PNO - PN - Nguyễn Đổng Chi học giả - nhà văn (NXB Trẻ) là tập sách ấn hành nhân Hội thảo khoa học Kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả, nhà văn Nguyễn Đổng Chi.
edf40wrjww2tblPage:Content
Hội thảo này do Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học, Tập đoàn truyền thông Thanh Niên, NXB Trẻ phối hợp tổ chức vào ngày 7.5.2015 tại TP.HCM.
Tập sách Nguyễn Đổng Chi học giả - nhà văn gồm 34 bản tham luận đã được tuyển chọn, biên tập nghiêm túc, kỹ lưỡng từ cuộc Hội thảo. Nhóm chủ biên đã tập hợp, trình bày theo 4 nhóm nội dung (tương ứng với 4 phần chính của tập sách): Nguyễn Đổng Chi - thân thế và sự nghiệp (4 bài, kể cả báo cáo đề dẫn và báo cáo tổng kết); Nguyễn Đổng Chi và văn hóa dân gian Việt Nam (15 bài); Nguyễn Đổng Chi và văn học cổ điển Việt Nam (6 bài); Nguyễn Đổng Chi và sáng tác văn học (9 bài); ngoài ra còn có phần Phụ lục, Niên biểu và Thư mục Nguyễn Đổng Chi.
Về tiểu sử của học giả Nguyễn Đổng Chi, GS-TS Nguyễn Xuân Kính cho biết: “Ông sinh ngày 6.1.1915 tại thị xã Phan Thiết (nay là thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Cụ thân sinh là nhà giáo có đức độ và uy vọng Nguyễn Hiệt Chi (1870 - 1935), nguyên tên là Thuận, hiệu Mộng Thương, đỗ đầu xứ nên thường được gọi là đầu xứ Thuận. Cụ tham gia phong trào Duy tân ở Nghệ Tĩnh, sau phải bỏ vào Phan Thiết, cùng bạn bè sáng lập Công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh. Trường này là nơi hội tụ nhiều sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ XX, cũng là nơi Hồ Chủ tịch từng dạy học một thời gian trước khi xuất dương tìm đường cứu nước. Năm 1918, cụ Nguyễn Hiệt Chi chuyển ra Trường Quốc học Huế, rồi ra Vinh. Cụ đào tạo được nhiều học trò giỏi, viết sách giáo khoa, biên soạn từ điển, địa chí. Thân mẫu Nguyễn Đổng Chi là cụ Nguyễn Thị Diên (1875 - 1948), thuộc dòng họ Thám hoa Nguyễn Văn Giai, là người cùng xã Ích Hậu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Chú ruột Nguyễn Đổng Chi là Nguyễn Hàng Chi (sinh năm 1885), cầm đầu phong trào chống thuế ở Nghệ-Tĩnh, bị xử chém năm 1908 tại thị xã Hà Tĩnh (nay là thành phố Hà Tĩnh)”.
Theo PSG -TS Trần Hữu Tá, học giả Nguyễn Đổng Chi “thành công trong cả 2 lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu. Và những mặt mạnh của lĩnh vực này đã hỗ trợ cho lĩnh vực kia một cách rất hiệu quả”; “Trong mấy chục năm miệt mài ấy, lần lượt 85 đầu sách là công trình cá nhân, hoặc do ông chủ biên, hoặc viết chung với người khác; cộng với 41 bài báo khoa học, tổng cộng có tới vài chục ngàn trang in. Số bản thảo đã hoàn thành hoặc cơ bản đã hoàn thành chưa in (12 cuốn) cũng không dưới mười ngàn trang in. Trên cánh đồng văn học, chàng lực điền Nguyễn Đổng Chi quả là đạt năng suất rất cao. Và những vụ gặt hái của ông, nhìn chung chất lượng rất đáng tin cậy”.
GS Phong Lê ghi nhận: “Về văn hóa, văn học dân gian, đó là công trình khai mở về thần thoại Việt Nam; là một “lâu đài” Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam gồm 5 tập mà chỉ riêng nó đủ làm nên một sự nghiệp cho bất cứ ai; là khởi thảo Từ điển thuật ngữ văn hóa dân gian, và bộ Địa chí văn hóa dân gian Nghệ - Tĩnh đồ sộ, bên cạnh Hát giặm Nghệ - Tĩnh, Vè Nghệ - Tĩnh, Ca dao Nghệ - Tĩnh, không kể bản thảo chưa in Văn học dân gian sưu tầm ở Ích Hậu (xã quê sinh của tác giả).
So với Hội thảo kỷ niệm 80 năm ngày sinh Nguyễn Đổng Chi (6-1-1995) do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia cùng với Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam chủ trì tại Hà Nội, Hội thảo lần này có gì mới?
Quang cảnh Hội thảo khoa học Kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi
TS Nguyễn Thành Thi cho biết: “Trong sự kế tục kết quả khoa học từ hội thảo lần trước (1995), có thể nêu lên một số nhận định khái quát như sau:
1) Học giả, nhà văn Nguyễn Đổng Chi thuộc thế hệ trí thức Tây học tinh hoa, giàu lòng yêu nước, can đảm dấn thân; có tư duy độc lập; giàu khát vọng và năng lực phát kiến, sáng tạo. Ở ông, một mặt người ta dễ dàng nhận ra gương mặt chung của cả một thế hệ trí thức tinh hoa, mặt khác cũng nhận ra gương mặt khó lẫn của một người “miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc” (Nguyễn Duy Quý).
2) Nguyễn Đổng Chi là học giả, nhà văn uyên bác, tài hoa có vai trò tiên phong - mở đường; có đóng góp quan trọng, đa dạng trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu, sáng tác. (Đó là các lĩnh vực: văn hóa dân gian, dân tộc học, lịch sử văn học Việt Nam, phóng sự luận đề, tiểu thuyết biên sử của nền văn xuôi kháng chiến Việt Nam).
3) Về phương diện học thuật, Nguyễn Đổng Chi được biết đến như một học giả có nhiều đóng góp lý luận quan trọng trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu, nhằm góp phần mở đường, xây dựng phát triển một số ngành khoa học mới mẻ ở Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ (từ đầu thập niên 30 đến đầu thập niên 80 thế kỷ XX), đặc biệt là các chuyên ngành cổ tích học, dân tộc học, địa chí văn hóa dân gian, cổ văn học sử Việt Nam,...
Nội dung, kết quả được công bố qua các công trình sưu tập, biên khảo, nghiên cứu của ông đều cho thấy một phương pháp làm việc quy củ, chuyên nghiệp, dựa trên một nền tảng lý luận vững chắc, một sự mẫn cảm và say mê hiếm có trên con đường “miệt mài tìm kiếm các giá trị văn hóa dân tộc”.
4) Trong lĩnh vực sáng tác văn học Nguyễn Đổng Chi (bút danh khác: Nguyễn Trần Ai) là một nhà văn viết không nhiều, song luôn tạo được các thành tựu tư tưởng và nghệ thuật mang tính đột phá (phóng sự luận đề tổng hợp kỹ thuật thể loại, tiểu thuyết “biên sử” hiện thực - đời tư mang đậm tinh thần thời đại và dấu ấn cá nhân)”.
Tuy nhiên sau Hội thảo lần này, công việc nghiên cứu về nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi vẫn chưa dừng lại. Còn có nhiều vấn đề học thuật cần tiếp tục như “Về văn bản: khuyến nghị tiếp tục hoàn thiện, xuất bản các công trình, tác phẩm của Nguyễn Đổng Chi còn ở dạng bản thảo; tiếp tục tìm kiếm các công trình, tác phẩm bị thất lạc; Tiếp tục nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi một cách toàn diện hơn như nghiên cứu sâu thêm về các công trình sử học, thư tịch Hán Nôm; các công trình về ý thức tư tưởng hệ, về nhân vật lịch sử, về các đặc khảo Hoàng Sa, Trường Sa, đặc khảo về các vùng biên giới Lào - Việt, Trung - Việt,…; nghiên cứu tác phẩm công trình của Nguyễn Đổng Chi từ góc nhìn tương tác; nghiên cứu việc nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi, v.v...".
Được biết nhóm chủ biên tập sách giá trị Nguyễn Đổng Chi học giả - nhà văn do PGS-TS Trần Hữu Tá, PGS - TS Nguyễn Thành Thi, PGS-TS Đoàn Lê Giang, TS Đặng Thị Hảo biên tập, tuyển chọn nghiêm túc.