Nguy hiểm khi cảm giác như bị ai đó… “bóp cổ” lúc ngủ

26/09/2024 - 08:33

PNO - Nhiều bệnh nhân ngáy to khi ngủ, có người sợ hãi, giật mình giữa đêm vì cảm giác như bị ai đó “bóp cổ”, đến mức không dám nằm khi ngủ… Các bác sĩ lưu ý không nên xem nhẹ các triệu chứng này.

Ngủ ngồi vì không dám… nằm ngủ

Cho rằng mình mắc bệnh lạ, ông P.V.T. (65 tuổi, ở huyện Cần Giờ, TPHCM) không dám nằm ngủ. Nhiều tháng liền, ông chỉ ngủ ngồi vì cứ nằm xuống, ngủ sâu một chút lại ngạt thở, phải giật thót dậy… lấy hơi. Con gái của ông cho biết: “Có lần đang ngủ, cha tôi bật dậy kêu cứu. Cả nhà chạy lại mới biết ông bị mớ ngủ. Ban đầu, mỗi đêm cha tôi chỉ thức giấc vài lần, sau đó không thể nằm ngửa lúc ngủ, rồi chỉ ngủ ngồi. Cha ngủ rất nhiều, dù ban ngày hay ban đêm, ngồi đâu cũng có thể ngủ”.

Bác sĩ Nguyễn Như Vinh đang thăm khám, tư vấn cho người bệnh - Ảnh do bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Nguyễn Như Vinh đang thăm khám, tư vấn cho người bệnh - Ảnh do bệnh viện cung cấp

Do biểu hiện lạ của ông T., hàng xóm đồn đoán do ông hay đi chích cá nửa đêm nên bị… ma nhập. Nghe vậy, gia đình đưa ông đi trị bệnh tâm linh nhưng không khỏi. Sau đó, cứ nghe ở đâu có bài thuốc gia truyền hay, thầy lang giỏi, gia đình đều đến để mua thuốc cho ông T. uống nhưng ông vẫn không thể hết bệnh. “Đến khi con gái tôi tìm kiếm thông tin trên mạng, nghi tôi bị chứng ngưng thở khi ngủ nên đưa tôi đến bệnh viện khám và điều trị. Hiện giờ, tôi đã khỏi bệnh, nằm ngủ được rồi, chỉ là vẫn còn ngáy một chút thôi” - ông T. vui mừng nói.

Khoảng 2 tháng nay, anh T.T.B.D. (39 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) liên tục thức giấc nửa đêm vì cứ nằm xuống ngủ là không thở nổi. Anh D. đi khám ở bệnh viện và phòng khám tư tại địa phương, các bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm phổi mạn tính, xơ phổi, hen suyễn… cho thuốc về uống. Tuy nhiên, bệnh vẫn không thuyên giảm.

Anh D. kể: “Ban đầu, vợ tôi than phiền tôi ngáy to quá không ngủ được nhưng tôi không tin vì từ trước đến nay tôi ít khi ngáy lúc ngủ. Sau đó, chính tôi cũng biết được mình ngáy to nhưng nghĩ do làm việc mệt. Rồi tôi cảm thấy bị hụt hơi lúc ngủ nên đi khám bệnh, uống nhiều loại thuốc mà tình trạng ngày càng nặng hơn. Có lần, đang ngủ tôi không thở được, như có ai đó bóp chặt cổ, đến nỗi tôi hoảng loạn ngồi dậy thở hổn hển”.

Từ đó, anh D. luôn cố gắng thức đến sáng vì sợ. Đến khi không thể chịu nổi, anh đến Bệnh viện Đại học y dược TPHCM khám. Anh D. được đo đa ký giấc ngủ, kết quả xác định anh mắc hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ trên nền thừa cân, béo phì, chỉ số ngưng thở khi ngủ cao. Bên cạnh đó, do sợ hãi, lo lắng kéo dài, anh D. còn bị rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu. Anh được điều trị bằng thở máy áp lực dương liên tục. Sau điều trị, anh đã kiểm soát được tình trạng ngáy, các cơn ngưng thở khi ngủ hầu như không còn, đã ngủ ngon giấc. Trước khi xuất viện, anh D. đã được điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện để cải thiện sức khỏe.

Cả 2 bệnh nhân trên đều chưa phát hiện biến chứng nặng của hội chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ; chỉ cần ngủ đủ giấc, điều chỉnh chế độ ăn, bỏ thuốc lá, không uống rượu sẽ quay lại cuộc sống bình thường như trước.

Phát hiện sớm, điều trị đơn giản

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Như Vinh - Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là bệnh lý xảy ra khi đường hô hấp của người bệnh bị hẹp lại trong lúc ngủ. Theo phản xạ, người bệnh sẽ phát ra tiếng ngáy, nếu đường hô hấp bị hẹp toàn phần gây tắc hoàn toàn đường hô hấp sẽ xảy ra cơn ngưng thở trong thời gian ngắn. Lúc này, người bệnh có thể thức bật dậy, hoặc vẫn tiếp tục ngủ khi thở trở lại, hoàn toàn không nhớ về cơn ngưng thở này.

Ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là người tuổi trung niên hay những người béo phì, bất thường về cấu trúc đường hô hấp trên vì bệnh phì đại amidan, hàm nhỏ, hàm ra sau, lưỡi quá to, tắc mũi… Người nghiện rượu, sử dụng thuốc an thần, chất gây nghiện có nguy cơ cao bị ngưng thở khi ngủ.
Ngáy và ngưng thở khi ngủ diễn tiến trong thời gian dài, làm cho cơ thể bị thiếu ô xy vào ban đêm, gây rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, đột quỵ, tai biến mạch máu não… Ngoài ra, tình trạng buồn ngủ vào ban ngày rất dễ gây ra tai nạn sinh hoạt, lao động, tai nạn giao thông rất nguy hiểm.

Do đó, bác sĩ Nguyễn Như Vinh khuyên nếu người có 1 trong 3 biểu hiện như sau nên đến cơ sở y tế khám để được chẩn đoán, điều trị. Thứ nhất: ngủ ngáy quá to; bản thân người ngáy biết mình bị nghẹt thở, thức dậy trong trạng thái hoảng hốt vì tưởng ai đó… bóp cổ mình. Thứ hai, người thân thấy người bên cạnh đang ngáy to lại đột ngột im lặng không ngáy, không thở mạnh, đến lay dậy mới biết. Thứ ba, người đã ngủ đủ giấc vào ban đêm nhưng ngày hôm sau cứ liên tục buồn ngủ quá mức, có thể ngủ khi đang học, đang chơi, làm việc…

Nếu nghi ngờ bản thân bị ngưng thở khi ngủ, người bệnh nên đến bệnh viện đo đa ký giấc ngủ để bác sĩ xác định mức độ ngưng thở khi ngủ. Trường hợp bệnh nhẹ chỉ cần tập vật lý trị liệu, giảm cân, nếu nặng hơn người bệnh có thể điều trị bằng thở máy áp lực dương liên tục, phẫu thuật cũng là cách điều trị hiệu quả.
Bên cạnh đó, người bệnh phải thay đổi một số thói quen, có lối sống lành mạnh như không uống rượu, bia, tránh sử dụng cà phê, thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc chống động kinh… vào ban đêm. Đặc biệt, khi nằm ngửa, hàm, lưỡi khép lại, chặn đứng đường thở, từ đó bệnh ngáy, ngưng thở khi ngủ trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, người bệnh nên nằm nghiêng về một bên khi ngủ.

Không nên giữ một tư thế khi ngủ

Để phòng ngừa chứng ngưng thở khi ngủ, mọi người cần điều chỉnh, kiểm soát cân nặng sao cho trọng lượng cơ thể ở mức tiêu chuẩn, tránh thừa cân, béo phì. Ngoài ra, không nên giữ một tư thế ngủ, nhất là tư thế khiến mình cảm thấy mệt mỏi, khó thở khi thức dậy, hoặc người thân nhắc nhở hay bị ngáy ngủ. Cần tập thói quen khám sức khỏe định kỳ, để kịp thời phát hiện, điều trị. Đối với người có yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình có người mắc chứng ngưng thở khi ngủ, hay gặp các bệnh lý về mũi họng… càng nên đi khám để tầm soát bệnh.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI