Nguy cơ thiếu vitamin D vì ở nhà mùa dịch

12/07/2021 - 07:40

PNO - Ở trong nhà quá nhiều bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là một trong những nguyên nhân gây thiếu vitamin D ở trẻ, có thể dẫn tới tình trạng còi xương, chậm tăng trưởng…

Trẻ có thể biến dạng xương vì thiếu vitamin D

Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, trẻ em cũng như người lớn ở trong nhà nhiều hơn. Thậm chí, tại các khu vực cách ly, giãn cách xã hội, mọi sinh hoạt của gia đình chỉ xoay quanh căn nhà nhỏ, hạn chế vận động và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Cao Thị Thu Hương, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng - Y học vận động (Nutrihome), cho hay, thực tế này khiến hạn chế nguồn cung cấp vitamin D chủ yếu của cơ thể, có thể ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của trẻ nhỏ nếu như không được quan tâm và bổ sung đúng cách. 

 

Cá mòi, cá hồi, sữa… là những thực phẩm giàu vitamin D theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng
Cá mòi, cá hồi, sữa… là những thực phẩm giàu vitamin D theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng

Thời gian qua, Nutrihome đã tiếp đón nhiều trẻ đến khám dinh dưỡng, trong đó, các mối quan tâm về tình trạng thiếu vitamin D và vi chất dinh dưỡng chiếm tỷ lệ tới 60-70% số trẻ. Kết quả thăm khám cho thấy, tình trạng thiếu vitamin D hoặc chưa đạt mức tối ưu về vitamin D gặp khá phổ biến ở trẻ từ ba tuổi trở lên.

Nguyên nhân chủ yếu, theo các chuyên gia, có thể do việc hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, song cha mẹ lại ít quan tâm bổ sung vitamin D vì cho rằng trẻ đã lớn. Mặt khác, trẻ ít sử dụng các sản phẩm bổ sung thường được tăng cường vitamin D như sữa công thức, ít sử dụng multivitamin và chất khoáng. 

Theo bác sĩ Cao Thị Thu Hương, vitamin D có vai trò quan trọng trong điều hòa hấp thu chuyển hóa canxi và phosphat, là hai thành phần chính cấu tạo xương. Khi thiếu vitamin D, trẻ có thể còi xương, biến dạng xương từ đó chậm tăng trưởng. Bên cạnh đó, tình trạng này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe răng miệng như làm răng mọc chậm, sâu răng hay răng mọc lộn xộn. 

Để tránh nguy cơ này, các chuyên gia khuyến cáo, ngay cả khi ở trong nhà mùa dịch, các gia đình nên cố gắng tận dụng khoảng không gian ở sân, ban công để tắm nắng vào buổi sáng. Bởi, nguồn cung cấp vitamin D quan trọng cho cơ thể được tổng hợp ở da dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời.

Theo các bác sĩ, nhiều gia đình mắc sai lầm khi tắm nắng cho trẻ. Trước hết, cần để ánh nắng chiếu trực tiếp lên da với cường độ nắng không quá gay gắt, thời gian tắm nắng từ 3-10 phút/lần, phụ thuộc vào diện tích da được chiếu nắng và cường độ ánh nắng. Nên thay đổi vị trí chiếu nắng mỗi một phút, thay phiên giữa ngực và lưng. Đặc biệt, không tắm nắng cho trẻ dưới sáu tháng tuổi. 

Ngoài ra, vitamin D cũng có thể được bổ sung qua chế độ ăn uống bằng một số thực phẩm giàu vitamin D như gan cá, cá hồi, cá trích, cá mòi, dầu gan cá, nấm, lòng đỏ trứng… Hiện nay, vitamin D đã được bổ sung, tăng cường vào thực phẩm như sữa và các sản phẩm của sữa, ngũ cốc…

Tuy nhiên, các bác sĩ cho hay, nguồn cung vitamin D từ thực phẩm khá hạn chế, chỉ chiếm khoảng 10 - 20% nhu cầu của cơ thể. Do đó, trong điều kiện mùa dịch, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, phụ huynh có thể hỏi ý kiến tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng để bổ sung vitamin D cho trẻ bằng các loại chế phẩm. 

Tự ý bổ sung kéo dài, trẻ có thể dư vitamin D trong máu

Mặc dù được khuyến cáo bổ sung các chế phẩm vitamin D cho trẻ, song các bác sĩ nhấn mạnh, phụ huynh không nên tự ý sử dụng, bởi có thể mang lại tác động ngược, gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Tại Nutrihome, qua kết quả xét nghiệm định lượng vitamin D trong máu của trẻ tới khám cho thấy có khá nhiều trẻ dưới hai tuổi có lượng vitamin D ở ngưỡng cao, thậm chí dư thừa. Nguyên nhân, theo các chuyên gia, có thể nhiều bậc cha mẹ bổ sung vitamin D theo chỉ định của bác sĩ ngay sau sinh. Thời gian đầu đời, bé thường rất ít được ra ngoài và cũng không nên tắm nắng cho bé dưới sáu tháng tuổi để bảo vệ làn da non yếu. Tuy nhiên, sau đó các bậc cha mẹ cứ tiếp tục bổ sung vitamin D kéo dài, dù không có chỉ định của chuyên gia, dẫn đến tình trạng tích lũy vitamin D.

“Vitamin D tan trong chất béo, do vậy cần được hấp thu trong môi trường có chất béo và không tan trong nước nên không đào thải qua mồ hôi, nước tiểu mà tích lũy lại trong cơ thể. Nếu quá liều dễ gây ngộ độc, trẻ biếng ăn, quấy khóc và cũng gây bệnh còi xương như khi bị thiếu vitamin D. Tùy theo tình trạng vitamin D trong máu, tháng tuổi, chế độ chăm sóc và dinh dưỡng của từng gia đình với mỗi trẻ mà liều sử dụng vitamin D khác nhau. Trên cùng một trẻ, tùy từng thời điểm cũng có liều điều trị khác nhau, chứ không có liều chung duy nhất cho mọi trẻ tại mọi thời điểm”, bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, chuyên gia Nutrihome, phân tích.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại vitamin D với liều lượng sử dụng khác nhau. Mỗi nhãn hàng đều có ưu, nhược điểm riêng và khuyến cáo sử dụng trên nhãn hàng thường là các đối tượng chung, không phù hợp với tính cá thể của từng trẻ. Do đó, bác sĩ Đinh Thị Kim Liên khuyến cáo, các bậc cha mẹ nếu tự mua và điều trị cho trẻ mà không có chỉ định và theo dõi của các chuyên gia dinh dưỡng thì sẽ ít mang lại hiệu quả. Cụ thể, nếu bổ sung liều không đủ làm cho trẻ vẫn bị còi xương, chậm lớn hoặc gặp phải một số tác dụng phụ khác nếu dư thừa vitamin D. Trẻ cần được bổ sung theo chỉ định và theo dõi suốt trong quá trình bổ sung vitamin này. 

Những dấu hiệu nhận biết cơ thể thiếu vitamin D

Các chuyên gia cũng lưu ý, do nguồn cung cấp vitamin D từ thực phẩm rất hạn chế nên trong điều kiện ở nhà nhiều, không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, thì không chỉ trẻ em mà người trưởng thành cũng có thể thiếu vitamin này. Việc thiếu vitamin ở người trưởng thành là yếu tố nguy cơ của một số bệnh: nhiễm trùng (lao, viêm đường hô hấp…), tự miễn (đái tháo đường type 1, bệnh Crohn…), đái tháo đường type 2, tăng huyết áp và tăng nguy cơ tử vong khi có kết hợp bệnh tim mạch, ung thư (vú, đại tràng, tụy…), trầm cảm… 

Một số triệu chứng đặc hiệu để nhận biết cơ thể thiếu vitamin D: co cơ (co thắt thanh quản, chuột rút…), đau xương, cơ, mềm xương và biến dạng xương ở trẻ nhỏ (thóp rộng, bướu đỉnh, bướu trán, cong chân, tay, chân chữ x, chân chữ O, lồng ngực rô…), thường xuyên bị ốm và nhiễm bệnh, chậm lành vết thương.

Ngoài ra, ở trẻ còn có thể có biểu hiện ra mồ hôi trộm, rụng tóc, khó ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ hay bị giật mình, táo bón, mệt mỏi…

Huyền Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI