Trong đó hơn 50% đến trong tình trạng cấp cứu, khi TNTC đã vỡ, xuất huyết trong ổ bụng, phải mổ cấp cứu và đứng trước nguy cơ hiếm muộn. Điều đáng nói trong số đó không hiếm những người chưa lập gia đình.
Tương tự, khoa Cấp cứu BV ĐH Y Dược cũng tiếp nhận mỗi tháng khoảng 8-10 trường hợp TNTC và hầu hết thai phụ đều tưởng mình mắc bệnh về tiêu hóa, vì bỗng dưng đau bụng, ra huyết.
Vui phút chốc, khóc thiên thu
Có một thực tế buồn là hầu hết trường hợp TNTC do tình dục không an toàn, vỡ kế hoạch, trong đó có khá nhiều cô gái trẻ chưa lập gia đình, thậm chí có cả học sinh, sinh viên. Nguyễn Thị M., 19 tuổi, sinh viên năm hai của một trường đại học, sau khi dự sinh nhật bạn về thì bị đau bụng kèm tiêu phân nước nhiều lần.
M. được nhân viên y tế của trường cho thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa, nhưng sau một ngày uống thuốc, triệu chứng không thuyên giảm, mà cơn đau bụng ngày càng tăng. M. vào BV ĐH Y Dược cấp cứu lúc 2 giờ sáng. Qua thăm khám và siêu âm, các BS phát hiện M. bị TNTC trong sự ngỡ ngàng của “chính chủ”.
M. nói như khóc: “Em không thể có thai được, em luôn uống thuốc ngừa thai khẩn cấp đầy đủ”. Ngoài ra, do kinh nguyệt không đều, M. không biết mình có trễ kinh hay không, nên chuyện có thai M. hoàn toàn không nghĩ đến. May mắn, khối thai của chị M. chưa vỡ và còn nhỏ nên cô được nhập viện điều trị nội khoa mà không cần phải phẫu thuật.
Không được may mắn như M., chị Nguyễn K.K. 24 tuổi, nhân viên một công ty về công nghệ thông tin đang ngủ giữa đêm thì giật mình thức giấc vì cơn đau bụng oằn oại. Chị cứ nghĩ mình bị hành kinh, vì hai ngày qua chị bị đau bụng âm ỉ cùng với ra huyết.
Chị lấy thuốc giảm đau uống, thế nhưng, cơn đau bụng trở nên dữ dội hơn, khiến chị vã mồ hôi như tắm và muốn ngất xỉu; khi chị vừa bước vào nhà vệ sinh thì ra máu ở âm đạo. Ngay lập tức chị được gia đình đưa vào BV Hùng Vương cấp cứu và BS chẩn đoán chị K. bị TNTC. Điều nguy hiểm hơn, khối thai đã vỡ và chị nhanh chóng được đưa vào phòng mổ.
BS xác định thai làm tổ ở vòi trứng trái, đã vỡ nên BS phải cắt bỏ vòi trứng. Vậy là khả năng sinh sản của chị K. chỉ còn 50%. Mẹ chị đau đớn và giận dữ. Khi đó chị K. mới thú nhận đã “trót lỡ” với bạn trai.
|
BS Nguyễn Thị Kim Anh và ê kíp đang phẫu thuật xử lý một trường hợp bị TNTC |
Nạo thai, viêm nhiễm vòi trứng là “thủ phạm” TNTC
Theo BS Nguyễn Thị Kim Anh, TNTC là trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển ngoài buồng tử cung. Hơn 95% thai đóng ở ống dẫn trứng, ngoài ra còn tập trung ở các vị trí như đoạn kẽ, cổ tử cung, buồng trứng, trong ổ bụng…
Nguyên nhân thường gặp là do viêm vùng chậu, phẫu thuật vùng chậu trước đó như: phẫu thuật trên ống dẫn trứng, gỡ dính vùng chậu... Những bệnh lý phụ khoa như: u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, nạo phá thai… và còn có một phần do sử dụng thuốc ngừa thai không đúng cách, đặc biệt là thuốc ngừa thai khẩn cấp.
TNTC thường để lại hậu quả nặng nề nếu không điều trị đúng cách, hoặc có triệu chứng có thể gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vì vậy, có rất nhiều trường hợp TNTC đến BV trong tình trạng nguy kịch vì khối thai đã vỡ, gây mất máu nặng, tụt huyết áp, choáng, ngất xỉu.
Nếu không cứu chữa kịp thời bằng phẫu thuật cầm máu (có thể phải truyền máu) sẽ dẫn đến tình trạng thai phụ tử vong do mất máu nhiều. Còn nếu được cấp cứu kịp thời, khi TNTC đã vỡ thì hầu hết là phải phẫu thuật cắt vòi trứng và chị em phải đối diện với nguy cơ hiếm muộn.
BS Kim Anh kể, có trường hợp một phụ nữ bị đau bụng, ra huyết nên chị đến một cơ sở y tế phường tại quận 8 khám. Nơi đây nghi chị bị TNTC và thai đã vỡ gây mất máu nhiều nên gọi điện lên BV Hùng Vương xin trợ giúp, vì nếu chuyển viện thì nguy cơ tử vong rất cao.
Ngay lập tức, BV Hùng Vương điều ngay một xe cứu thương với BS, điều dưỡng và máu đến trạm y tế phường. Sau khi sơ cứu và truyền máu, bệnh nhân được đưa về BV Hùng Vương phẫu thuật xử lý TNTC vỡ, cứu sống thai phụ trong gang tấc.
BS Kim Anh lưu ý, cần phải hạn chế, phòng tránh TNTC bằng cách: tình dục an toàn, không để mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, áp dụng biện pháp ngừa thai khi chưa muốn có con. Tránh để mang thai ngoài ý muốn sau đó nạo phá thai nhiều lần.
Bởi tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều có nguy cơ bị TNTC và phụ nữ trẻ chưa muốn có con, có quan hệ tình dục không an toàn và ngừa thai không đúng cách thì nguy cơ bị TNTC cao hơn. Bên cạnh đó, cần khám phụ khoa định kỳ nhằm phát hiện và điều trị các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa.
Khi thấy dấu hiệu điển hình của TNTC như: trễ kinh ra huyết âm đạo bất thường, đau bụng thì chị em, nhất là các trường hợp quan hệ tình dục không an toàn cần đến ngay BV.
Ngoài ra, theo BS Nguyễn Viết Hậu, Phó khoa Cấp cứu BV Đại học Y Dược, có nhiều trường hợp vào cấp cứu mà thai phụ chỉ có các triệu chứng mót tiểu, tiểu gắt, rối loạn tiêu hóa do triệu chứng của thai hành, kích thước khối thai cũng như máu trong ổ bụng khi khối thai vỡ làm kích thích bàng quang, kích thích đường ruột gây nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa, đường tiết niệu, thậm chí cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, viêm nhiễm vùng chậu… Vì vậy, khi có những dấu hiệu trên, cần đi khám nhằm tránh trường hợp TNTC bị vỡ gây nhiều di chứng, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Thùy Dương