PNO - Cứ gần đến tết, tai nạn liên quan đến pháo nổ lại tăng lên, trong đó có không ít trường hợp nạn nhân là trẻ em. Hầu hết trẻ bắt chước, làm theo các clip hướng dẫn chế tạo pháo trên mạng.
Một tài khoản đăng tải clip hướng dẫn làm pháo hoa, trong phần mô tả còn có đường dẫn đưa người xem vào trang chủ về chế pháo nổ (ảnh chụp màn hình)
Đủ thứ clip hướng dẫn làm pháo
Còn hơn 1 tháng nữa sẽ đến tết Nguyên đán 2023, nhiều trang mạng thi nhau dạy cách… làm pháo nổ. Hầu hết các trang này hướng dẫn cụ thể về đủ loại pháo như pháo tầm xa, pháo hoa, pháo “dọa”… Tùy vào loại pháo, nguyên liệu được lấy từ vật dụng tạo lửa trong sinh hoạt hằng ngày như diêm, hộp quẹt gas, than, vỏ trấu… Thậm chí các hóa chất gồm lưu huỳnh, muối hóa học cũng được sử dụng làm chất nổ.
Đáng nói, các clip chú trọng hướng dẫn các vật dụng dễ tìm, dễ mua. Nội dung clip không có cảnh báo nguy hiểm. Còn người hướng dẫn liên tục khẳng định pháo nổ chỉ để… vui chứ không gây cháy nổ lớn như pháo thật, kèm theo các bước thực hiện đơn giản nên thu hút khá nhiều trẻ. Đặc biệt trẻ từ 12 tuổi trở lên. Ở dưới phần mô tả của clip còn có đường dẫn giới thiệu vào các trang chính chuyên chế pháo, hướng dẫn nơi mua, bán nguyên liệu. Thậm chí, có tài khoản bán pháo tự chế cho người xem. Bên dưới phần bình luận của clip, người hướng dẫn chỉ rõ các nguyên liệu dùng để thay thế, nhận đặt hàng nếu người xem có nhu cầu…
Để thu hút lượt truy cập, nhiều kênh còn “cạnh tranh” nhau bằng những thủ thuật tạo sự đặc biệt cho pháo như cách trộn nguyên liệu theo tỉ lệ riêng để kiểm soát thời gian pháo nổ, tạo hiệu ứng âm thanh khi nổ, hay tiếng “gầm rú”… càng khiến nhiều người tò mò làm theo. Trong đó có cả học sinh cấp II, cấp III chưa ý thức hết sự nguy hiểm từ chất gây nổ.
Đã có không ít tai nạn nổ pháo gây ra hậu quả đau lòng. Chẳng hạn như năm vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) đã liên tiếp cấp cứu cho 5 bệnh nhi trên 10 tuổi phải nhập viện vì pháo nổ khi chỉ còn 3 tuần nữa là đến tết. May mắn, các bệnh nhi đều qua nguy hiểm, tuy nhiên hậu quả để lại từ thương tổn do nổ pháo rất lớn. Trong đó, bệnh nhi 14 tuổi bị sẹo xấu vùng mặt, đùi, một bệnh nhi 15 tuổi chịu khiếm khuyết khi mất ngón tay thứ hai, thương tật do ngón tay thứ ba dập nát, sẹo chằng chịt, mất sức lao động ở bàn tay phải.
Hay cách đây vài ngày, anh N.T.T. (30 tuổi, ở Nghệ An) cũng được phát hiện trong tình trạng bị bất tỉnh, có vết thương thủng bụng, mất nhiều máu… sau tiếng nổ lớn trong quán cà phê của gia đình. Theo nhận định ban đầu, cơ quan chức năng địa phương nghi anh T. bị thương nặng từ nổ pháo tự chế.
Vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cũng đã điều trị tích cực cho 2 trường hợp bệnh nhi bị thương do nổ trong lúc tự chế pháo theo hướng dẫn trên mạng. Tuy mức độ thương tổn không quá nghiêm trọng nhưng một lần nữa, vụ việc là hồi chuông cảnh báo cho các phụ huynh trong việc quản lý con em mình trong dịp tết.
Chỉ rõ cho trẻ mức độ nguy hiểm
Bác sĩ phòng Hồi sức Khoa Phỏng - Tạo hình Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết đã tiếp nhận một số trẻ bị bỏng do học cách chế tạo pháo tại nhà - Ảnh: Phạm An
Bác sĩ chuyên khoa 2 Diệp Quế Trinh - Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho hay, hầu như năm nào khoa cũng tiếp nhận, điều trị cho trẻ bị phỏng do chế pháo chơi tết, nhất là các bé trai từ 12-14 tuổi. Đặc biệt giai đoạn cách tết khoảng 1 tháng. “Mới đây, 2 bé trai chế pháo bị nổ vùng mặt, cổ cũng được đưa đến điều trị. May mắn, các bé bị phỏng mức độ trung bình, phỏng nông nên đã qua nguy hiểm và đang dần hồi phục” - bác sĩ Quế Trinh nói.
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhi nói chế pháo theo hướng dẫn từ clip trên mạng. Sau đó ra tiệm gần nhà để mua nguyên liệu. Trong quá trình chế pháo, không may bị nổ khí đốt làm lửa phựt và bén vào mặt.
Theo bác sĩ Quế Trinh, thông thường sau khi thi học kỳ cũng là thời gian cận tết, người lớn thường có tâm lý cho con tự do, thoải mái để thư giãn. Tuy nhiên, các bé mới lớn nên hay tò mò, thích khám phá, rủ bạn cùng lớp, cùng xóm làm đồ chơi, trong đó có pháo tết. Đã từng có tình huống 2, 3 bệnh nhi phải cấp cứu một lúc vì nổ pháo. Trong đó có cả các em học sinh 14, 15 tuổi.
Đa phần, các nguyên liệu được sử dụng làm pháo như lưu huỳnh, muối hydrat, pin, diêm, hộp quẹt gas… giá rẻ lại dễ mua. Nhiều người đã khá quen thuộc với những vật dụng này nên ít nghĩ sẽ nguy hiểm. Nhưng một khi chúng được sử dụng với số lượng lớn sẽ ẩn chứa nhiều nguy cơ, khi cháy nổ gây ra những tổn thương diện tích lớn ở vùng mắt, mặt, cổ, ngực. Thậm chí có bé bị phỏng sâu, nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu may mắn qua khỏi, trẻ có thể phải đối mặt với các di chứng sau này. Tùy vào độ nông, sâu của tổn thương, đã có bệnh nhi phải phẫu thuật ghép da, sẹo xấu chằng chịt, thậm chí có trẻ bị thương vùng mắt, giảm thị lực… ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của trẻ. Vì vậy, cha mẹ hãy giáo dục trẻ về sự nguy hiểm của các chất cháy nổ không chỉ trong chế tạo pháo mà còn cẩn thận trong sinh hoạt hằng ngày. Bên cạnh đó, người lớn nên chú ý, quan sát để kịp thời nhắc nhở khi trẻ có ý định tìm hiểu, chế tạo pháo.
Hướng dẫn chế tạo pháo nổ có thể bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng
Luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TPHCM - cho biết, điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo nghiêm cấm các hành vi hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.
Hành vi mua bán nguyên liệu có thể gây cháy nổ như lưu huỳnh, thuốc pháo, diêm… hay hướng dẫn chế tạo pháo nổ có thể bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng theo quy định tại điểm i khoản 4 điều 11 Nghị định 144/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Tùy theo mức độ nguy hiểm, người bán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép theo quy định tại điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Người từ 14 tuổi trở lên xem video hướng dẫn trên YouTube rồi tự chế pháo gây tiếng nổ sẽ bị xử lý hành chính về hành vi sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm với mức phạt từ 5-10 triệu đồng.
Trường hợp trẻ đủ 16 tuổi trở lên chế tạo pháo gây tai nạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ; đối với trường hợp trẻ từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì tùy theo mức độ tai nạn xảy ra để xem xét hình thức xử lý khác nhau.
“Trường hợp trẻ chế tạo pháo nổ gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bộ luật Dân sự quy định người dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình, nếu không đủ thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Ngoài ra, người chưa thành niên có người giám hộ thì người giám hộ được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu không có hoặc không đủ thì người giám hộ phải dùng chính tài sản của mình để bồi thường, trừ trường hợp chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ” - luật sư Trần Minh Hùng nói thêm.