Nguy cơ từ làn sóng “hậu COVID”

19/02/2022 - 06:01

PNO - Chứng “hậu COVID” được mô tả khi bệnh nhân COVID-19 duy trì các triệu chứng kéo dài sau thời gian điều trị. Dù vậy, đến nay vẫn chưa có danh sách tổng hợp đầy đủ các triệu chứng và cách hỗ trợ bệnh nhân, làm dấy lên lo ngại về một áp lực khác nặng nề hơn cho hệ thống y tế.

Gánh nặng theo sau đại dịch

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa “hậu COVID” là một hội chứng xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, với các triệu chứng kéo dài ít nhất hai tháng. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, ước tính có khoảng 3 - 12% bệnh nhân COVID-19 duy trì các triệu chứng sau 12 tuần kể từ lần nhiễm bệnh đầu tiên. 

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí y khoa BMJ cho thấy khoảng 1/3 bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên đã phát triển ít nhất một triệu chứng “hậu COVID” mới và cần chăm sóc y tế trong vòng vài tháng sau đó. Một số triệu chứng bao gồm những thay đổi đối với các cơ quan như tim, thận, phổi và gan. Từ đó dẫn đến thực tế là bệnh nhân COVID-19 có nhiều khả năng bị suy hô hấp, mệt mỏi, huyết áp cao và ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe tâm thần. 

Các triệu chứng “hậu COVID” có thể kéo dài nhiều tháng và ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của bệnh nhân
Các triệu chứng “hậu COVID” có thể kéo dài nhiều tháng và ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của bệnh nhân

Dữ liệu ở Anh cho thấy tỷ lệ mắc “hậu COVID” cao nhất ở những người 35 - 69 tuổi. Phụ nữ, người sống ở các khu vực thu nhập thấp và những người có vấn đề về sức khỏe hoặc khuyết tật cũng có nhiều khả năng phát triển hội chứng. Tiến sĩ Tutku Taşkınoğlu - nhà vi sinh vật học lâm sàng ở Thổ Nhĩ Kỳ - cho biết có sự khác biệt về các triệu chứng COVID-19 kéo dài ở các nhóm dân cư khác nhau. Nữ giới và những người trẻ tuổi thường gặp vấn đề đau đầu, lo âu dai dẳng.

Trong khi nam giới hay gặp tình trạng khó thở và suy giảm nhận thức. Tiến sĩ Taşkınoğlu nói rằng với bất kể biến thể nào, bệnh nhân đều có nguy cơ phát triển triệu chứng COVID-19 kéo dài. Vì vậy, với làn sóng Omicron chỉ mới xuất hiện và lan nhanh trong bốn tháng qua, rất khó để nói điều gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Khi Natalie Hollabaugh nhiễm COVID-19 vào tháng 3/2020, cô hồi phục cực kỳ chậm. Mười tám tháng sau, người phụ nữ tại Mỹ vẫn phải chịu đựng nhiều triệu chứng, bao gồm mệt mỏi, khó thở, đau đầu và đau khớp. Cô đã gặp bác sĩ tim mạch và một nhà nghiên cứu về phổi, cả hai đều giúp cô bác bỏ các vấn đề sức khỏe khác. Họ khuyên cô nên tập thể dục, vì vậy Natalie bắt đầu đạp xe, đi bộ và dắt chó đi dạo mỗi ngày. Nhưng thay vì cải thiện, chế độ tập thể dục mới của cô chỉ làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Trong một nghiên cứu nhỏ được công bố vào tháng Giêng, các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện ra rằng một số bệnh nhân “hậu COVID” không thể hiện bất kỳ vấn đề nào khi chụp CT ngực, họ cũng không bị thiếu máu hay mắc các vấn đề về chức năng phổi hoặc tim. Qua đó cho thấy chấn thương nội tạng không phải là nguyên nhân gây ra các triệu chứng kéo dài. Tuy nhiên, khi nhóm đối tượng tập thể dục bằng cách đạp xe, một số tĩnh mạch và động mạch của họ hoạt động bất thường, ngăn cản oxy phân phối hiệu quả đến các cơ. Nhóm tác giả cho rằng bệnh nhân hậu COVID bị tổn thương một loại sợi thần kinh nhất định điều khiển hoạt động các cơ quan và mạch máu.

Vắc xin giúp giảm nguy cơ “hậu COVID”

Sự không chắc chắn về ảnh hưởng của COVID-19 đối với trẻ em đang dần được thay thế bằng những thông tin tích cực. Khi bắt đầu đại dịch, báo cáo sơ bộ cho rằng một số trẻ em nhiễm COVID-19 thể hiện các triệu chứng như mệt mỏi, ho hoặc khó ngủ kéo dài. Tuy vậy, trong hai năm qua, sự hiểu biết của các chuyên gia về chứng “hậu COVID” ở trẻ em ngày càng sâu sắc hơn. Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet, 97% trẻ từ 5 - 11 tuổi mắc COVID-19 đã hồi phục hoàn toàn trong vòng bốn tuần. Riêng một nhóm nhỏ có các triệu chứng khó chịu kéo dài hơn bốn tuần (thường là mất khứu giác hoặc mệt mỏi) cũng hồi phục gần như hoàn toàn sau tám tuần. 

Trong hai nghiên cứu khác, tỷ lệ các triệu chứng COVID-19 kéo dài gần như giống nhau ở những trẻ đang có kết quả xét nghiệm dương tính và những trẻ đã hết bệnh, có kết quả âm tính với COVID-19. Nghĩa là những yếu tố khác mới là nguyên nhân trong nhiều hoặc hầu hết trường hợp được cho là “hậu COVID” ở trẻ em.

Đến nay, vắc xin đã được chứng minh có hiệu quả to lớn đối với việc ngăn chặn “hậu COVID” ở trẻ em và thanh thiếu niên cũng như ở người lớn. Một đánh giá toàn diện của Cơ quan An ninh Y tế Anh cho thấy, bên cạnh lợi ích giảm nguy cơ lây nhiễm ngay từ đầu, vắc xin giúp những người mắc COVID-19 giảm khả năng phát triển triệu chứng kéo dài nếu họ đã tiêm một hoặc hai liều vắc xin so với những người chưa tiêm chủng. Hơn nữa, cũng có bằng chứng cho thấy những người chưa chủng ngừa, mắc bệnh và phát triển “hậu COVID” có thể cải thiện tình trạng nếu tiêm thêm ít nhất một liều vắc xin. 

Theo Deborah Dunn-Walters - giáo sư miễn dịch học tại Đại học Surrey, thành viên Hiệp hội Miễn dịch học Anh - vắc xin có thể giúp làm sạch các ổ chứa virus còn sót lại trong cơ thể hoặc các mảnh virus đang gây ra tình trạng viêm tại các cơ quan. Một khả năng khác là việc tiêm phòng sẽ cân bằng lại phản ứng miễn dịch ở những người có triệu chứng kéo dài được thúc đẩy bởi các quá trình giống như tự miễn dịch. 

Ngọc Hạ (theo Medical News Today, Nature, NY Times)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI