Nguy hiểm khi người già rối loạn, nhiễm trùng tiêu hóa

25/05/2024 - 06:19

PNO - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TPHCM) ghi nhận trong vài tuần nay, bệnh nhân cao tuổi có bệnh mạn tính nhập viện do rối loạn, nhiễm trùng tiêu hóa tăng 30%. Trong số những trường hợp phải nhập viện, 40% là ca bệnh nặng.

Vừa qua, ông P.V.S. (76 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) đã phải cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Bác sĩ nhận định chỉ cần nhập viện chậm trễ một chút, ông S. có thể mất mạng. Cách đây 1 tuần, ông ăn trưa với món thịt gà kho được nấu hôm trước, và cất trong ngăn mát tủ lạnh. 10 tiếng sau, ông được con đưa tới bệnh viện cấp cứu vì ói, tiêu lỏng 10 lần, lơ mơ.

Trước đó ở nhà, ông đã uống men tiêu hóa, thuốc cầm tiêu chảy nhưng không cải thiện. Lúc nhập viện, huyết áp của ông S. rất thấp, chỉ số 80/60 (người bình thường 120/80), mạch 125 lần/phút. Bệnh nhân được chẩn đoán bị sốc do nhiễm trùng đường tiêu hóa. Bác sĩ đã chuyển ông S. nhập khoa hồi sức tích cực để bù nước điện giải, kháng sinh liều cao qua đường truyền. Sau 5 ngày chăm sóc bệnh nhân mới hồi phục.

Bác sĩ Đồng Quang Tráng đang kiểm tra sức khỏe cho một cụ ông phải nhập viện vì nhiễm trùng tiêu hóa
Bác sĩ Đồng Quang Tráng đang kiểm tra sức khỏe cho một cụ ông phải nhập viện vì nhiễm trùng tiêu hóa

Còn ông N.Đ.D. (65 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), nhập viện vì đi tiêu lỏng, ói trên chục lần. Theo người nhà, tối hôm trước, ông D. ăn canh cua đồng. Sau 4 tiếng, ông bắt đầu đi tiêu lỏng và ói. Do đang nửa đêm nên gia đình cố chờ tới 5g sáng mới đưa tới Khoa Cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ở nhà, bệnh nhân được uống oresol bù nước nhưng không cải thiện.

Thời điểm nhập viện, bác sĩ ghi nhận mạch bệnh nhân nhanh khoảng 130 lần/phút, huyết áp tụt còn 80/60. Bệnh nhân bị sốc do mất nước làm giảm thể tích lòng mạch, phải nằm viện bù dịch điện giải, dùng thuốc vận mạch, kháng sinh liều cao, hỗ trợ điều trị huyết áp và tim mạch suốt 1 tuần mới ổn định. Ông D. có bệnh cao huyết áp, cơ tim thiếu máu cục bộ nên khi rối loạn tiêu hóa diễn tiến bệnh trở nặng rất nhanh. Chỉ sau vài tiếng kể từ khi ăn canh cua đồng, ông D. đã có các triệu chứng rầm rộ tới mức sốc do mất nước và nhiễm trùng.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đồng Quang Tráng - Trưởng đơn vị Tiêu hóa - Gan - Mật Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết, trời nắng nóng là yếu tố thúc đẩy khiến người cao tuổi, đặc biệt là người có bệnh mạn tính rất dễ bị nhiễm trùng, nhiễm độc tiêu hóa. Chức năng các cơ quan trong cơ thể của người lớn tuổi đều suy yếu, trong đó có hệ tiêu hóa. Sức đề kháng của người cao tuổi với vi khuẩn suy giảm. Mùa nắng nóng, vi khuẩn dễ sinh sôi, phát triển hơn. Chỉ cần ăn thức ăn nấu chưa chín kỹ, để lâu ngoài môi trường, đồ ăn không tươi sống là hệ tiêu hóa của người cao tuổi bị ảnh hưởng. Ngoài ra, người cao tuổi bị rối loạn tiêu hóa, tình trạng sẽ trở nặng rất nhanh. Nếu tự điều trị, trì hoãn tới bệnh viện hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng, thậm chí bệnh nhân có thể bị đe dọa tính mạng.

Thời điểm ngày 23/5, Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Lê Văn Thịnh có 90 bệnh nhân nội trú. Trong đó, số bệnh tiêu hóa chiếm 70%. Đáng lưu ý trong đó 40% là ca bệnh nặng, tính mạng bị đe dọa. Hầu hết bệnh nhân có đặc điểm chung là tự điều trị tại nhà bằng men tiêu hóa, thuốc than hoạt tính, oresol bù nước, thuốc cầm tiêu chảy. Chỉ tới lúc không thể chịu đựng nổi mới đi bệnh viện.

Theo bác sĩ Đồng Quang Tráng, người cao tuổi đáp ứng với thuốc kém hơn bình thường. Chưa kể nếu uống thuốc không đúng nguyên nhân sẽ không hiệu quả mà còn trì hoãn thời gian can thiệp kịp thời. Bên cạnh đó, người cao tuổi thường có bệnh nền, nếu gia đình tự ý cho họ dùng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ dễ dẫn tới tương tác thuốc, gây hậu quả nghiêm trọng. Đối với các bệnh nhân có bệnh tim mạch, suy thận mạn mà bù nước bừa bãi sẽ phản tác dụng, khiến tình trạng bệnh nền của họ nặng thêm.

Bác sĩ Đồng Quang Tráng lưu ý: nếu người cao tuổi sau khi ăn có triệu chứng tiêu chảy từ 3-5 lần, ói, sốt, lừ đừ, gia đình cần đưa đi bệnh viện khám sớm, bởi tình trạng của họ có thể diễn tiến trở nặng rất nhanh.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI