Nguyễn Du và câu chuyện chỉ lưu hành trong dòng tộc

10/12/2015 - 11:02

PNO - Nguyễn Du để lại cho hậu thế tuyệt tác Truyện Kiều và nhiều tập thơ khác. Đến nay, giới nghiên cứu cũng tốn nhiều giấy mực về Truyện Kiều.

Nguyễn Du để lại cho hậu thế tuyệt tác Truyện Kiều và nhiều tập thơ khác. Ngoài chuyện mổ xẻ tác phẩm, giới nghiên cứu cũng tốn khá nhiều giấy mực về năm ông viết Truyện Kiều và viết ở đâu.

Ông Nguyễn Minh (ngụ thôn Hồng Thủy, xã Xuân Hải, H.Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), là cháu trực hệ đời thứ sáu của đại thi hào Nguyễn Du. Ông cũng là chi trưởng chi thứ nhất của dòng họ Nguyễn Du tại Tiên Điền. Xuất thân là nhà giáo, lại nắm giữ gia phả dòng tộc, nên ông Minh dày công nghiên cứu hành trạng và trước tác của Nguyễn Du.

Ông cho biết: “Sách viết về Nguyễn Du, nhiều người rất ẩu. Có một giáo sư văn học là người Hà Tĩnh viết về cụ, tôi đọc, bắt ra 121 lỗi. Mới đây nhất là cuốn Nghiên cứu Truyện Kiều-Những năm đầu thế kỷ XXI, do Nguyễn Xuân Lam sưu tầm tuyển chọn, NXB Giáo dục năm 2008, có một bài khiến tôi rất buồn, bởi họ viết tiến sĩ Nguyễn Mai là anh họ của Nguyễn Du. Quá bừa bãi. Ông Nguyễn Mai là chi thứ hai, cụ Nguyễn Du là chi thứ nhất. Cụ nội của ông Nguyễn Mai gọi Nguyễn Du là ông bác. Ông Nguyễn Mai là tiến sĩ cuối cùng của triều Nguyễn, mất năm 1955, bạn đồng liêu của các cụ Phan Bội Châu, Đặng Nguyên Cẩn, trong khi đó Nguyễn Du mất năm 1820”.

Nguyen Du va cau chuyen chi luu hanh trong dong toc
Đến nay vẫn còn nhiều nghiên cứu tranh cãi về Truyện Kiều - Ảnh: Internet

Xung quanh chuyện Nguyễn Du viết Truyện Kiều năm nào và viết ở đâu, ông Minh nói: “Có những điều chúng tôi chưa từng nói, bởi đây là chuyện chỉ dòng tộc chúng tôi biết. Tôi đọc, thấy nhiều người đồng tình rằng Nguyễn Du viết Kiều khi còn làm Cai bạ ở Quảng Bình. Tôi cho rằng, nói như vậy là chưa tường minh. Dịp kỷ niệm 245 năm ngày sinh Nguyễn Du, tôi được H.Nghi Xuân mời tiếp chuyện ông đại sứ Phần Lan và giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Tôi đã phát biểu, rằng nói Nguyễn Du viết Kiều thời điểm ở Quảng Bình hay ở Huế, tóm lại là khi đang làm quan, là không đúng. Lý do: ông không ưa triều Nguyễn, ghét chế độ đương thời, mà Gia Long nổi tiếng hung bạo, thì ông nào dám khi đang tham chính lại viết Kiều, mô tả thân phận con người như cỏ rác vậy? Viết, chắc chắn sẽ bị nếm đòn. Đến cả Tự Đức sau này còn đòi nọc ra đánh 300 roi khi đọc Kiều nữa là. Còn nói ông viết khi đi sứ Trung Quốc, cũng không đúng”.

Ông Minh nói tiếp: “Năm 1961, cụ Lê Thước vào ở nhà tôi, nghiên cứu kỹ và viết pha giả tộc chúng tôi đúng ba tháng ròng. Gia phả chép, cụ Nguyễn Du được vua cho về quê sáu năm (1796-1802). Xin lưu ý, đây là giai đoạn đau xót nhất của gia đình cụ, anh em cụ ly tán, vợ và con ở Quỳnh Côi-Thái Bình chết, nhà thờ thì bị phá nát từ lâu.

Thấm mùi đau khổ sau “thập tải phong trần” (mười năm gió bụi), cụ về nhà, gần dân, thấy khổ cực đè nặng hơn, cụ tự cho mình là Hồng Sơn liệp hộ, là Nam Hải điếu đồ, lấy thú đi săn và đánh cá để giải sầu. Gia đình vẫn truyền nhau qua nhiều đời, là lúc đó cụ cột võng vào hai cây mấc, loại cây trắng, rất mềm và dẻo, suốt ngày đong đưa trên võng, nghĩ được một câu là đứng lên chép. Đầu buộc võng sau lõm khuyết một đường lớn.

Gia đình cụ thuộc dòng dõi quan trường, lúc đó có xây Vọng Giang Đài rất lớn bên bờ sông Lam, là chỗ để các cụ uống rượu ngâm thơ. Sông Lam, lúc thủy triều lên tràn bờ, nhìn về cửa Hội, chiếu thẳng ra hướng Đông Bắc, là Thái Bình. Ở đó là quê vợ cụ, là đau khổ khôn cùng vì vợ con chết, nên mới có câu “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI