Chúng tôi đã liên lạc với P.T., nam thanh niên này cho biết tên thật là N.H.N. (28 tuổi, ở tỉnh Thanh Hóa) mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần đã hơn 2 năm. Trước đây, N. vốn là thanh niên hoạt bát, đầy lý tưởng. Căng thẳng bắt đầu từ khi anh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, người thân đặt khá nhiều kỳ vọng.
“Cha tôi muốn tôi có nghề nghiệp ổn định, mẹ thì cần tôi có thu nhập cao. Tôi luôn cố gắng mà vẫn không thể làm hài lòng tất cả. Mẹ liên tục bắt tôi “nhảy việc” qua chỗ có lương cao hơn mặc dù có nơi, lương của tôi gần 40 triệu đồng/tháng” - N. nói.
Cứ tưởng được chia sẻ
N. cho biết mình sống nội tâm nên mỗi khi nhảy việc, rất khó khăn để làm quen đồng nghiệp, môi trường mới. Tuy nhiên, vì thương mẹ nên anh vẫn chiều theo ý mẹ. Anh tâm sự: “Tôi luôn cảm thấy quá tải, mệt mỏi và rất sợ mỗi khi gặp mẹ. Tôi vốn nghĩ mình có thể cố gắng chịu đựng, cho đến khoảng 2 năm trước, mẹ ép tôi phải cưới một cô gái vì gia đình cô ấy giàu có, dù tôi không biết cô ấy là ai”. Lần đầu tiên, anh N. cãi nhau với mẹ và ra khỏi nhà cho đến nay.
|
Một chia sẻ tiêu cực của người ẩn danh nhận được rất nhiều sự đồng tình của thành viên |
“Tôi tự hỏi mình đã làm gì sai. Tôi sợ gặp người lạ, sợ đi ra ngoài, bị mất ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm không hay. Đến khi một đồng nghiệp phát hiện, khuyên tôi đi khám bệnh thì tôi phải dùng thuốc đến bây giờ” - anh N. chia sẻ. Mỗi lần tái khám, anh N. lại sợ có người nhìn thấy. Anh thường lên mạng tìm thông tin về trầm cảm, hy vọng tìm được cách giúp mình khỏi bệnh. Rồi anh thấy một nhóm “Vượt qua trầm cảm, rối loạn lo âu…” trên mạng xã hội nên tò mò vào xem thử. Thấy trong đó có khá nhiều người có hoàn cảnh giống mình, anh mạnh dạn đăng tâm sự nhờ giúp đỡ. Không ngờ, liên tục những bình luận ca thán, than vãn càng làm cho anh thêm mệt mỏi. “Sau khi tôi đăng tải vài ngày, có một người trong nhóm nhắn tin, khuyên tôi nên vào “Hội những người muốn tự tử”. Người này nói, trong đó có nhiều chuyên gia, bác sĩ sẽ giúp cho tôi. Nhưng tôi vừa đăng chia sẻ mình đang bị bế tắc thì lập tức nhiều người kêu tôi đi chết đi cho nhẹ nhàng. Thậm chí, có người còn bày nhiều cách tự tử, có người chào bán thuốc ngủ, chất độc” - anh N. kể.
Từ câu chuyện của N., chúng tôi đã tìm hiểu và như lạc vào một thế giới u ám với rất nhiều hội, nhóm được lập ra với mục đích ban đầu là đồng hành cùng bệnh nhân mắc sức khỏe tâm thần. Mỗi nhóm có từ vài chục ngàn đến hơn 100.000 người tham gia.
Tại đây, mỗi thành viên mang một nỗi lo sợ riêng, người là áp lực học hành, người vì chuyện tình cảm, người lại loay hoay trong công việc, kiếm tiền… Điểm chung là hầu hết đều mất ngủ, luôn căng thẳng, lo âu, chán nản, thậm chí không ít người muốn chấm dứt cuộc sống của mình. Điều rất đáng lo là thay vì chia sẻ lời khuyên, động viên cố gắng vượt qua khó khăn, vui sống thì có rất nhiều bình luận tiêu cực, chia sẻ ý định, rủ nhau kết thúc cuộc đời. Còn có cả các quảng cáo, mời chào mua chất kích thích, chất độc, dụng cụ tự tử. Nguy hiểm hơn là các bình luận (ẩn danh) thách thức nhau tự sát, rủ rê, gạ gẫm các thành viên buông thả để quên buồn phiền.
Đừng để bị “chìm” trong hội nhóm tiêu cực
Thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến - Khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức - cho biết: người mắc các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần đang có xu hướng gia tăng, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, đặc biệt độ tuổi từ 16-35 tuổi. Có người mắc bệnh ở mức độ nhẹ, bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, chán nản, mệt mỏi… Có người bị trầm cảm, rối loạn hành vi, làm hại chính mình, có suy nghĩ làm hại người khác, thậm chí muốn tự sát, phải dùng thuốc hỗ trợ.
Trong lĩnh vực tâm lý, có phương pháp trị liệu theo nhóm. Ví dụ một số người cùng mắc phải các vấn đề như nhau có thể chia sẻ, hỗ trợ cho nhau cùng vượt qua. Tuy nhiên, suy nghĩ của người trầm cảm thường diễn tiến tiêu cực, khó làm chủ cảm xúc, hành vi. Khi tự thành lập nhóm, gặp những người cùng cảnh ngộ, tương tác với nhau và họ đều nhìn thấy sự bế tắc, bi quan, tiêu cực, kèm theo tâm lý đám đông, hình thành một cộng đồng có cái nhìn đen tối về cuộc sống. Điều này dẫn đến kết quả xấu hơn, tăng nặng nguy cơ bệnh lý, càng khiến người bệnh không biết cách thoát ra, dễ dẫn đến kết cục đau lòng.
Vì vậy, mỗi người cần cân nhắc kỹ khi tham gia hội nhóm, tránh bị lợi dụng, xúi giục thực hiện các hành vi tiêu cực. Ngoài ra, người thân, quen, bạn bè cần quan tâm, chăm sóc và chia sẻ với người bệnh, tránh để cho họ tự chịu đựng, áp lực. Đặc biệt với người bị sang chấn tâm lý, người trầm cảm sau sinh, thường xuyên cô đơn, phiền muộn, chịu áp lực học tập…
“Thay vì nghe theo lời khuyên tiêu cực trên mạng, mỗi người cần tạo cho mình suy nghĩ tích cực, kèm chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Thường xuyên tham gia các hoạt động thực tế, môn thể thao ngoài trời như chạy bộ, bơi lội; tập thiền, yoga nhằm mang lại nguồn năng lượng tích cực. Tránh nhốt mình trong phòng hoặc phụ thuộc vào điện thoại cũng là một cách để thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực” - chị Phan Thị Hoài Yến chia sẻ.
Nếu cảm thấy bản thân thường bị căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ, không còn năng lượng, chán nản, tự cô lập bản thân với những người xung quanh, mất hứng thú với cuộc sống, khó đi vào giấc ngủ, thường xuyên bị tỉnh giấc, thèm ngủ mà không ngủ được, không tập trung, hay đau đầu, hồi hộp…, bệnh nhân cần đến gặp các chuyên gia tâm lý, bác sĩ để được tư vấn, điều trị.
Hành vi xúi giục tự sát có thể bị xử lý hình sự Theo quy định tại Nghị định 15/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tùy theo mức độ mà hành vi đăng tải lên mạng xã hội những thông tin tiêu cực, bày cách hay rủ nhau tự tử có thể bị phạt từ 10-20 triệu đồng hoặc xử lý hình sự. Điều 131, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, hành vi kích động dụ dỗ, xúi giục người khác tự sát hoặc tạo điều kiện về vật chất, tinh thần để người khác tự sát có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp khiến 2 người tự sát trở lên có thể bị xử phạt từ 2 đến 7 năm tù. |
Phạm An