Nguy hiểm khi sợ đột quỵ nhưng bỏ qua kiểm soát tim mạch

30/11/2023 - 06:11

PNO - Theo Bộ Y tế, bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, dù ở các nước phát triển hay đang phát triển. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người chết vì bệnh tim mạch, chiếm 33% tổng số ca tử vong.

Biến chứng vì chủ quan bỏ thuốc điều trị 

Cách đây 6 năm, ông N.H.K. (50 tuổi, ở tỉnh Trà Vinh) được phát hiện tắc động mạch vành và tái thông tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM. Mặc dù các bác sĩ đã dặn dò kỹ về lịch tái khám và uống thuốc duy trì, nhưng được vài tháng, ông K. bỏ thuốc, không đến bệnh viện thăm khám.

Bác sĩ Bùi Thế Dũng thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân - Ảnh do bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Bùi Thế Dũng thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân - Ảnh do bệnh viện cung cấp

Gần đây, ông cứ thấy mệt mỏi, nhất là khi khuân vác nặng. Tuy nhiên, ông K. chỉ ra tiệm thuốc tây tự mua thuốc uống và nghỉ ngơi. Cách nhập viện 1 tuần, tần suất khó thở, mệt mỏi của ông tăng dần, thậm chí không thể làm việc, đi lại cũng thở dốc. Đến khi chịu hết nổi, người nhà đưa vào bệnh viện, ông được chẩn đoán hẹp động mạch vành, phải đặt stent điều trị.

Còn bà N.T.S. (67 tuổi, ở tỉnh Tiền Giang) được phát hiện rung nhĩ đã nhiều năm. Bà được bác sĩ điều trị bằng thuốc và yêu cầu tái khám khi uống hết toa thuốc. Bà S. tái khám được hơn 1 năm, cảm thấy sức khỏe tốt hơn. Trong một lần, có người hàng xóm cho bà biết về một loại “thuốc gia truyền” nên bà bỏ điều trị tại bệnh viện. Theo bà S., “thang thuốc đó có nhiều loại từ thảo mộc, giá 80.000 đồng/thang, mỗi ngày uống 3 thang vào sáng, trưa, chiều”. Uống xong, bà thấy ăn được, ngủ được, ít khi mệt mỏi nên nghĩ đã tìm đúng thuốc.

Đến khi bà S. bỗng nhiên đau đầu, liệt nửa người, nói đớ…, người nhà lập tức đưa bà đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán bà bị đột quỵ liên quan đến rung nhĩ nên chuyển đến TPHCM phẫu thuật xử lý cục máu đông, tái thông mạch máu.
Hiện tại, sức khỏe bà S. đã dần hồi phục, bà đang được tập vật lý trị liệu. Bà S. có thể xuất viện về nhà nhưng phải tiếp tục uống thuốc để kiểm soát bệnh và tái khám đúng lịch hẹn để bác sĩ đánh giá lại các chức năng vận động, cũng như lên kế hoạch điều trị lâu dài.

Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Thế Dũng - Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, thông thường người dân quá lo lắng về đột quỵ mà vô tình bỏ qua các bệnh liên quan đến tim mạch. Trên thực tế, bệnh về tim mạch và đột quỵ có mối quan hệ sâu sắc với nhau. Nếu không quản lý tốt các bệnh liên quan đến tim mạch như giãn cơ tim, bệnh van tim, viêm màng tim và một số khuyết tật tim bẩm sinh… người bệnh có nguy cơ đối mặt với đột quỵ.

Phải kiểm soát tốt bệnh tim mạch 

Các bác sĩ ví dụ với bệnh động mạch vành, các mảng xơ vữa động mạch có kết cấu mềm khi bị vỡ ra có thể kích thích sự hình thành huyết khối. Các huyết khối di chuyển trong hệ tuần hoàn, đến động mạch máu não, nếu gây tắc nghẽn mạch não, dẫn tới đột quỵ.  

“Hay biến chứng nguy hiểm nhất của rung nhĩ cũng chính là đột quỵ. Cụ thể khi người bệnh bị rung nhĩ sẽ rối loạn nhịp tim, có khả năng hình thành nên cục máu đông trong tim. Ban đầu, người bệnh chưa có bất kỳ biểu hiện nào về sức khỏe, rất khó phát hiện ra cục máu đông. Khi cục máu đông bị bong tróc, trôi ra bên ngoài hệ tuần hoàn sẽ gây tắc mạch máu não, khiến người bệnh gặp phải các khiếm khuyết về thần kinh và đột quỵ” - bác sĩ Thế Dũng nói.

Điều đáng lưu ý khác là  nếu như trước đây các bệnh lý về tim mạch, đột quỵ thường xuất hiện ở người lớn tuổi thì hiện nay tỉ lệ người dưới 45 tuổi mắc bệnh có chiều hướng gia tăng, thậm chí có những người còn rất trẻ.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Trương Mỹ Dung - Phó trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Nhân dân Gia Định - tại Việt Nam, mức độ già hóa dân số ngày càng tăng, kéo theo số người mắc bệnh mạn tính tăng kéo theo tần số mắc bệnh suy tim đi lên.

“Do nhiều nguyên nhân, ngày nay điều trị cho người bệnh suy tim gặp nhiều khó khăn, khó đạt được liều đích (liều thuốc được chứng minh giảm tử vong nhiều nhất). Ngay cả ở các nước phát triển, số lượng người bệnh suy tim đạt được liều đích cũng chỉ khoảng từ 8 - 22%. Chính vì vậy, việc chăm sóc cho bệnh nhân suy tim phải là một quá trình lâu dài, liên tục và toàn diện để đảm bảo chất lượng điều trị bệnh nhân” - bác sĩ Dung nói.

Đồng quan điểm này, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Kim Quế - Phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất - cho biết các bệnh liên quan đến tim mạch rất nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao, ước tính ở Việt Nam có hơn 1,6 triệu người bị suy tim, nhưng sau 5 năm được chẩn đoán, tỉ lệ sống còn chỉ hơn 50%. Số ca bệnh tim mạch tăng trung bình khoảng 10 - 20% mỗi năm.

Đáng lo ngại, bệnh tim cũng đang dần trẻ hóa ở nước ta, có những bệnh nhân khi đến khám chỉ khoảng hơn 30 tuổi, nhưng đã ở giai đoạn 2, 3. Tuy nhiên, hiện nay người dân chưa hiểu đầy đủ và chưa thấy rõ tầm quan trọng của điều trị các bệnh lý liên quan đến tim mạch, đặc biệt là suy tim. 

Đa phần người bệnh còn chủ quan, không tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ, có người thấy bớt bệnh liền bỏ thuốc, bỏ lịch tái khám, hoặc chỉ uống thuốc khi thấy mệt. Điều này rất nguy hiểm, có thể gây tử vong bất kỳ lúc nào. Nhất là người mắc bệnh mạn tính, đái tháo đường, mỡ máu, thận, huyết áp… càng cần được theo dõi chặt chẽ hơn. 

Các bác sĩ cho biết, điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch nói chung chỉ đạt được hiệu quả tốt khi người bệnh uống thuốc đầy đủ, đúng liều, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Ngoài bệnh nhân, người nhà cũng cần tích cực đồng hành, nhắc nhở người bệnh trong sử dụng thuốc cũng như tái khám đúng hẹn. Mọi người cần có lối sống tích cực, chế độ dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện thói quen tập thể dục, cân bằng giữa công việc và thư giãn… để phòng, chống các bệnh tim mạch. 

Nếu đột nhiên cảm thấy thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt, tức ngực, khó thở, đau ngực dữ dội… cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, cấp cứu kịp thời.

Phạm An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI