Nguyễn Khắc Duy: Nhạc kịch lịch sử - Tại sao không?

05/03/2015 - 07:49

PNO - PN - Chiến thắng ở hạng mục Tác giả xuất sắc nhất của giải thưởng Cù nèo vàng 2014 với kịch bản Vũ nữ có lẽ đã tiếp thêm động lực để tác giả (TG), đạo diễn (ĐD) Nguyễn Khắc Duy tiếp tục thực hiện dự án nhạc kịch...

edf40wrjww2tblPage:Content

Lấy bối cảnh thời Lý với các nhân vật Ỷ Lan, Lý Thường Kiệt và Thượng Dương hoàng hậu, vở Hậu cung oan án xoay quanh sự kiện Nguyên phi Ỷ Lan bức chết 72 cung nữ và Thượng Dương hoàng hậu, sau đó buông rèm nhiếp chính.

Nguyen Khac Duy: Nhac kich lich su - Tai sao khong?

* Từ trước đến nay, Ỷ Lan luôn là người phụ nữ sáng danh trong lịch sử nước nhà với tài trị quốc, an dân, chống xâm lược… Giờ nhìn ở góc độ khác, anh có lo sẽ gặp phản ứng?

- Tôi đặt một góc nhìn “đời thường” hơn. Là con người hẳn ai cũng sẽ có tham vọng và ít nhiều từng mắc sai lầm. Tôi hơi lo vở diễn sẽ gặp những ý kiến không đồng tình. Nhưng theo quan điểm hiện đại thì một nhân vật chúng ta có thể nhìn từ nhiều hướng dựa theo những nghiên cứu lịch sử. Nếu chỉ xây dựng ở góc nhìn toàn vẹn với những điều tốt đẹp thì các nhân vật lịch sử sẽ chỉ sống trong huyền thoại. Tất nhiên, mọi điều tốt xấu, công trạng, lỗi lầm đều phải dựa trên sự chân thật đã được sử sách ghi lại. Hơn nữa Hậu cung oan án là kịch bản thuộc thể loại dã sử chứ không phải tường thuật một câu chuyện đã cũ.

* Có nghĩa vở diễn sẽ có nhiều hư cấu?

- Đã là kịch dã sử thì sự hư cấu đương nhiên phải có, nhưng chắc chắn sẽ không làm sai lệch lịch sử hay bóp méo nhân vật lịch sử. Đây là khuôn khổ được phép khi viết kịch bản dã sử. Ở vở diễn này sẽ có 60% là thật và 40% là hư. Chất liệu sáng tác được tôi nghiên cứu từ những tài liệu chính sử như Đại Việt sử ký, Việt sử lược... và nhiều tài liệu nghiên cứu lịch sử Việt Nam của các tác giả khác. Những sự kiện được đưa vào vở diễn đều có dẫn chứng, nhân vật và ngày tháng cụ thể.

Dù là dã sử, nhưng tôi không chỉ chú trọng đến phần chi tiết, sự kiện để tạo kịch tính cho vở diễn mà còn đặc biệt chú ý đến trang phục, phong tục, họa tiết trang trí… với mong muốn có thể phản ánh chân thực nhất bối cảnh, văn hóa, con người Việt Nam thời bấy giờ. Đây cũng là phần khiến tôi mất thời gian nhiều hơn cả.

* Anh có chắc mình sẽ tìm đủ tài liệu cho việc “viết” lại một cách đầy đủ và chính xác phong tục, văn hóa, phục trang… thời hậu Lý?

- Về trang phục, tôi tham khảo một số tư liệu về phục trang Việt Nam các thời kỳ. Tôi cũng tìm được một tư liệu tập hợp trang phục của thế giới, trong đó có trang phục Việt Nam qua các thời kỳ. Ngoài nguồn tư liệu này, tôi còn nhờ thêm sự giúp đỡ, góp ý, tư vấn của các giảng viên trường mỹ thuật và những chuyên gia sử học Việt Nam.

* Nói đến nhạc kịch, đa phần khán giả sẽ hình dung đó là một vở diễn với rất nhiều yếu tố hiện đại, nhưng lần này lại khác?

- Tôi đã gửi cốt truyện với những ghi chú phần bài hát cho nhạc sĩ, nhưng vẫn cứ thấp thỏm lo không biết các nhạc sĩ có đủ hứng thú với nhạc kịch để làm việc với chúng tôi. Khi làm nhạc, tôi và nhạc sĩ sẽ bàn bạc và thực hiện. Tôi cũng chuẩn bị sẵn phương án sẽ sử dụng cả nhạc có sẵn và những sáng tác mới trong điều kiện không có đủ kinh phí. Phần dàn dựng vẫn chú trọng tinh gọn về cảnh trí với tiết tấu nhanh, mạnh. Cả âm nhạc và vũ đạo đều sẽ được pha trộn chất đương đại. Tôi đặt kỳ vọng sẽ tạo được một không khí mới cho kịch lịch sử.

* Lý do nào khiến anh chuyển rất nhanh từ những kịch bản thấp thoáng yếu tố nước ngoài sang kịch lịch sử thay vì chọn một vở diễn hiện đại nhưng thuần Việt làm “bước đệm”?

- Thực ra tôi không phải là người đầu tiên làm nhạc kịch lịch sử ở Việt Nam. NSƯT Thành Lộc đã từng rất thành công với Ngàn năm tình sử. Tuy chưa phải là một vở nhạc kịch đúng nghĩa nhưng đây vẫn là một sự sáng tạo và nỗ lực của thế hệ nghệ sĩ đi trước cho chúng tôi học hỏi và phấn đấu. Thêm nữa, tôi luôn thắc mắc, vì sao khán giả ngày xưa mê cải lương tuồng cổ? Thanh niên hiện nay mê phim lịch sử Trung Quốc? Họ có thể xem phim lịch sử Trung Quốc hàng ngày, thậm chí tìm hiểu lịch sử Trung Quốc để xem phim đúng, sai ra sao… nhưng lịch sử của dân tộc mình lại không nhiều người trẻ hiểu tường tận.

Ở góc độ nghề nghiệp, làm một vở kịch cổ trang đối với ê kíp không chỉ là việc tạo ra một sản phẩm mới lạ để phục vụ khán giả mà còn là dịp để những người trẻ chúng tôi được rèn luyện, nâng cao tay nghề, đồng thời tích lũy kinh nghiệm trong suốt quá trình thực hiện một dự án lớn. Vở diễn cũng là dịp để thể hiện lòng thành với tổ nghiệp, thể hiện khát vọng làm nghề và ước mơ hướng về nguồn cội của nhóm kịch Buffalo - những người vốn hay được nhắc đến với phong cách mang nhiều yếu tố nước ngoài.

* Dự án khá táo bạo này đã đi được hơn nửa chặng đường, cảm nghĩ của anh ra sao lúc này?

- Điều lo lắng nhất của tôi hiện tại là góp vốn cho dự án và lập một kế hoạch thu hồi vốn có vẻ bất khả thi trong tình hình kinh tế hiện tại. Đi ngược lại xu hướng thị hiếu không phải là điều lạ trên thế giới để tạo ra những “cú hích” cho thị trường. Nhưng nó cũng giống như một ván cờ chí mạng “được ăn cả ngã về không”.

Tôi và ê kíp hơi... liều khi còn quá trẻ để dấn thân vào một vở diễn cổ trang dã sử, mảng đề tài mà cả những người có nhiều kinh nghiệm cũng rất dè dặt. Sự chờ đợi của công chúng và dư luận (nếu có) cũng sẽ khiến ê kíp cảm thấy đầy áp lực. Chắc chắn sẽ có nhiều hoài nghi về chất lượng vở diễn cũng như những nhận xét trái chiều, thậm chí là chỉ trích. Lường trước những yếu tố đó nhưng chúng tôi vẫn không thôi nuôi hy vọng sẽ có không ít sự ủng hộ cho những người trẻ muốn thử sức với đề tài lịch sử.

HIỀN HOÀ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI