PNO - Đã có không ít bệnh nhân ung thư tự ý bỏ điều trị tây y, chuyển sang điều trị bằng các bài thuốc dân gian truyền miệng. Điều này khiến họ không chỉ vô tình tự bỏ đi cơ hội điều trị mà còn gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Những ngày qua, anh Nguyễn Văn Tân (tỉnh Long An) khá lo lắng vì bà T.T.B. (65 tuổi, mẹ anh Tân) tự ý bỏ, không uống thuốc điều trị ung thư gan theo toa của bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Bà chuyển sang sắc thuốc từ “toa thuốc quý” với niềm tin sẽ hết bệnh. Mẹ anh Tân được phát hiện ung thư cách đây ba năm, đã phẫu thuật. Thời gian đầu, bà B. tuân thủ các chỉ định về uống thuốc, tái khám của bác sĩ. Gần đây, một người hàng xóm cho bà “toa thuốc quý” gồm cây chó đẻ, rễ đinh lăng, sâm ngọc linh… với lời khẳng định đặc trị ung thư gan, đã có nhiều người khỏi bệnh, tinh thần sảng khoái.
Bệnh nhân chờ được hóa trị, xạ trị ở Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: P.A.
Anh Tân kể: “Người cho toa thuốc không lấy tiền, còn cho biết cây sâm rất khó kiếm, họ để lại với giá 3-4 triệu đồng/cây nên mẹ tôi cho rằng người ta thương, giúp mình, bỏ hẳn thuốc tây y”. Vài ngày đầu uống bài thuốc trên, đúng là bà B. ngủ nhiều hơn, tâm trạng cũng vui hơn. Tuy nhiên, khi anh Tân mang bài thuốc này đến nhờ bác sĩ tư vấn thì được biết các thành phần không có giá trị điều trị ung thư gan. Nếu không đi tái khám, bà B. sẽ mất cơ hội điều trị ban đầu, bệnh có nguy cơ trầm trọng hơn.
Gần đây, gia đình của bà V.L. (62 tuổi, ở tỉnh Bình Phước) day dứt không yên vì đồng ý để bà L. tự điều trị ung thư cổ tử cung bằng đông y. Càng đáng trách hơn, thuốc này được mua từ… thợ làm tóc. Theo đó, cuối tháng 8, bà L. được người thân đưa đến Viện Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Quân y 175 TPHCM cấp cứu trong tình trạng phù người, không tiểu được, nhiễm trùng nặng… Tuy bà được lọc máu cấp cứu liên tục 6 ngày, qua giai đoạn nguy hiểm nhưng bị suy thận nặng. Người nhà xin về, cho bà được ở nhà những ngày cuối đời.
Nửa năm trước, bà L. đã được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung. Do ung thư đã di căn nên bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 chỉ định hóa trị để giảm triệu chứng. Lúc này, gia đình từ chối cho bà L. hóa trị do bà bị đau đớn và sợ tác dụng phụ sau hóa trị. Về nhà, chồng bà L. được một người thợ làm tóc nói có bán thuốc đông y chữa ung thư kết hợp với thực phẩm chức năng dạng viên sữa bột. Chồng bà mua về cho vợ uống. Uống liên tục 40 ngày, bà L. nhập viện cấp cứu.
Bác sĩ Lâm Trung Hiếu, phụ trách Khoa Chăm sóc giảm nhẹ của viện kể: Khi biết bà L. suy thận nặng, không thể cứu chữa, người nhà xin ghép thận cho bà. Tuy nhiên sức khỏe của người bệnh quá yếu. Việc tự ý điều trị không chỉ làm cho bệnh nhân bị suy thận mà còn vô tình kéo dài thời gian, mất đi cơ hội hóa trị, rơi vào nguy kịch. Đây không phải bệnh nhân duy nhất khiến bác sĩ Lâm Trung Hiếu băn khoăn khi đã bỏ qua cơ hội chữa bệnh vì một niềm tin mù quáng. Một phụ nữ khác cũng được tư vấn khi uống sữa non, khối u sẽ vỡ ra chảy theo âm đạo rồi hết bệnh. Đến khi hấp hối, người bệnh vẫn tin tưởng tuyệt đối điều này.
Không lo thiếu thuốc, sinh phẩm
Tiến sĩ - bác sĩ Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung Bướu Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân mắc gần như tất cả loại ung thư, và cũng phát hiện rất nhiều trường hợp bệnh nhân tự uống thuốc đông y. “Về căn bản, các phương pháp, bài thuốc đông y nếu dùng chung sẽ rất nguy hiểm. Thêm phần, tính đến hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng đáng tin cậy trong điều trị ung thư bằng đông y. Ngành y tế vẫn xếp đông y vào điều trị hỗ trợ, nâng đỡ, tăng cường thêm sức khỏe cho bệnh nhân ung thư, chứ không phải phương pháp điều trị chính”, bác sĩ Tuấn Anh nói.
Về vấn đề một số bệnh nhân lo ngành y tế thiếu thuốc điều trị, sinh phẩm xét nghiệm, bác sĩ Lê Tuấn Anh cho biết đó là vấn đề chung của ngành y tế. Dù vậy, trong điều trị ung thư, tây y có một chuỗi lựa chọn về thuốc, phác đồ điều trị, máy móc… giúp bác sĩ xoay trở. Nếu thiếu thuốc, bác sĩ sẽ ưu tiên phác đồ có sẵn thuốc, phù hợp nhất với bệnh nhân.
Còn về trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm trong ung thư, trong khi chờ máy, bác sĩ vẫn có thể xét nghiệm chẩn đoán như giải phẫu bệnh (hầu như cơ sở y tế nào cũng có thể chẩn đoán ung thư qua phương pháp này), chụp CT, chụp PET/CT, MRI, X-quang, xét nghiệm máu… Vấn đề là không chỉ dựa trên một chẩn đoán hình ảnh hay một xét nghiệm riêng để chẩn đoán ung thư mà cả chuỗi kết quả rồi tổng hợp lại.
Nói chung, hiện tại chỉ thiếu sinh phẩm ở những xét nghiệm đặc thù, có thể thay thế, trì hoãn như chụp PET/CT có thể thay thế bằng chụp CT… Quan trọng là bác sĩ tận dụng những điều kiện, phương pháp, phác đồ… sao cho phù hợp với từng bệnh nhân, chứ không thể nào đòi hỏi phải có đủ mới điều trị. Như vậy, mấu chốt là bác sĩ phải hiểu rõ bệnh và chiến lược điều trị ung thư của từng bệnh nhân. Bác sĩ Tuấn Anh cho biết: “Trường hợp trì hoãn, bác sĩ điều trị phải giải thích rõ ràng cho người bệnh về việc thiếu thuốc, sinh phẩm, thay thế thuốc, xét nghiệm thật cụ thể để bệnh nhân yên tâm chờ đợi. Thay vì tự tìm đến các giải pháp mà bản thân cho là có sẵn và tốt nhất sẽ rất nguy hiểm”.
Trong tình huống người bệnh muốn sử dụng thêm thực phẩm chức năng hay các bài thuốc đông y, hãy chủ động mang đến để bác sĩ hỗ trợ, cũng như xem lại phác đồ điều trị có tương tác với sản phẩm mà bệnh nhân sắp uống hay không. Đặc biệt là khi người bệnh đang truyền hóa chất để tránh nguy cơ phản ứng thuốc. Trên thực tế đã có bệnh nhân đang đáp ứng hóa trị rất tốt, nhưng tự ý uống thực phẩm chức năng và xảy ra tai biến như suy tế bào gan, suy thận… Khi phản ứng xảy ra cũng không cho bác sĩ biết, nên buộc phải ngưng hóa trị bởi không thể xác định được nguyên nhân tai biến. Từ đó khó khăn trong điều trị. Chưa kể đến ngộ độc, dị ứng thuốc nguy cơ tử vong rất cao.