứ dạo lung trong vườn, không chịu vào nhà xem mặt cô dâu tương lai. Phía “đối phương” thấy anh dáng điệu “nhà quê” lại vô tình, không có vẻ gì là cậu sinh viên sắp đi du học nước ngoài, nên cô T. không đồng ý. Còn mự tôi lại chê cô dâu: “Con gái gì đã 18-19 tuổi rồi mà không biết têm trầu, têm có 5 miếng trầu mà đã xổ ra 3 miếng!”. Thế là việc hôn nhân không thành”.

Nguyen Khac Vien (1913-1997): Truoc sau nhu mot - coi ba la Nhat
Nguyễn Khắc Viện và bà Nguyễn Thị Nhất

Sau đó, Nguyễn Khắc Viện đi Pháp. Lúc chia tay ở bến nhà Rồng, ông cụ Nguyễn Khắc Niêm - phủ doãn Thừa Thiên - thân sinh của Nguyễn Khắc Viện đưa cho ông một bức thư dán kín, dặn ra ngoài biển mới mở ra đọc. Ông hồi hộp nhận thư của thầy (bố) không rõ trong thư dặn dò những gì. Tàu lướt sóng ra biển khơi, ông thận trọng xé bìa thư ra và đọc: “Sang bên Pháp, việc học hành thầy không dặn, thầy tin con thành công. Thầy chỉ dặn một điều nhất thiết đừng lấy vợ đầm”.

Lời dặn dò này, ông nhớ như in trong óc. Suốt năm tháng học nội trú, ông dồn hết tâm trí để lao vào học tập và nổi tiếng là người học giỏi. Tuy nhiên, ông cũng dành chút ít thời gian để... yêu! Khi cô em của ông bảo: “Chuyện của anh chán lắm, chỉ thấy toàn là hoạt động và công tác, không có yêu đương gì cả!”. Thế là Nguyễn Khắc Viện liền kể lại chuyện tình. Và ông tóm tắt như sau: “Sáu mối tình đầu với người ngoại quốc đều không thành vì bất đồng ngôn ngữ hoặc là cách sống. Như với cô người Pháp đầu tiên, mỗi lần gặp nhau, tôi lại bị chê là chia “verbe” sai. Ba cô người Việt tiếp theo cũng có chỗ không hợp”.

Trong số những cô bạn gái người Pháp, ông vẫn còn nhớ đến cô M: “Hôm ấy, sau khi tôi trình bày một bệnh án được một vị giáo sư khen, cô M. tìm gặp tôi nhờ giải thích mấy chỗ, cô kéo tôi ra ngồi trên ghế đá trong vườn bệnh viện chừng hơn 15 phút làm các chàng trai trầm trồ, vì cô là hoa khôi trong số vài chục sinh viên ở đó. Lần đầu tiên, tôi ngồi gần một cô gái như thế. Từ đó, có gì khó, cô lại đến hỏi tôi, rồi thỉnh thoảng đi học cùng chuyến tàu điện ngầm, cũng đã có đêm đi dạo bên bờ sông Seine và đã được gia đình cô mời tới nhà ăn cơm... Mấy năm quen biết nhau như thế, kể cũng đáng gọi là một cuộc tình thơ mộng. Nhưng rồi vì chiến tranh, bệnh tật và nhất là tôi nhớ lời ông cụ dặn trước khi đi Pháp, hơn nữa gia đình cô M. lại theo đạo Kitô, không muốn cô lấy chồng ngoại đạo và ngoại quốc, nên chúng tôi đành chia tay nhau”.

 Lúc này, sau khi tốt nghiệp ra trường giữa năm 1941 thì đầu năm 1942, ông bị bệnh lao. Bệnh này kéo dài gần mười năm, ông phải lên bàn mổ cả thảy 7 lần, cắt hẳn lá phổi bên phải, 1/3 lá phổi bên trái và 8 cái xương sườn! Thời gian nằm bệnh viện, ông lao vào học chữ Hán để trở thành người giỏi chữ Hán và phấn đấu vượt qua bệnh tật khắc nghiệt. Suốt 26 năm ở Pháp, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã hoạt động tích cực trong Hội Việt kiều yêu nước. Ngày 27.4.1963, ông trở về nước.

Nguyen Khac Vien (1913-1997): Truoc sau nhu mot - coi ba la Nhat
Nguyễn Khắc Viện và vợ ngày già

Vài năm sau, ông lập gia đình với người yêu, người đồng chí của mình là Nguyễn Thị Nhất. Ông nói về “người ấy": “Quê Bình Định xứ dừa có thứ dây rất bền buộc chặt, nên kết đến bây giờ” để “cùng chia sẻ ngọt bùi với nhau”. Còn bà Nguyễn Thị Nhất tìm thấy ở ông: “Anh luôn luôn đối đãi bình đẳng với tôi. Bên anh, tôi cảm thấy tự do và tin tưởng dể được hành động theo cách của mình, theo ước vọng của mình. Trong công việc, khi tôi có những ý nghĩ không thích hợp, những dự tính khó thực thi, anh luôn luôn tìm được những từ chính xác, sáng sủa, đầy sức thuyết phục nhưng không bao giờ xúc phạm để đưa tôi về với lẽ phải. Trong đời sống hàng ngày, anh luôn tránh làm tôi bận rộn thêm. Khi còn khỏe, anh tự giặt lấy quần áo và để khỏi tốn hơi tốn sức, anh thường chọn vải màu nâu như người ở nông thôn hay mặc, bởi vì như anh nói, như thế ít bẩn. Tới lúc liệt giường, anh vẫn luôn quan tâm để tôi ít chịu phiền hà nhất và tự mình cố gắng xoay xở trong những nhu cầu lặt vặt. Chưa bao giờ thấy anh phàn nàn về đồ ăn thức uống, kể cả khi anh không thấy hợp khẩu vị”.

Với nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, mối tình cuối cùng với bà Nguyễn Thị Nhất mới chính là mối tình đầu - để lại trong ông những tháng năm hạnh phúc nồng nàn nhất. Cảm động thay, lúc ngoài 80 xuân ông đã mừng bà Nhất lên 70 xuân với những vần thơ dí dỏm:

Bà là bà Nhất

Chị là chị Hai

Dâu là dâu cả

Tuổi trâu tích cực

70 không già

Hai vai gánh vác

Việc nước việc nhà

Việc dòng việc họ

Việc phố việc phường

Thêm một ông chồng

Kiệt sức hết hơi

Vẫn lắm trò chơi

Sách sách vở vở

Hết văn lại võ

Khách khứa sớm chiều

Chỉ được một điều

Trải bao năm qua

Từ nơi đất khách

Về đến quê nhà

Khi gần khi xa

Ngày sướng ngày khổ

Tơ lòng gắn bó

Không bao giờ dứt

Trước sau như một

Coi bà là Nhất

Còn bà từng viết rất thật từ đáy lòng mình:

Bạn bè tặng anh rất nhiều danh hiệu

Nhưng với em

Anh chỉ là anh Viện của em thôi.

Ở tuổi “cổ lai hy” còn đằm thắm với nhau như thế thì chúng ta lại thêm một lần nữa thấy sự bí ẩn kỳ diệu của tình yêu.

Lê Minh Quốc

* Tài liệu tham khảo: Tưởng nhớ nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện - Nhiều tác giả - NXB Thuận Hóa - 1997.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI