Nguy hiểm từ những chiêu “cùn”

13/03/2013 - 16:56

PNO - PN - Các chị tâm sự rằng mình thương con hết mực; giận, la hay nói lẫy, cũng chỉ là những chiêu trò để con ý thức bản thân, biết tự sửa mình… Nhưng, những người mẹ ấy đã không lường trước được nhiều nguy hại.

1 Mỗi lần kiểm tra bài vở hay ký tên vô sổ liên lạc của con trai, chị Phương đều không khỏi tức giận vì Tuấn viết chữ xấu, học chỉ trung bình. Chị vừa chì chiết, vừa dọa: “Chỉ có mỗi việc ăn học không mà lo hổng xong. Mai mốt cho nghỉ học ở nhà rửa chén cho rồi còn có lợi hơn”. Nhà chị có quán phở, phải thuê hai người phụ quán.

Một hôm, chị Phương được cô giáo chủ nhiệm gọi điện hỏi thăm Tuấn khỏe chưa? Sao nghỉ cả tuần không đi học? Chị Phương tá hỏa. Hóa ra con trai chị đã tự báo bệnh để xin nghỉ học một hôm, rồi nghỉ luôn suốt tuần, tuy ngày nào cũng ôm cặp ra khỏi nhà. Tìm hiểu, chị Phương mới biết, Tuấn theo mấy người bạn đi… học đánh giày. Bắt con về khi Tuấn đang lê la trên phố cùng nhóm bạn, chị Phương la hét, dọa đánh. Tuấn không khóc, lì lợm trả lời: “Mẹ đánh thì cứ đánh đi. Con không học nữa nhưng vì sợ mẹ bắt con ở nhà rửa chén nên con phải đi học đánh giày”.

Nguy hiem tu nhung chieu “cun”

2 Nhà chị Tuyết bán bún riêu, ở cuối hẻm, có cô con gái mới 15 tuổi, đang học lớp 9. Từ lúc 12, My, con gái chị Tuyết đã rất thích làm đẹp, hay ăn cắp tiền của mẹ mua sắm quần áo, các phụ kiện trang sức để… trang trí cho mình, rồi đi chụp hình chân dung ở tiệm. Giận con đua đòi quá sớm, lại xót tiền làm ra cực khổ, chị Tuyết thường mắng chửi My té tát, với những câu rất khó nghe, như: “Mày mới lớn mà bày đặt chưng diện, để ra đứng đường hả”. “Mày muốn đi bán cà phê ôm hay sao mà sửa soạn vậy? Muốn đi tao cho đi” …và “Muốn có tiền chưng diện, chụp hình như mày thì đi làm gái kiếm mà xài. Đừng ăn cắp tiền của tao nữa”.

Một chiều tối gần đây, chị chờ mãi không thấy My về phụ chị lặt rửa rau như thường lệ. Tất tả chạy đi kiếm con không thấy, chị định báo công an, may sao, một người quen thấy bé My đang đứng trước một tiệm cà phê ven đường nhún nhảy… để mời khách vào quán, gọi điện báo cho chị. Chị chạy nhanh đến đó đưa con về. Bé My không chịu về, cãi lại: “Con chỉ việc mặc quần áo đẹp, đứng đây nhảy múa vầy là mỗi ngày có tiền đủ xài, khỏi ăn cắp tiền mẹ nữa!”.

3 Còn chị Hằng thì mỗi lần nổi giận là… đuổi con đi. Khải - con chị, đã 16 tuổi, là học sinh khá. Nhà chị Hằng bán gạo và vài thứ linh tinh, mỗi lúc cần đi giao gạo thì chị Hằng nhờ Khải ra coi hàng. Khải vừa học bài, vừa trông hàng, nên hay bị mất lặt vặt. Do không tập trung, em thường tính tiền lộn. Mỗi lần giận con, chị Hằng có câu cửa miệng: “Đi đâu đi phứt cho rồi. Ở nhà mà không nhờ cậy gì được, đồ ăn hại”. Rồi cũng một ngày Khải đi học không về, chị Hằng chạy xuôi ngược tìm con không thấy. Chị đã đi báo công an… Mãi ba hôm sau, người quen đến nhà cho biết thấy Khải đang phụ hồ ở một công trình, tối ngủ lại đó luôn để giữ đồ đạc!

Những đứa trẻ “vào đời sớm” ở xóm tôi hầu hết đều có nguyên nhân ban đầu đơn giản chỉ là bị mẹ “lẫy”, mẹ “dọa”, mẹ “thách” mỗi khi các cháu làm điều gì không vừa ý.

Khi biết chuyện các cháu bỏ học hoặc bỏ nhà đi, hàng xóm đến thăm hỏi, chị nào cũng nước mắt vắn dài kể: “Sao số tôi nó khổ…”. Các chị tâm sự, mình thương con hết mực, giận, la hay nói lẫy con, chỉ là những chiêu trò để con ý thức bản thân, biết tự sửa mình. Các chị không nhận thức được rằng những cơn tức giận đã khiến các chị không kiềm chế chính mình và những chiêu trò đó đều là những chiêu “cùn”, quá nguy hiểm với sự non nớt của con cái.

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI