Nguy kịch sau những trận rượu cuối năm

27/12/2022 - 06:47

PNO - Số lượng bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc rượu đang ngày một tăng vào dịp cuối năm. Không chỉ có người cao tuổi, ngộ độc cồn công nghiệp, nhiều bệnh nhân trẻ tuổi cũng hôn mê, nguy kịch chỉ vì “vui quá chén”.

Nam thanh niên nhập viện sau buổi rượu liên hoan

Nằm bất động, chằng chịt khắp cơ thể là các ống truyền, dây nhợ và máy móc hỗ trợ, khó có thể hình dung, N.T.H. (25 tuổi, ở tỉnh Tuyên Quang) là nạn nhân của ngộ độc rượu khi còn ở độ tuổi rất trẻ. Trước đó, H. tham gia liên hoan với bạn bè tại tỉnh Thái Bình. Ngoài rượu, nhóm bạn này còn sử dụng thuốc lá điện tử để cuộc nhậu “thêm vui”. Sau khi trở về, H. được người thân phát hiện trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi không đáp ứng. Bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào bệnh viện huyện rồi chuyển lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) để cấp cứu. 

Nam thanh niên 25 tuổi hôn mê sau trận rượu liên hoan
Nam thanh niên 25 tuổi hôn mê sau trận rượu liên hoan

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - cho hay, khi nhập viện, nam thanh niên đã trong tình trạng hôn mê sâu. Đặc biệt, chỉ số đường huyết của bệnh nhân giảm rất sâu, chỉ còn 0,7mmol/l, trong khi với người bình thường, chỉ số này phải trên 4mmol/l. Bệnh nhân được chẩn đoán hôn mê do ngộ độc rượu và hiện vẫn đang được điều trị, thở máy.

Cùng phòng với H., ông P.T.K. (sinh năm 1961, Hà Nội) cũng đang phải thở máy và diễn biến còn phức tạp do uống rượu. Nhìn người cha phải đặt ống nội khí quản, chân tay teo tóp, bụng chướng, con gái ông K. không khỏi chua xót. “Hơn 40 năm, tôi chưa bao giờ thấy cha mình bỏ rượu. Thời gian gần đây, ông uống nhiều hơn, trung bình mỗi ngày 1 lít. Dù gia đình khuyên ngăn nhiều lần nhưng ông không từ bỏ được” - chị nghẹn ngào. Chỉ vào những vết xuất huyết lấm chấm kín vùng bụng, con gái ông K. cho biết thêm, bệnh nhân rất dễ bị xuất huyết, chỉ cần chạm vào để thay bỉm là có thể chảy máu.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, ông K. đang trong tình trạng hôn mê và có nhiều bệnh nền liên quan tới tác hại của rượu như xơ gan, tiểu đường… Chân tay của bệnh nhân sù sì, nổi cục do mắc bệnh gút nhiều năm. Ngoài ra, các bác sĩ đang nghi ngờ bệnh nhân đang gặp phải bệnh lý não Wernicke. Đây là bệnh lý do thiếu hụt thiamine (vitamin B1), thường gặp ở người nghiện rượu với các biểu hiện lâm sàng điển hình là rối loạn tri giác cấp, rối loạn điều hòa động tác, yếu, liệt cơ vận nhãn. Ngoài ra, có các triệu chứng của thiếu hụt thiamine mạn tính như mất hoặc giảm trí nhớ.

Giám đốc Trung tâm Chống độc cảnh báo, gần đây, số ca ngộ độc rượu đang gia tăng. Đơn vị này tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu liên quan tới rượu hằng ngày. “Không chỉ riêng trung tâm mà các khoa của Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân gặp các bệnh lý liên quan tới rượu như xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, hoại tử chỏm xương đùi. Cứ vào thời điểm mùa rét, gần tết số ca bệnh có xu hướng tăng. Người ta còn gọi đây là “mùa” của xuất huyết tiêu hóa, xơ gan… do rượu” - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nói.

Không chỉ rượu cồn công nghiệp mới gây ngộ độc, tử vong

Thời gian qua, Trung tâm Chống độc cũng vẫn tiếp nhận nhiều ca ngộ độc cồn methanol, dù truyền thông liên tục cảnh báo. Với những bệnh nhân này, sau khi độc chất methanol đưa vào cơ thể có thể gây ra hàng loạt tổn thương về võng mạc, não bộ khiến bệnh nhân mù lòa, thậm chí tử vong. Nhiều bệnh nhân ngộ độc methanol khi đưa vào bệnh viện cấp cứu cũng được phát hiện là do uống nhầm cồn sát trùng “dỏm” lưu hành trên thị trường. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chỉ ra: “Người dân và cơ sở nhỏ lẻ không có khả năng sản xuất ra cồn methanol vì đây là hóa chất được nhập khẩu, sản xuất bởi các đơn vị lớn. Hóa chất này được tuồn ra ngoài, vào tay kẻ xấu để pha trộn thành rượu và cồn sát trùng dởm”.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, không chỉ rượu cồn công nghiệp mà ngay cả rượu truyền thống ethanol, nếu như lạm dụng vẫn gây ra ngộ độc, tử vong. 2 trường hợp trên chính là minh chứng điển hình. Cụ thể, thành phần ethanol trong rượu trực tiếp gây hạ đường huyết. Đường huyết xuống thấp sẽ gây tổn thương lan tỏa ở cả 2 bên não. Nếu tình trạng này được xử lý chậm, tổn thương não sẽ lan rộng hơn gây co giật, lờ đờ, hôn mê, thậm chí tử vong. “Rất nhiều người thân tàn, ma dại vì lạm dụng rượu. Biểu hiện của những người này rất dễ nhận biết như: tóc hoe hoe, da mỏng teo, mạch máu nổi đầy, bụng chướng, tay chân tong teo, thực quản, dạ dày bị viêm nhiễm. Hệ thống miễn dịch của người nghiện rượu yếu như ở bệnh nhân HIV nên họ dễ bị nhiễm trùng nặng và tử vong” - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.

Dịp lễ tết cuối năm là thời điểm sử dụng bia rượu tăng cao, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần hạn chế tối đa để bảo vệ sức khỏe. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), với rượu bia không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống, không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Theo đó, 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai, lon bia 330ml (5%); 1 cốc bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%). 

Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên… 

Huyền Anh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI