Nguyễn Á: “Cảm nhận rõ hơn tình yêu quê hương trong tim”

06/08/2014 - 16:06

PNO - PN - Sau bốn năm ấp ủ, cuộc triển lãm và ra mắt sách ảnh Hoàng Sa-Trường Sa, biển đảo Việt Nam của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á với hơn 1.000 bức ảnh và trên 150 câu chuyện sẽ chính thức khai mạc ngày 10/8 tại Nhà Văn hóa Thanh Niên, số...

edf40wrjww2tblPage:Content

Dự án thực hiện tập sách ảnh và một cuộc triển lãm ảnh về biển đảo Việt Nam bắt đầu manh nha trong suy nghĩ của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Á từ khi anh lênh đênh trên biển chuyến đi đầu tiên đến Trường Sa trong chương trình Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1 (do báo Tuổi Trẻ tổ chức) vào tháng 5/2010.

Nguyen A: “Cam nhan ro hon tinh yeu que huong trong tim”
Nguyễn Á tác nghiệp tại Hoàng Sa - Ảnh: PLO

Sau chuyến đi đó, tính đến đầu năm 2014, Nguyễn Á đã có năm chuyến đi đến Trường Sa, lần “tạm trú” lâu nhất đến 25 ngày, với mong muốn kể cho những người đang sống ở đất liền và bạn bè quốc tế những câu chuyện về cuộc sống, con người và những loài cây cỏ, động vật nơi đảo xa dẫu còn khó khăn nhưng yên bình, hạnh phúc; đồng thời góp phần tôn vinh hình ảnh của những người chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Mỗi lần ra Trường Sa tôi lại có được những cảm xúc rất mới lạ. Một trong những may mắn của tôi khi đến đây là cơ hội để ghi nhận và kể lại những câu chuyện rất sinh động nhưng cũng rất đời thường đang diễn ra hàng ngày trên đảo. Đó có thể là câu chuyện thú vị về hai cha con cùng là lính đảo Trường Sa; là lời lý giải tại sao đảo Nam Yết là đảo duy nhất có dừa hay câu chuyện chuyển giao nhiệm vụ giữa những người lính đã hoàn thành nhiệm vụ với tân binh Trường Sa…

Có nơi tôi đến ba lần chỉ trong vòng ba tháng và nhờ vậy đã ghi được hình ảnh của một bà mẹ từ khi mang thai tháng thứ sáu đến ngày mang lại cho đảo nhỏ sự sống của một công dân mới, để kể lại thành một câu chuyện rất mạch lạc qua những bức ảnh”.

Nguyen A: “Cam nhan ro hon tinh yeu que huong trong tim”

Ngư dân Việt Nam đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa - Ảnh: Nguyễn Á

Khi đã có đủ những câu chuyện liền lạc với những góc nhìn khác nhau để bắt đầu cho kế hoạch thực hiện sách ảnh và triển lãm ảnh về Trường Sa và nhà giàn DK1 thì xảy ra sự kiện Trung Quốc (TQ) đưa giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam. “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam, sẽ là một thiếu sót lớn nếu thực hiện triển lãm, sách ảnh về biển đảo nhưng lại thiếu Hoàng Sa của Việt Nam”, suy nghĩ này đã thôi thúc anh phải thực hiện cho bằng được một chuyến đi Hoàng Sa để kể thêm những câu chuyện bằng hình ảnh về các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và đặc biệt là những ngư dân ngày đêm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Trở về sau chuyến đi đầu tiên, Nguyễn Á vẫn chưa hài lòng với những gì mình đã làm được. Vậy là lại chuẩn bị hành trang, xin được đến Hoàng Sa lần thứ hai. Để có được nhiều câu chuyện với nhiều góc nhìn khác nhau, trong cả hai chuyến đi Hoàng Sa, anh đã di chuyển sang các tàu khác nhau, từ tàu lớn sang tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển… để chụp ảnh và trò chuyện với các nhân vật để “thu hái” được những câu chuyện sống động nhất.

Lần thứ hai ra Hoàng Sa đúng lúc cơn bão số 6 ập đến, sóng rất mạnh, biển gầm thét nhưng anh vẫn quyết tâm chuyển từ thuyền lớn sang thuyền thúng để qua tàu của ngư dân. Giữa đại dương với lòng biển sâu khoảng 1.500m, điều gì cũng có thể xảy ra trong giông bão, anh đã chép toàn bộ dữ liệu hình ảnh để lại ở tàu lớn.

“Sẽ là không trung thực nếu nói tôi không có cảm giác lo ngại khi vừa hiện diện ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Nhưng sau vài ngày, khi tận mắt chứng kiến cảnh tàu TQ truy đuổi, đâm va và bắn vòi rồng liên tục vào tàu kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam, tôi không sợ nữa. Có ngư dân còn nói với tôi, nếu chẳng may tàu TQ có đâm vào tàu của họ thì cũng không buồn vì đó là sự hy sinh để bảo vệ chủ quyền.

Nhìn các bạn đồng nghiệp là phóng viên kiên quyết không rời vị trí để ghi nhận hình ảnh thực tế gửi về đất liền, dù vòi rồng từ tàu TQ phun sang cuốn theo cả những mảnh kính tàu vỡ sắc lẹm, tôi vừa ghi lại hình ảnh của họ, vừa xem đó là bài học để tôi phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Tôi biết có nhiều nguy hiểm, nhưng nếu e ngại, tôi sẽ không thể có những bức ảnh tư liệu quý giá về thời khắc quan trọng của đất nước. Hơn nữa, tôi cũng muốn gửi gắm đến bạn bè thế giới hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam hiền hòa, yêu chuộng hòa bình” - nhiếp ảnh gia Nguyễn Á chia sẻ.

 Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI