Nguy cơ từ ô nhiễm chất thải dược phẩm trong nguồn nước

17/02/2022 - 06:02

PNO - Việc con người phụ thuộc quá nhiều vào dược phẩm đã gây ra những tác động đáng lo ngại đến chất lượng nguồn nước, với hơn 1/4 sông ngòi trên thế giới chứa các thành phần trong thuốc (không kê đơn và thuốc kê đơn) đến “mức độ độc hại”.

Mối đe dọa toàn cầu

Theo kết quả nghiên cứu mới được thực hiện bởi một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, dẫn đầu là tiến sĩ John Wilkinson từ Đại học York (Canada), dược phẩm đã làm ô nhiễm các con sông trên toàn thế giới, gây ra “mối đe dọa toàn cầu đối với sức khỏe con người và môi trường”. Dược phẩm và các hợp chất mang dược tính khác được con người sử dụng có thể gây hại cho động vật hoang dã. Đồng thời, lượng kháng sinh trong môi trường làm tăng nguy cơ phát triển vi sinh vật kháng thuốc, một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại.

Các nhà khoa học đã đo nồng độ của 61 hoạt chất dược phẩm (API) tại hơn 1.000 địa điểm dọc theo 258 con sông ở 104 quốc gia, bao gồm tất cả châu lục. Chỉ có hai nơi không bị ô nhiễm gồm Iceland và một ngôi làng ở Venezuela, nơi người dân bản địa không sử dụng các loại thuốc hiện đại. Tại 25,7% vị trí lấy mẫu, nồng độ của ít nhất một hợp chất lớn hơn mức “an toàn cho các sinh vật sống dưới nước”, được xem là đến mức độc hại. 

Các chất ô nhiễm được tìm thấy ở nồng độ có thể gây hại bao gồm propranolol (thuốc dùng cho các vấn đề về tim như huyết áp cao), sulfamethoxazole (kháng sinh trị nhiễm trùng do vi khuẩn), ciprofloxacin (kháng sinh trị nhiễm khuẩn) và loratadine (thuốc kháng histamine trị dị ứng). Mặt khác, những thành phần, loại dược phẩm được phát hiện thường xuyên nhất là caffeine, thuốc chống động kinh carbamazepine và thuốc hạ đường huyết metformin. Phần lớn dư lượng thuốc này xuất phát từ chất thải của con người chảy ra môi trường, đặc biệt là khi các nhà máy xử lý nước thải được quản lý kém thường nằm cạnh sông ngòi. Các điểm nóng có hàm lượng API rất cao bao gồm: Lahore ở Pakistan, La Paz ở Bolivia và Addis Ababa ở Ethiopia. Madrid (Tây Ban Nha), Glasgow (Anh) và Dallas (Mỹ) cũng nằm trong 20% địa điểm ô nhiễm hàng đầu.

Nước thải đổ ra sông ở Bangkok (Thái Lan). WHO ước tính những siêu vi khuẩn kháng thuốc sẽ giết chết 10 triệu người mỗi năm vào năm 2050 - ẢNH: FLICKR
Nước thải đổ ra sông ở Bangkok (Thái Lan). WHO ước tính những siêu vi khuẩn kháng thuốc sẽ giết chết 10 triệu người mỗi năm vào năm 2050 - Ảnh: FLICKR

Tiến sĩ Wilkinson cho biết: “Tổ chức Y tế Thế giới, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác nói rằng kháng thuốc là mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại. Tại 19% địa điểm chúng tôi theo dõi, nồng độ kháng sinh vượt quá mức mà từ đó, vi khuẩn bắt đầu phát triển sức đề kháng với kháng sinh”. Một kết quả nghiên cứu được công bố vào tháng 1/2022 ước tính rằng 5 triệu người chết trong năm 2019 do nhiễm vi khuẩn kháng thuốc. 

Thay đổi hệ thống xử lý nước và cách dùng thuốc

Trước đây, hầu hết các thăm dò, đánh giá, đo đạc được tập trung thực hiện ở những nơi nghi ngờ là Tây Âu và Bắc Mỹ, nhưng nghiên cứu mới phát hiện ô nhiễm API ở nhiều nơi khác còn cao hơn nhiều. Sông Kai Tak ở Hồng Kông chứa 34 API khác nhau tại một địa điểm, cao nhất trong nghiên cứu. Có hơn 2.500 loại dược phẩm đang được sử dụng trên toàn thế giới. Tuy nhiên do công nghệ hiện tại chỉ cho phép có thể phân tích 50 - 100 loại dược phẩm trong một mẫu nên các nhà nghiên cứu tập trung vào những loại được sử dụng phổ biến nhất và cảnh báo rằng mức ô nhiễm thực tế có thể cao hơn nhiều.

Nhóm tác giả hy vọng nghiên cứu sẽ giúp tập trung nỗ lực làm sạch nguồn nước tại các khu vực có nguy cơ cao nhất. Ở hầu hết các nước đang phát triển, hệ thống nhà máy xử lý nước thải thiếu chức năng và quy mô để có thể xử lý chất thải dược phẩm. Nếu không có hệ thống xử lý nước thải hiệu quả, các nước phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước quy mô lớn và nông dân buộc phải sử dụng nước kém chất lượng để tưới tiêu cây trồng, cả hai đều gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Tiến sĩ Megan Fork - nhà khoa học môi trường tại Viện Nghiên cứu sinh thái Cary (New York, Mỹ) - nhận định: “Nhìn chung, các nhà máy xử lý nước thải không được thiết kế để loại bỏ loại ô nhiễm dược phẩm”. 

Một trong những hệ thống xử lý khả thi nhất hiện đang được thử nghiệm tại Bỉ. Từ năm 2019, Công ty kỹ thuật John Cockerill Balteau đã áp dụng công nghệ xử lý nước thải thí điểm dựa trên các quy trình sinh học giúp loại bỏ những chất vi lượng trong nước. Quy trình có thể loại bỏ hơn 95% dư lượng dược phẩm trong nước thải. Cuối cùng, việc sử dụng thuốc một cách thật cẩn thận được xem là cách hữu hiệu để giảm ô nhiễm, đặc biệt là thuốc kháng sinh và những loại thuốc giá rẻ (không kê đơn) có sẵn ở nhiều nước, được sử dụng nhiều hơn mức cần thiết, chẳng hạn như thuốc điều trị cảm lạnh. 

Tấn Vĩ (theo Daily Mail, Mongabay, Pharmaceutical Technology)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI