Mấy tháng nay, ông phải dựa vào vai con trai cả để tập đi từng bước trên khoảnh sân gạch trước hiên nhà. Gầy xọp, miệng méo, nói năng khó khăn, tay trái gần như bị liệt, cơn tai biến bất thường đang thử thách sức chịu đựng của ông. Không nói, nhưng ông già tuổi vừa thất thập ấy đang biết cách đón nhận ốm đau, bệnh tật và cái chết như lẽ thường hằng của đời người.
Nhập cuộc “oái oăm”
Ngày Nguyễn Huy Thiệp trở thành tâm điểm của báo Văn Nghệ với những Tướng về hưu, Vàng lửa, Phẩm tiết, Không có vua… ông vừa qua ba giáp. Lúc ấy, ông gầy, da ngăm, mặt hốc hác, nhưng đôi mắt sâu, nghiêm nghị, ẩn chứa cái nhìn tê tái.
Tấm ảnh ông để bìa sau Nguyễn Huy Thiệp - tác phẩm và dư luận (1989) trông không khác một gã thợ xẻ, một anh giáo khổ, một nhân viên quèn, một kẻ đói rã mọi thứ. Lúc ấy, ông vừa trở về từ Hua Tát (xã Cò Nòi, H.Mai Sơn, tỉnh Sơn La) sau gần mười năm làm giáo viên cắm bản “thi đua dạy tốt học tốt”. Nhưng ở núi, dưới bạt ngàn lau trắng, ông bắt đầu có câu chuyện riêng của mình.
|
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong một sự kiện do NXB Trẻ tổ chức mấy năm trước, khi đó ông còn khỏe. |
Trái tim hổ viết năm 21 tuổi, Con thú lớn nhất viết năm 23-24 tuổi và đến 27 tuổi, ông hoàn chỉnh mười truyện ngắn liên hoàn mà về sau in sách, có tên chung Những ngọn gió Hua Tát (1989). Hua Tát, tôi nghĩ, sẽ chẳng lưu dấu gì nếu không được văn chương hóa bởi chính người đã từng thân thuộc đến từng bông cúc dại nở vàng và sương mù bàng bạc. Hơn nữa, đó lại là người, vào lúc cô đơn và tươi trẻ nhất của cuộc đời, đã sớm vỡ lẽ rằng việc hiểu rõ những đau khổ trần đời sẽ nảy nở sự sáng suốt đạo đức, lòng cao thượng và tính người.
Văn đàn năm 1987 và 1988, dĩ nhiên, không duy nhất cho Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng công chúng sẽ nhớ như in sự xuất hiện ấn tượng của cái gọi là “cập thời vũ” Nguyễn Huy Thiệp. Không một ai dám xác quyết những gì còn ấp ủ trong ngăn kéo của ông. Ông quá mới. Sau này, Nguyễn Huy Thiệp tự nhận là “ăn may” gặp thời, còn lúc đó, giữa tâm bão chỉ trích bộ ba truyện giả lịch sử, ông vẫn nhẫn nại rắc muối lên từng trang viết.
Thật ra, sự thể trần đời không hào hiệp để ai được may mắn quá nhiều, và riêng với Nguyễn Huy Thiệp, cái “may” oái oăm và cắc cớ ấy, còn là nỗi “đau đớn lòng” mà nào dễ nói ra cho hết nhẽ. Khi tất cả còn đang cảm thấy bản thân dũng cảm khác thường vì đã ủng hộ Nguyễn Huy Thiệp thì chính ông, sau 5 năm tỏ tường chốn văn đàn, bắt đầu “vô vọng”.
Không phải nguồn năng lượng đã vơi cạn mà vì những hy vọng, những lý tưởng mà ông theo đuổi và kín đáo ấp ủ trong từng trang văn ngày càng bị thực tại xã hội đè chồng lên. Thậm chí, những trang văn về điều thiện, về lòng chẳng nỡ và đức vị tha của ông còn bị hiểu sai, diễn dịch méo mó. Không ít người vừa muốn nắm bắt, tóm lược ở ông vài điều cơ bản nhưng cũng vừa ngần ngại, đôi khi còn kinh sợ nếu tiếp tục lắng nghe ông.
|
Trái ngược với số đông thường tự sớm hết hạn trong cuộc chuyển giao thế hệ đọc, những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẫn nằm trong sự tìm đọc của hôm nay. |
Một trạng thái lưỡng lự khi nhập cuộc của cộng đồng đọc Nguyễn Huy Thiệp, chỉ có thể lý giải rằng chính văn chương ông đã không cho ai cảm giác an toàn hoặc muốn co rút vào an toàn. Tồn tại của Nguyễn Huy Thiệp, bao gồm cả danh tiếng và điều tiếng, quả là một bài “test” đối với sự công khai của các mối đồng cảm lớn.
Rất nhiều người viết văn nhưng không mấy người thấm thía những oái oăm của nghề viết văn. Nguyễn Huy Thiệp thì khác, ông đã cố gắng trả lời, thực ra là cố gắng bộc bạch thành thật nhất quan sát và cảm nhận của mình, trong những tháng ngày ông phải chịu đựng người đời thóa mạ mình, về câu hỏi “viết văn để làm gì?”, “nhà văn là ai?”.
Một mặt, ông thấy rõ sự vô bổ, nguy hiểm của nghề văn, “văn chương là thứ bỉ ổi bậc nhất”, mặt khác, ông mạnh mẽ và có lẽ nhói lòng nêu lên những tác động lớn lao mà nghệ thuật văn chương mang lại: “Văn học - với chức năng đặc biệt của nó - là nghề nghiệp duy nhất chỉ nói về tính nhân đạo, sự bao dung và lòng chẳng nỡ”.
Đối với những nhà văn không có lòng tín ngưỡng với sự sống thì theo ông, “những trang viết của anh chỉ có thể dừng ở mức độ viết kiếm ăn thôi chứ nâng lên được tầm văn hóa thì còn lâu mới với tới”. Ông ngán ngẩm, khinh thường thứ văn chương giáo hóa người đời, nhưng lại muốn văn chương có cái gì “từa tựa lẽ phải” để thúc giục nhân loại vươn lên, sống nhân đạo hơn, có ý nghĩa hơn, văn minh hơn, sướng hơn…
Trong khi độc giả tỏ ra thất vọng, cáu giận vì những “tiểu thuyết ba xu” của ông thì ông lại lưu ý một điểm then chốt: “Nghề văn là một nghề mệt nhọc. Nhà văn cũng phải có tiền để sống”. Ông tự nhận mình sống được bằng nghề. Nhưng đấy là khi ông chưa lâm trọng bệnh.
Những ngày “muốn nói chuyện một mình”
Thời gian qua, nhiều người không ngừng cố gắng “đi tìm Nguyễn Huy Thiệp”. Người ta bảo ông đã hết thời, đã cạn kiệt sức sáng tạo. Người ta cũng không ngừng dúi vào ông một thứ gì đó, gần giống nhờ cậy, biếu tặng hoặc cảm giác được ngang vai phải lứa.
Người ta thấy ông bắt đầu lầm bầm “viết văn là đi tìm đạo” thì cho rằng ông đã sa đà lẩn thẩn, bí hiểm hóa văn chương. Và khi thấy ông im hơi lặng tiếng, không màng thế sự thì đinh ninh ông đã thỏa hiệp, bỏ qua những chướng tai gai mắt mà trước đây ông không khoan nhượng.
Nhưng ông vẫn ở đấy thôi, ngay nơi những diễn giải bất tận và cơ hồ bất khả kết thúc của muôn ngàn người đọc, cách đọc. Ông vẫn ở đấy thôi, nơi góc quán cà phê quen thuộc bên người bạn tâm giao Nguyễn Bảo Sinh, nơi những cuộc gặp gỡ văn nhân mà ông thường kiệm lời rồi vội vàng cáo lui để về đón cháu nội.
|
"Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp" do Đông A phát hành mới đây được làm mới từ tuyển tập ra mắt năm 2007 của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. |
Và ông vẫn ở đấy thôi, bên hiên nhà bắt đầu cũ kỹ, cố gắng nhúc nhích tay chân để mong có ngày hồi phục, tự mình đi lại được. Tuổi già, bệnh tật, đành trông cậy tình thân bằng hữu và tình nghĩa vợ con. Phải làm sao nữa, trong tình thế của ông lúc này?
Tôi biết ông vẫn rất đau đáu khi nói về văn chương, về đạo, về lẽ sống và kiếp người. Không có một sự tầm thường nào trong từng đúc kết, quan sát và cắt nghĩa của ông. Nhưng đã đến lúc, như tên một tiểu luận ông viết trước khi ngã bệnh, ông muốn “nói chuyện một mình”, ông cần tịnh tâm để chiêm nghiệm về nghiệp văn chương, thứ mà chỉ tài năng lớn mới ngờ ngợ phần nào, mới dám bàn đến.
“Nghiệp văn - ông bình luận, là một nghiệp chướng rất nặng, rất kinh khủng, nhiều hệ lụy”. Không nhiều người muốn có một nghiệp văn như thế, dù trong thâm tâm, họ vẫn ngưỡng mộ và muốn vượt qua số ít đỉnh núi như Nguyễn Huy Thiệp. Ông đang là điểm xuất phát cho các cuộc bứt phá mới, nhưng kinh nghiệm sáng tạo văn chương ở Việt Nam vẫn thường mách bảo, xui khiến văn nhân chọn thường thường bậc trung mới dễ vinh thân phì gia.
Có lẽ một vài người đã vội tự đắc khi nhầm tưởng rút ngắn được khoảng cách giữa mình với những điều ông viết, ông nghĩ, với vẻ ngoài đôi lúc như một lão nông quê mùa của ông. Riêng tôi, tôi thấy sự phức tạp, những nan giải dằng dặc trong việc hiểu văn chương Nguyễn Huy Thiệp là một may mắn cho văn đàn Việt Nam.
Tác phẩm của ông, trái ngược với số đông thường tự sớm hết hạn trong các cuộc chuyển giao thế hệ đọc, vẫn đang nằm trong sự tìm đọc ráo riết của hôm nay. Văn nghiệp của ông, cũng trái ngược với số đông ít khi vẽ nên một chân dung lớn, đang là trường hợp riêng biệt khó lẫn đủ cho hậu thế không quá nản lòng khi đòi hỏi một mẫu hình nổi bật đúng nghĩa.
Chịu ảnh hưởng thiền phái Nam tông đốn ngộ của Lục tổ Huệ Năng, Nguyễn Huy Thiệp khuyến nghị đừng nghĩ thế nào là tốt là xấu. Đừng nghĩ thế nào là đúng là sai. Không nghĩ thiện không nghĩ ác, sẽ có lúc hiểu được bản lai diện mục của mình. Để tâm chấp vào điều gì đó, kể cả vinh nhục hay thành bại, là sự chẳng đặng đừng.
Ông thường nói rằng sống hay nhất vẫn là sống với cái đang là, với thì hiện tại, với cái chớp mắt của mỗi thời khắc mình được thuộc về. Ít nhất, những ngày này, ông đang thuộc về cái điểm nút bệnh tử lẽ thường mà khác thường của đời người. Sự im lặng gần như cả ngày của ông, phải không, cũng đang là cắc cớ lớn với xung quanh, với chúng ta nhiều khi vô tâm, hời hợt mà lắm hiếu kỳ?
Mai Anh Tuấn