Tôi đọc được truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp khi đang học ở Cuba. Truyện ngắn Vàng Lửa. Đó là năm 1987. Năm đó tôi 30 tuổi và đã học ở Cuba được ba năm. Hồi đó sinh viên chúng tôi chẳng hề có thông tin gì từ trong nước, ngoài những lá thư của gia đình mà bốn, năm tháng mới nhận được một lần hoặc thi thoảng mò đến sứ quán Việt Nam nghe tin từ trong nước. Chính vì thế mà tôi đã ăn trộm được một tờ báo Văn Nghệ ở sứ quán. Trong tờ báo Văn Nghệ ấy có in một truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.
Tôi đã đọc nhiều lần truyện ngắn ấy. Tuy Vàng Lửa chưa phải là truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng có một điều gì đó đặc biệt đã thay đổi tôi khi nghĩ về văn xuôi Việt Nam đương đại. Trước đó tôi hầu như chưa biết nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhưng lại biết khá nhiều về văn học Việt Nam hiện đại. Trong khi tôi đang “ bình yên” trong dòng chảy của văn xuôi Việt Nam thì Nguyễn Huy Thiệp đã “phá vỡ” sự “bình yên” ấy. Ông làm đảo lộn suy nghĩ của tôi. Văn chương của ông đã cuốn tôi vào thế giới mà ông dựng lên không thể cưỡng lại. Một thế giới không có trong văn xuôi Việt Nam trong vài chục năm cho đến trước khi ông xuất hiện.
Đã có cả hàng vạn trang giấy viết về văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Và chắc chắn rằng, mỗi thế hệ bạn đọc mới, mỗi thế hệ các nhà văn mới, các nhà phê bình mới và các nhà nghiên cứu văn chương mới lại tiếp tục mang đến những cái nhìn mới và đa chiều về văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Và lúc này, tôi muốn nói một chút về văn chương của ông trong cái nhìn hẹp, cái nhìn có một phần đối chiếu với đời sống xã hội Việt Nam. Đã có người tức giận hỏi : “Nếu mang các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp vào trường học thì người ta sẽ dạy cho học sinh điều gì từ những tác phẩm đó?”.
Câu hỏi đó đã xuất phát từ một cái nhìn văn xuôi trước khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện và xuất phát từ một cách nhìn khá đơn điệu và đơn tuyến về hình thức và nội dung các tác phẩm văn xuôi mà chúng ta thường gọi là “có hậu”. Vậy thế nào là văn chương “có hậu?”. Nó không phải là thứ văn chương làm cho chúng ta thỏa mãn, nó không ru ngủ chúng ta và nó không làm chúng ta đợi chờ vào một vận may của số phận. Trong cái nhìn của tôi, văn chương “có hậu” là làm cho người đọc nhận ra sự thật của chính mình cho dù đau đớn và cay đắng đến đâu và phải đối đầu với sự thật ấy. Chỉ có sự thật mới thức tỉnh và mách bảo con người chọn được lối đi của mình.
Văn chương Nguyễn Huy Thiệp lúc nào cũng làm tôi đau đớn và trong đau đớn người ta thường bừng tỉnh. Một đặc điểm vô cùng quan trọng trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp là làm cho người ta bừng tỉnh về một đời sống mà họ đang sống trong đó. Khi những truyện ngắn như Tướng về hưu, Không có vua... xuất hiện, có những người đã gọi ông là kẻ bịa đặt, kẻ bôi đen và kẻ làm đảo lộn những giá trị truyền thống. Hãy đọc một đoạn thoại trong truyện ngắn Không có vua của ông:
"Đoài bảo: "Tôi nghĩ bố già rồi, mổ cũng thế, cứ để chết thì hơn". Tốn khóc hu hu. Cấn hỏi: "Ý chú Khảm thế nào?". Khảm bảo: "Các anh thế nào thì em thế". Khiêm hỏi: "Anh định thế nào?". Cấn bảo: "Tôi đang nghĩ". Đoài bảo: "Mất thì giờ bỏ mẹ, ai đồng ý bố chết giơ tay. Tôi biểu quyết"...
Không ít người choáng váng với những đoạn thoại như thế của nhân vật Nguyễn Huy Thiệp trong nhiều truyện ngắn của ông. Nó đưa người đọc vào một thách thức đôi lúc quá sức chịu đựng thông thường của họ. Cái gì đang xảy ra trong đoạn đối thoại trên? Sự băng hoại đạo đức hay lòng nhân ái? Câu hỏi này không phải bây giờ mới được hỏi. Nó đã được đặt ra từ rất lâu trong đời sống nhân tính trên thế gian này. Sau câu hỏi ấy xuất hiện hai câu hỏi khác.
Câu hỏi thứ nhất: “Sao những đứa con đó lại mất nhân tính như thế khi muốn để bố chết?”. Câu hỏi thứ hai: “Sao những đứa con lại mất nhân tính như thế khi bắt người bố phải sống trong đau đớn và sống một cuộc sống vô nghĩa?”. Lúc này, những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp không nhằm thỏa mãn người đọc như quá nhiều tác phẩm văn xuôi Việt Nam trước đó. Nó đẩy bạn đọc vào một cuộc chiến tự vấn mà họ không muốn cũng phải tham dự. Người đọc phải trả lời cho chính họ câu hỏi mà cuộc đời đặt ra.
Nó bắt tất cả người đọc phải lộ diện và không ai được lẩn trốn. Không ai được đứng ngoài cuộc để rao giảng đạo đức cho người khác. Nếu trong đoạn thoại ấy, một đứa con không nói “Ai đồng ý bố chết giơ tay” thì người đọc có thể lướt qua tâm trạng của những đứa con trước một hoàn cảnh khó xử. Nhưng ông đã đẩy tới tận cùng và nó “phá vỡ” người đọc. Cách sử dụng lời thoại như vậy rất đặc trưng của Nguyễn Huy Thiệp. Khi đọc truyện ngắn này cách đây mấy chục năm, không ít người trong chúng ta đã tuyên bố Nguyễn huy Thiệp là một nhà văn “tàn nhẫn”.
Nhưng đến bây giờ, đã nhiều người trong họ bắt đầu nghĩ lại bản chất của lòng nhân ái là gì. Câu hỏi của những đứa con trong đoạn thoại trên bây giờ là câu hỏi của nhiều đứa con trong không ít gia đình chúng ta khi đứng trước hoàn cảnh cha mẹ bị bạo bệnh. Những câu hỏi ấy thực sự làm cho những đứa con hoảng loạn và sợ hãi, nó cho thấy sự bất lực của những đứa con không cứu nổi cơn đau thân xác bởi bệnh tật của người cha. Và những quan niệm hẹp hòi, nông cạn, về nhân tính hay cụ thể ở đây là chữ hiếu đôi khi gián tiếp đày đọa cha mẹ mình, thậm chí đứa con đã trở thành kẻ ác. Tôi có một đứa con gái lấy chồng rất xa.
Thời gian đầu, ý nghĩ đứa con gái yêu thương của mình lấy chồng quá xa đã làm tôi mất ngủ. Nhưng tôi đã đi qua được sự khủng hoảng tâm lý ấy khi nhận ra rằng: cha mẹ chỉ thấy hạnh phúc khi những đứa con có một cuộc sống bình yên, cho dù chúng ở rất xa. Còn nếu chúng ở cùng họ trong một ngôi nhà nhưng lúc nào cuộc sống của chúng cũng đầy đe dọa và bất trắc thì họ không thể nào có hạnh phúc khi nghĩ về những đứa con của mình. Một người con có hiếu là biết làm cho cha mẹ yên lòng. Đây không phải là một quan niệm mới về chữ hiếu, đó chính là bản chất của nó mà đến lúc này không ít người trong chúng ta mới nhận ra.
Trong truyện ngắn Tướng về hưu, có những chi tiết đã làm cho người đọc rùng mình đến buồn nôn. Một trong những chi tiết ấy là người ta nấu nhau thai nhi cho lợn ăn. Nguyễn Huy Thiệp đã “đâm một nhát dao” xuyên qua tim người đọc. Nhưng tôi nhìn thấy ông gục ngã đầu tiên. Ông là kẻ đi loan báo về một cái chết trong đời sống nhân tính Việt. Ông là kẻ đau đớn, là kẻ rùng mình hoảng sợ trước tiên thì sau đó ông mới có thể làm cho người đọc đau đớn, rùng mình và hoảng sợ.
Nó ám ảnh người đọc để họ không thể thỏa mãn như đọc một cuốn sách giải trí và cho phép mình quên đi chính những câu chuyện mà mình chứng kiến. Có thể trong thực tế đời sống người ta không làm chuyện đó, nhưng nhà văn phải đẩy câu chuyện đến tận cùng sự thật bằng chính sự sáng tạo đôi khi tưởng như giá lạnh của mình. Và chỉ như thế mới đủ năng lượng phóng mũi tên “tác phẩm” chạm đến sự thật và chạm đến trái tim. Ngày nay, mức độ tội ác của con người đã lên đến đỉnh điểm.
Qua những vụ án mà báo chí vẫn hàng tuần đưa lên làm cho chúng ta kinh hãi hơn cả khi chúng ta đọc những chi tiết như vậy trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mấy chục năm về trước. Từ mấy chục năm trước, Nguyễn Huy Thiệp đã dự báo sự suy đồi đạo đức của con người đến mức làm cho không ít người hồi đó và ngay cả bây giờ nổi giận và kết tội ông như một “tội phạm” chà đạp lên những quy chuẩn đức hạnh người Việt. Nhưng trong cách nhìn của tôi, ở một phía, Nguyễn Huy Thiệp chính là một trong những người bị tổn thương nặng nề nhất, bị xúc phạm nhất khi phải chứng kiến sự đổ vỡ nhân tính ấy.
Nhân vật Bổng trong Tướng về hưu là một kẻ tưởng như không thể nào có được những cảm xúc nhân văn nữa nhưng đã nức nở khi được gọi là người: “Thế là chị thương em nhất. Cả làng cả họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người”. Khi viết như vậy, là khi nhà văn bước đến và tìm thấy, và thừa nhận nhân tính trong một con người mà hầu như cả xã hội khinh bỉ và vứt đi. Nhà văn đã cứu vớt tâm hồn của một người như Bổng. Tôi thấy nước mắt chảy trong những dòng ông viết. Chủ nghĩa nhân văn không thể là những gì khác thế được.
Nhiều bạn đọc hồi đó đã rùng mình kinh hãi khi nghĩ đến một gia đình truyền thống đang bị phá vỡ như trong Không có vua và khi chứng kiến cảnh nấu nhau thai nhi cho lợn trong Tướng về hưu. Và chỉ sau mấy chục năm, cái rùng mình sợ hãi ấy đã trở thành sự thật trong không ít gia đình Việt Nam. Văn chương Nguyễn Huy Thiệp là văn chương làm cho người ta đau đớn, làm cho người ta phải mở to mắt nhìn vào con người họ, làm cho người ta phải thừa nhận sự thật. Và khi con người đau đớn, con người thừa nhận sự thật thì con người mới có cơ hội trưởng thành.