Một vụ ăn nhầm bả chó tử vong thương tâm xảy ra ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận ngày 25/5. Bé gái năm tuổi đang chơi cùng mẹ ngoài sân, nhặt được vật giống cây kẹo mút bỏ vào miệng ăn sau đó bị co giật, sùi bọt mép rồi tử vong trên đường đưa đi cấp cứu. Công an huyện Hàm Thuận Bắc đang giám định mẫu vật phẩm có hình dạng giống cây kẹo mút, nghi là bả chó - nguyên nhân gây ra cái chết cho bé.
|
Thuốc diệt chuột hình viên kẹo được bán phổ biến tại TPHCM - Ảnh: Thanh Hoa |
Thuốc diệt chuột như kẹo, siêu thị cũng bán
Ghi nhận tại các chợ, siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TPHCM, phần lớn thuốc diệt chuột trên thị trường hiện nay đều được làm giống hình viên kẹo, màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, dễ gây nguy hiểm chết người nếu trẻ
ăn nhầm.
Tại một siêu thị trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM), nhân viên giới thiệu thuốc diệt chuột có hai dòng là keo dính và dạng viên “kẹo”. Cầm trên tay gói sản phẩm thuốc diệt chuột hiệu Storm (nhập từ Đức, đóng gói tại Việt Nam) có giá 6.000 đồng/gói 4 viên, chúng tôi không khỏi giật mình vì sản phẩm có hình dạng tròn, màu xanh ngọc bích trông như viên kẹo ngọt ngào. “So với miếng dán thì dạng kẹo bán chạy hơn vì tiện lợi, không chỉ màu sắc đẹp mà còn có mùi thơm của thức ăn, dễ thu hút chuột”, nhân viên bán hàng tư vấn khi chúng tôi hỏi.
Tiếp tục đến các chợ truyền thống như Bà Điểm (huyện Hóc Môn), Vườn Chuối (quận 3), Xóm Chiếu (quận 4), chúng tôi được giới thiệu thêm nhiều dòng thuốc diệt chuộc thế hệ mới. Dòng KillRat giá 15.000 đồng/gói 100g, có khả năng chống đông máu, chuột sẽ chết chậm từ 3-5 ngày nên những con chuột khác không nghi ngờ mà tiếp tục ăn. Sản phẩm có hình dạng viên thon dài, màu nâu, giống hệt các viên kẹo sô-cô-la.
Còn trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) dài khoảng 100m nhưng có đến hàng chục người bán treo bảng rao thuốc diệt chuột. Giá bán tại đây bị nâng lên khá cao so với ở các cửa hàng. Như Storm được “hét” với giá 35.000 đồng hoặc 100.000 đồng/gói, Killrat 50.000 đồng/gói.
Tại một loạt cửa hàng chuyên bán thuốc diệt chuột trên đường Cách Mạng Tháng Tám (sát bên công viên Lê Thị Riêng, quận 10, TPHCM), chúng tôi được giới thiệu thêm loại thuốc diệt chuột mới có tên Dethmor của Nhật, giá 120.000 đồng/hộp. Loại thuốc này tiện lợi so với các loại khác vì đựng trong bốn khay nhựa (mỗi khay khoảng 200 viên), người sử dụng không cần dùng đến tay. Sản phẩm này cũng có dạng hình ống, dài khoảng nửa lóng tay với bốn màu sắc rất ngọt, bắt mắt: hồng, cam, xanh đọt chuối, xanh da trời, trông như các loại cốm
đủ màu.
Một dòng sản phẩm khác được giới thiệu có tên Rat Repellent của Thụy Sỹ, có khả năng đuổi chuột đi xa thay vì giết chết. Sản phẩm có hình dạng nhỏ như viên sỏi, màu trắng đục, thoạt nhìn sẽ nghĩ đó là cốm nổ (gạo nổ). “Dòng này bán chạy nhất vì có mùi bạc hà (húng lủi đất) - mùi mà chuột rất sợ. Khi sử dụng vừa có hương thơm để khử không khí trong phòng vừa không cần thu dọn xác chuột gây ô nhiễm”, một người bán tại điểm này nói.
Trẻ ăn nhầm chất độc, sơ cứu ra sao?
Bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh, Trưởng khoa Nội 1 (nguyên Phó khoa Cấp cứu) Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), xác nhận chất độc kinh điển hay bị trẻ em ăn nhầm nhất là thuốc diệt chuột có dạng như viên kẹo. Chính bác sĩ đã từng ghi nhận ca ăn nhầm thuốc diệt chuột đưa tới bệnh viện mình cấp cứu. Đó là bé trai ba tuổi, được gia đình đưa tới sau khi nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột. Tình trạng bệnh nhi lúc đó tỉnh táo. Các bác sĩ cho làm xét nghiệm phát hiện rối loạn đông máu. Bệnh nhi được xử trí bằng cách súc ruột, uống than hoạt tính và theo dõi rồi chuyển vào hồi sức cấp cứu. Rất may, cháu bé đã qua khỏi.
Bên cạnh đó, trẻ còn rất dễ nuốt nhầm các chất độc khác như dầu hôi, thuốc diệt cỏ vì tưởng là nước uống, do người lớn đựng vào chai nước suối và cất ở nơi dễ với. Trước khi đưa trẻ đến cơ sở y tế cấp cứu nếu phụ huynh biết cách sơ cứu ban đầu tại nhà thì sẽ tăng khả năng cứu sống hoặc hạn chế bớt tổn thương do chất độc gây ra.
“Mỗi loại chất độc sẽ có cách sơ cứu khác nhau. Với các thực phẩm có độc, thuốc diệt cỏ, bả chó… thì người lớn cần tìm cách kích thích khiến trẻ nôn ra để giảm bớt lượng chất độc đi vào cơ thể. Cơ chế gây tổn thương của thuốc chuột và bả chó là ảnh hưởng tới tế bào máu, làm rối loạn đông máu, xuất huyết nội tạng. Có loại thuốc diệt chuột hoặc bả chó còn gây rối loạn thần kinh, biểu hiện co giật, sùi bọt mép”, bác sĩ Anh cho biết.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh, đối với nhóm chất độc ăn mòn như dầu hôi, xà phòng thì lại không được sơ cứu bằng cách kích thích nôn. Những chất này khi nuốt vào sẽ bào mòn niêm mạc đường tiêu hóa, nếu móc họng sẽ khiến hóa chất trào ngược lên khiến vùng thực quản bị tổn thương nặng nề hơn. Trong trường hợp trẻ lỡ nuốt các chất này thì chỉ có cách nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế gần nhất, hy vọng hóa chất vẫn nằm ở dạ dày, các bác sĩ sẽ súc ruột lấy hết chất độc ra. Còn nếu hóa chất đã đi qua dạ dày dù xử lý vẫn ít nhiều để lại biến chứng.
Thời gian vàng để đưa trẻ nuốt phải chất độc hại tới cơ sở y tế là trong vòng 30 phút. Song thời gian vàng cũng mang tính tương đối vì còn phụ thuộc liều lượng chất độc mà trẻ ăn phải.
Thanh Hoa - Thanh Huyền