Nguyễn Ái Quốc – Ẩn số từ nước Pháp: Thước phim tài liệu quý giá

02/09/2024 - 13:30

PNO - Bằng sự dụng công và cách thể hiện lôi cuốn, bộ phim đã khắc họa một lát cắt quan trọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình hoạt động ở nước ngoài.

Thời gian qua, các bạn trẻ không chỉ thể hiện niềm tự hào về quê hương đất nước qua các hoạt động xã hội mà còn tích cực tham gia việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Trong những dịp lễ lớn, xu hướng tìm kiếm các sản phẩm tôn vinh lịch sử cha ông ngày càng tăng cao, từ sách báo, phim ảnh đến các sản phẩm nghệ thuật khác. Điều này không chỉ thể hiện lòng kính trọng đối với những người đã xây dựng và bảo vệ đất nước mà còn khẳng định khát vọng tiếp nối và xây dựng một tương lai tươi sáng cho dân tộc. Sự đoàn kết và lòng yêu nước của thế hệ trẻ đang góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Bến cảng Nhà Rồng,  nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh  ra đi tìm đường cứu nước
Bến cảng Nhà Rồng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 79 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), với kỳ nghỉ lễ 4 ngày. Nhân dịp này, khán giả có thể tìm đến không ít bộ phim nói về hành trình gian nan và hào hùng của những người đã giành độc lập cho Việt Nam. Bên cạnh những tác phẩm về diễn biến của Cách mạng tháng Tám và ngày Quốc khánh, cũng có một số bộ phim kể về quá trình hoạt động gian nan trước đó của những chiến sĩ cách mạng. Một trong số đó là Nguyễn Ái Quốc - Ẩn số từ nước Pháp - bộ phim do ê kíp Ban Truyền hình Đối ngoại Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện. Đoàn phim đã khám phá nhiều tài liệu và câu chuyện ít ai biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn ở Pháp từ năm 1919 đến 1923. Những hoạt động của Người trong giai đoạn ấy mang tính lịch sử, tạo tiền đề cho đường lối sau này cũng như chiến thắng trong Cách mạng tháng Tám.

Hành trình tìm đường cứu nước

Ngày 5/6/1911, từ bến Nhà Rồng, Người lấy tên Văn Ba lên đường sang Pháp với nghề phụ bếp trên chiếc tàu buôn Đô đốc Latouche-Tréville. Sau hơn 1 tháng trên biển, tàu cập cảng Marseille (Pháp). Sau một thời gian ở Pháp, Người sang Mỹ và Anh, trước khi quay về Pháp hoạt động cho đến năm 1923.

Sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc, Hội nghị hòa bình Versailles được tổ chức ở Pháp để các nước thắng trận sắp xếp lại trật tự thế giới. Ngay tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson tuyên bố về việc thành lập liên minh các dân tộc để đảm bảo độc lập cho tất cả các dân tộc trên thế giới. Việc này đã thu hút sự quan tâm của người dân các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam.

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại  đại hội của Đảng Xã hội Pháp  vào năm 1920  - Nguồn ảnh:  Thông tấn xã Việt Nam
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại đại hội của Đảng Xã hội Pháp vào năm 1920 - Nguồn ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

Trong bối cảnh trên, ngày 18/6/1919, trên Báo Nhân Đạo, Nguyễn Ái Quốc đăng 1 bài viết gây xôn xao dư luận, đặc biệt là cộng đồng người Việt ở Pháp. Bài viết có nhan đề Yêu sách của nhân dân An Nam, gửi tới hội nghị Versailles và được xem như tuyên ngôn chính trị hiện đại đầu tiên của nhân dân Việt Nam, mở đầu cho một giai đoạn đấu tranh của dân tộc. Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên đưa vấn đề chính trị của Việt Nam ra quốc tế, đòi những quyền cơ bản và chính đáng cho Việt Nam.

Bài báo đó cũng đánh dấu lần đầu tiên cái tên Nguyễn Ái Quốc xuất hiện. Dư luận tự hỏi người thanh niên đến từ An Nam này là ai, trong lúc Chính phủ Pháp tổ chức một cuộc điều tra về nhân vật bí ẩn này. Thân thế và hành động của Nguyễn Ái Quốc cũng được ghi chép, phân tích tỉ mỉ trong hơn 9.000 trang tài liệu được lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ hải ngoại của Pháp và Trung tâm Lưu trữ Cảnh sát Paris.

Để thực hiện tác phẩm, đoàn phim đã tìm đến Pháp nhằm tiếp cận và khai thác những tư liệu quý. Họ cũng tìm gặp các sử gia Pháp và Việt Nam để nghiên cứu, phân tích các dữ liệu. Bên cạnh đó, ê kíp phải cẩn trọng khi xác minh, kiểm chứng từng thông tin, đối chiếu với các công trình nghiên cứu trước đó, trước khi đưa vào tác phẩm.

Bộ phim Nguyễn Ái Quốc - Ẩn số từ nước Pháp tập trung vào giai đoạn từ năm 1919 đến 1923, cũng là lúc Người hoạt động sôi nổi nhất. Nguyễn Ái Quốc đã tham gia Đại hội Đảng Xã hội Pháp, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, tham gia sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Những hoạt động chính trị phong phú của Người khiến chính quyền thực dân Pháp dè chừng và theo dõi gắt gao.

Buổi phỏng vấn nhà nghiên cứu Dominique de Miscault
Buổi phỏng vấn nhà nghiên cứu Dominique de Miscault

Tác phẩm tài liệu lôi cuốn

Tác phẩm tài liệu lôi cuốn người xem nhờ dung hòa tốt 3 yếu tố: kể chuyện, phân tích tài liệu và thể hiện bằng hình ảnh. Câu chuyện bám sát những dữ kiện lịch sử, như việc Nguyễn Ái Quốc gửi bản yêu sách vào năm 1919, đọc được Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa vào tháng 7/1920 và tham gia Đại hội Đảng Xã hội Pháp vào tháng 12/1920. Trên hành trình này, khán giả dần hiểu được con đường Người đã chọn cho cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam.

Bộ phim cũng nhắc đến mối quan hệ thân thiết của Nguyễn Ái Quốc và Phan Châu Trinh. Lúc đó, Phan Châu Trinh là nhà hoạt động yêu nước nổi tiếng của Việt Nam, từng giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc nhiều trong thời gian ở Pháp. Tuy nhiên, quan điểm đấu tranh của họ khác nhau, khi Phan Châu Trinh lên án chế độ phong kiến đồng thời muốn thực dân Pháp giúp người Việt Nam nâng cao dân trí và cải tổ xã hội. Theo Nguyễn Ái Quốc, con đường này là không thể thực hiện và chẳng khác nào xin giặc rủ lòng thương. Lịch sử đã chứng minh con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc là đúng đắn, khi dựa vào sức mạnh của dân tộc để đánh đuổi thực dân.

Những tài liệu khô khan lưu trữ ở Pháp được các nhà làm phim chọn lọc và sắp xếp thành tác phẩm có mạch truyện lôi cuốn. Trong quá trình thực hiện bộ phim, các nhà làm phim đặc biệt chú trọng đến việc tìm hiểu và phân loại tài liệu một cách chỉn chu và khoa học. Mỗi bút tích, hình ảnh, tư liệu đều được xử lý kỹ lưỡng, đảm bảo tính xác thực. Đan xen với nó là phần bình luận của những chuyên gia nước ngoài, cho tác phẩm có góc nhìn đa chiều và cũng thể hiện sự ngưỡng mộ của nhiều học giả với sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một cảnh hậu trường phim
Một cảnh hậu trường phim

Mạch truyện theo giai đoạn lịch sử không chỉ giúp cho câu chuyện về Nguyễn Ái Quốc trở nên rõ ràng và mạch lạc mà còn giúp khán giả dễ dàng nắm bắt được bối cảnh thế giới và sự phát triển tư tưởng của Người qua thời gian. Nhờ sự tỉ mỉ và công phu trong quá trình chuẩn bị, bộ phim đã mang đến cho khán giả cái nhìn sâu sắc về một lát cắt đặc biệt trong cuộc đời Người, đồng thời giúp khán giả cảm nhận được ý nghĩa lịch sử của những sự kiện được trình bày.

Dù là một phim tài liệu hơn 50 phút với nhiều dữ kiện, Nguyễn Ái Quốc - Ẩn số từ nước Pháp không tạo cảm giác giáo điều hay lê thê. Trái lại, ê kíp đã dụng công để tạo ra sự hồi hộp đậm chất điện ảnh. Trên hành trình ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc phải nhiều lần đối mặt với những kẻ theo dõi và muốn bắt giữ mình. Ê kíp làm phim đã sử dụng thủ pháp tái hiện kết hợp hình ảnh đồ họa, cùng với nhạc nền tạo ra ngôn ngữ điện ảnh giàu kịch tính.

Tác phẩm kết thúc với những thước phim đầy cảm xúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày trở lại Pháp vào tháng 7/1946, tức gần 1 năm sau Quốc khánh Việt Nam. Lần này, Người không còn là chàng thanh niên bôn ba bị chính quyền thực dân theo dõi, mà đến Pháp với tư cách lãnh đạo của một Nhà nước mới thành lập. Cũng trong buổi đón tiếp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định lập trường kiên định của Cách mạng Việt Nam, cũng như tinh thần yêu hòa bình. Những giá trị ấy vẫn được gìn giữ và tôn vinh cho đến ngày nay, bất chấp thế giới trải qua nhiều biến động.

Ân Nguyễn- Nguồn ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI