Nguy hiểm khi dùng quá liều mỹ phẩm, thực phẩm chức năng làm đẹp

16/06/2024 - 06:29

PNO - Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã thu hồi B7 liều cao vì phát hiện nó có thể tác động đáng kể vào các xét nghiệm đo troponin - một loại protein trong cơ tim được giải phóng vào máu trong cơn đau tim.

“Người ta đang tự làm cơ thể mình quá tải với vô số sản phẩm bôi lên da và lượng thực phẩm chức năng quá lớn” - bác sĩ Mervyn Patterson - chuyên gia thẩm mỹ của Woodford Medical (Anh) - nói. Theo ông, điều này có thể gây tổn thương da, ảnh hưởng đến các xét nghiệm y tế và có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Biotin hay B7 là một vitamin rất phổ biến, thường được sử dụng trong các sản phẩm bổ sung làm tốt tóc, da và móng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, B7 chỉ hữu ích khi cơ thể bị thiếu hụt. Việc sử dụng quá nhiều có thể gây nguy hiểm.

Năm ngoái, Hiệp hội Các nhà sản xuất thuốc Anh quốc (BGMA) đã cảnh báo B7 có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp. BGMA nhấn mạnh, trước khi làm xét nghiệm, cần hỏi bệnh nhân về việc có sử dụng B7 hoặc các chất bổ sung làm đẹp da, móng và tóc hay không?

Các bác sĩ cảnh báo việc sử dụng thực phẩm chức năng bất chấp liều lượng là sai lầm lớn - Nguồn ảnh: Daily Mail
Các bác sĩ cảnh báo việc sử dụng thực phẩm chức năng bất chấp liều lượng là sai lầm lớn - Nguồn ảnh: Daily Mail

B7 cũng có thể can thiệp vào kết quả xét nghiệm tim mạch. Năm 2019, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã thu hồi B7 liều cao vì phát hiện nó có thể tác động đáng kể vào các xét nghiệm đo troponin - một loại protein trong cơ tim được giải phóng vào máu trong cơn đau tim.

“Nếu phải nhập viện vì đau ngực, nồng độ troponin của bệnh nhân sẽ được đo. Để theo dõi các mức này, người ta có thể sử dụng B7. Vì vậy, khi người bệnh có sử dụng sản phẩm chứa chất bổ sung B7 trước đó, nó có thể ảnh hưởng đến kết quả đo” - bác sĩ Oliver Guttmann - Bệnh viện Wellington, Anh - cho biết.

Cơ quan Dịch vụ y tế Anh quốc (NHS) cho hay, nếu dùng B7 ít hơn 0,9mg/ngày sẽ không nguy hại. Điều đáng lo ngại là trong “thế giới thực phẩm chức năng” trên không gian mạng, khách hàng dễ dàng mua được B7 có liều dùng lên tới 12mg/viên.

Được ca ngợi là thành phần tuyệt vời cho làn da, retinol hay vitamin A1 làm tăng sản xuất collagen. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo: việc lạm dụng A1 có thể gây kích ứng và làm mỏng da.

Vào tháng 4/2024, Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo về việc nhiều người tiếp xúc quá mức với A1 và đang ban hành luật mới để hạn chế hàm lượng A1 trong các sản phẩm làm đẹp. “Nếu nồng độ A1 trong cơ thể quá cao, nó có thể gây tổn thương gan và khiến xương mỏng đi. Tôi không lo lắng về tình trạng kích ứng da nhiều cho bằng tác động của nó lên toàn thân” - bác sĩ Mervyn Patterson - chuyên gia thẩm mỹ của Woodford Medical (Anh) - cảnh báo.

Chuyên gia dinh dưỡng Emma Bardwell - tác giả cuốn The Perimenopause Solution (Giải pháp cho thời kỳ tiền mãn kinh) - cho biết: “Theo tiêu chuẩn, người lớn cần 40mg vitamin C mỗi ngày, nhưng nhiều người có xu hướng dùng vitamin C với liều lượng rất cao với hy vọng có làn da khỏe mạnh và khả năng miễn dịch. Nếu sử dụng 1.000 - 2.000mg/ngày có thể gây ra các vấn đề về dạ dày khiến ta buồn nôn, ói mửa, có hại cho hệ tiêu hóa”.

Trên nền tảng TikTok đang có rất nhiều video hướng dẫn pha trộn các thành phần chăm sóc da. Điều này có thể gây hại. “Da chỉ có thể hấp thụ một lượng hạn chế các chất bổ sung. Việc trộn lẫn các sản phẩm có thể gây ra nhiều vấn đề. Retinol hoặc các dạng vitamin A khác được thoa cùng lúc với kem vitamin C có thể gây kích ứng. Cũng vậy, trộn vitamin C với AHA, retinol với a xít salicylic… có thể làm khô da” - bác sĩ Patterson khuyên.

Theo bác sĩ Guttman, lý tưởng nhất là chúng ta nên bổ sung Omega-3 thông qua chất béo tự nhiên từ cá. Ngoài ra, những người phải uống thuốc loãng máu nên thận trọng khi sử dụng các chất bổ sung được cho là giúp chống lại tình trạng da khô và bị kích ứng. Cần cẩn thận với các chất bổ sung thúc đẩy sức khỏe của tóc và móng. Tất cả đều tăng nguy cơ chảy máu.

“Liều lượng Omega-3 quá cao có thể làm thay đổi cách cơ thể chuyển hóa Omega-3, có thể làm loãng máu mạnh hơn” - bác sĩ Guttman nói.

Quỹ Tim mạch Anh quốc (BHF) khuyến cáo, nếu dùng thực phẩm chức năng Omega-3 thì chỉ nên dừng ở khoảng 450mg/ngày. Nên chọn sản phẩm bổ sung có chứa DHA và EPA Omega-3.

Bác sĩ Guttman cho hay: “Mỗi người sẽ phản ứng khác nhau, nhưng hãy tuân thủ giới hạn khuyến nghị và trao đổi với bác sĩ về các loại thực phẩm chức năng. Các tác dụng phụ ít được biết đến khác của việc dùng nhiều dầu cá có thể bao gồm triệu chứng đau rát hoặc khó chịu ở ngực và tiêu chảy”.

Nam Anh (theo NYBN, DM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI