Nguy hiểm tính mạng khi tùy tiện chích lể

14/07/2023 - 06:17

PNO - Chích lể có nhiều nguy cơ nên không thể tùy tiện thực hiện. Tuy các bác sĩ đã cảnh báo nhưng hiện nhiều người vẫn tin vào phương pháp này bởi lời quảng cáo từ các spa.

Hình ảnh một bệnh nhân được giác hơi chích máu độc tại một spa
Hình ảnh một bệnh nhân được giác hơi chích máu độc tại một spa

Hút máu thải độc?

Gần đây, không ít spa quảng cáo dịch vụ hút giác hơi, hút máu thải độc như một giải pháp cho những người đau nhức vai gáy, xương khớp. Sau nhiều ngày làm việc bàn giấy, cơ thể ít vận động kèm theo triệu chứng sau cảm cúm, anh N.T. (Hà Đông, Hà Nội) luôn thấy đau mỏi mình mẩy. Nghe bạn bè giới thiệu, anh tìm tới một spa với dịch vụ “đả thông kinh lạc, giúp cơ thể khỏe mạnh, có sinh khí”. Tại đây, anh được nhân viên tư vấn phương pháp kết hợp giữa giác hơi, chích máu thải độc và bấm huyệt. 

Nhân viên spa dùng đầu kim đâm vào phần lưng, cổ vai gáy của anh T., sau đó dùng nhiệt giác hơi, khiến máu từ các vết chích chảy ra. Sau khi tháo giác hơi, trên lưng và miệng cốc giác lấm tấm máu… Theo nhân viên này, máu được hút ra là máu độc nên sẽ giúp cơ thể loại bỏ độc tố, lưu thông khí huyết. Ngoài ra còn cải thiện tình trạng xương khớp, đau lưng do thận hư và thư giãn cơ bắp một cách hiệu quả. Tuy nhiên, sau đó, anh T. cho hay lưng của mình lại đau nhức hơn. Anh còn phải uống kháng sinh vì các vùng kim châm có dấu hiệu viêm tấy. 

Trên mạng xã hội còn có 1 clip hướng dẫn thực hành với các thao tác đơn giản. Dụng cụ gồm: giấy ăn (để thấm máu), bộ giác hơi, bút chích máu. Tác giả clip này cho rằng “không cần sử dụng tới găng tay vì chiếc kim đã quá tiệt trùng rồi”. Theo hướng dẫn, cốc giác hơi được úp dọc 2 bên sống lưng. Sau khi để lại các vùng tròn bầm tím, cốc được tháo ra. Người này tiếp tục dùng bút lắp kim châm, chọc liên tiếp vào mỗi vùng bầm tím khoảng 40 lần rồi sau đó tiếp tục úp lại cốc giác hơi. Máu từ các điểm châm bật lên, thành dòng rồi bám dính vào khắp miệng cốc. Sau khi thực hiện dọc từ thắt lưng tới phần cổ vai gáy, cốc giác hơi được tháo ra và dùng giấy ăn để thấm và lau sạch máu. 

Clip còn chỉ dẫn do lượng máu ra tương đối nhiều nên sau khi giác hơi hút máu thải độc cần cho bệnh nhân uống nước nóng. Phương pháp này thực hiện mỗi tuần 1 lần, kéo dài 1 tháng.

Nguy cơ nhiễm trùng, mất mạng

Bác sĩ Đặng Thành Long - Bệnh viện Châm cứu Trung ương - cho hay, phương pháp giác hơi chích máu độc thực chất trong y văn được gọi là chích lể. Tại một số địa phương, có các cách gọi khác nhau như cắt lể, chích lể kết hợp giác hơi. Phương pháp này dùng kim lấy thuốc chích từ 3-5 lần vào 1 huyệt, sau đó dùng cốc giác hơi úp vào vị trí huyệt vừa chích lể. Sau 10-15 phút, cốc được nhấc ra và sát khuẩn lại vùng vừa tác động.

“Dù có ghi lại trong y văn song phương pháp này không có chỉ định rộng rãi, chỉ áp dụng với các trường hợp huyết ứ như sốt cao, chấn thương thể thao. Chích lể không phù hợp với điều trị đau lưng, đau cổ vai gáy vì hiệu quả thấp hơn nhiều so với các phương pháp an toàn khác” - bác sĩ Đặng Thành Long phân tích. 

Cũng theo vị bác sĩ này, chích lể là phương pháp có nhiều nguy cơ nên không thể tùy tiện sử dụng, đặc biệt ở ngoài cơ sở y tế. Thậm chí cũng không phổ biến tại nhiều cơ sở y tế. Nguyên nhân là khi sử dụng kim chích lể tức tác động có xâm lấn, nếu không được sát khuẩn kỹ thì dễ xảy ra nguy cơ lây truyền bệnh về da liễu, bệnh truyền nhiễm qua đường máu, gây nhiễm trùng tại chỗ và nguy hiểm hơn là nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng tới tính mạng. 

Phương pháp chích lể buộc phải thực hiện trong phòng tiểu phẫu đạt tiêu chuẩn, đảm bảo quy trình. Dụng cụ giác hơi phải dùng bằng thủy tinh, được hấp sấy, tiệt trùng. Sau khi thực hiện, các vùng chích lể phải được sát khuẩn lại kỹ càng.

Vị bác sĩ nhấn mạnh: “Rất khó để các spa, phòng khám đông y… đảm bảo được quy trình vô khuẩn này. Cùng lắm, nhiều người chỉ được dùng cồn sát khuẩn trước và sau khi thực hiện, không thể đảm bảo an toàn”. Bên cạnh đó, với người thực hiện không có chuyên môn, bệnh nhân có thể bị bỏng do giác hơi gây ra.

Thời gian qua, nhiều bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp nhập viện do tùy tiện áp dụng cách điều trị này. Điển hình như Bệnh viện Hoàn Mỹ (TPHCM) đã ghi nhận một bệnh nhân bị đau vùng cổ nên đi chích lể. Tuy nhiên, tình trạng của anh ngày càng nặng, vùng cổ sưng to không thể cử động. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị áp xe, nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng, kháng các kháng sinh thông thường. Loại vi khuẩn này thường xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở.

Hay mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết cũng vừa tiếp nhận 1 bệnh nhi 10 tuổi bị gia đình dùng dao lam rạch lên cơ thể để trị ho sốt. Đây cũng là một hình thức tương tự như chích lễ nhưng dùng dao lam thay vì kim. Kết quả, dù được cấp cứu tích cực song trẻ đã tử vong do nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng… 

 Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI