Hai năm liên tiếp phải đối mặt với những tác động của đại dịch, nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập không có nguồn thu nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng không thể gắng gượng thêm nữa. Tám tháng liên tiếp nghỉ dạy không lương, giáo viên tìm đủ mọi công việc khác để duy trì cuộc sống, không ít cô chuyển hẳn sang nghề khác hoặc về quê làm công nhân. Nhưng cũng chưa biết khi nào trường học mới hoạt động lại…
|
Dịch COVID-19 làm nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập đóng cửa, không có nguồn thu - Ảnh minh họa |
Phải rao bán, sang nhượng trường
Trên các hội nhóm trường mầm non và giáo viên mầm non tràn ngập những quảng cáo rao bán, sang nhượng trường mầm non hoặc thanh lý toàn bộ đồ dùng, thiết bị của các chủ cơ sở mầm non tư thục.
Làm chủ một trường mầm non tư thục ở Q.Hà Đông (TP.Hà Nội), chị N.D. vô cùng tâm huyết với mái trường mười năm tuổi do chính tay mình gầy dựng. Cơ sở của chị có diện tích sử dụng đến 700m2, có cả sân chơi ngoài trời. Năm học trước, trường đã chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, song khi đó mỗi lần chỉ dừng hoạt động một thời gian ngắn rồi mở cửa trở lại. Đến năm 2021, dịch bùng phát mạnh và phức tạp khiến tất cả trường học phải đóng cửa từ tháng Năm đến nay.
Tám tháng liên tiếp không hoạt động, trẻ không được đến lớp đồng nghĩa với việc trường không có nguồn thu, mà tiền thuê địa điểm thì vẫn phải trả đều hằng tháng. Chị D. xoay đủ hướng, từ rút tiền tiết kiệm đến vay mượn để “nuôi” trường. Nhưng càng đổ tiền vào 700m2 im lìm không một hoạt động ấy, hy vọng ngày trường học được mở cửa trở lại của chị cứ lụi dần. Không còn bất cứ cách nào để cầm cự, một tuần trước chị phải đăng tin sang trường.
Trước dịch, trường mầm non nằm trong hoặc ở gần các tòa chung cư là lựa chọn đầu tư của nhiều người. Chị L.T. nhắm được một điểm đối diện bốn tòa chung cư ở Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội, địa điểm đẹp, giáo viên tốt, hoạt động đi lên từng ngày với tổng số 100 trẻ được duy trì. Trước dịch, có người còn ngỏ ý mua lại với giá 1,8 tỷ đồng song chị T. không bán. Tám tháng đóng cửa vì dịch đã khiến cơ sở của chị tơi tả vì chi mà không có thu. Cực chẳng đã, tháng trước chị đành rao bán. Mức giá sang nhượng chị đưa ra chưa bằng nửa giá người ta hỏi mua trước dịch, song hơn một tháng qua vẫn im lìm không ai hỏi.
Tình hình của chị X.H. (Q.Hoàng Mai) còn “thảm hơn”, chị nói đầy buốt xót: “Chủ cơ sở mà cũng phải đi xin gạo, nhu yếu phẩm từ thiện. Xấu hổ chứ, nhưng không còn cách nào. Tôi mới tìm được việc giữ trẻ tại nhà, nhưng vừa giữ trẻ vừa làm việc nhà, vừa lau dọn vệ sinh. Bằng cử nhân sư phạm mà giờ làm ô-sin cao cấp. Bán nhà tôi cũng đã rao mà không ai mua. Tôi không biết phải làm thế nào nữa”. Bán trường không được, bán nhà không xong, chị H. đành rao bán toàn bộ đồ dùng, thiết bị trong trường, “giá nào cũng bán, miễn là có người mua, vẫn hơn là đắp chiếu để đấy”, chị H. thở dài.
|
Đại diện Hiệp hội Mầm non tư thục Hà Nội (bìa phải) hỗ trợ nhu yếu phẩm cho giáo viên mầm non trong đợt Hà Nội thực hiện giãn cách |
Tìm mọi cách giữ giáo viên
Bà Chu Quỳnh Nga, Chủ tịch Hiệp hội Mầm non tư thục Hà Nội, chủ Trường mầm non Phương Nga Kid Mon (Q.Thanh Xuân) chia sẻ: Mấy tháng đầu dừng hoạt động, trường vẫn cố gắng hỗ trợ lương cho giáo viên. Song dịch kéo dài, việc hỗ trợ cũng không thể kéo dài hơn. Thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách, trường của bà cùng hiệp hội đã kêu gọi các nguồn tài trợ để giúp đỡ giáo viên gạo, nhu yếu phẩm. Với những tác động quá lớn của đại dịch đến đời sống, nhiều giáo viên của Trường mầm non Phương Nga Kid Mon đã không trụ lại được, phải về quê tìm việc khác. Có cô làm vàng mã để kiếm 100.000 - 150.000 đồng/ngày, có cô thì xin làm công nhân… Nhiều năm gắn bó với giáo dục mầm non, bà Nga không khỏi xót xa: “Tôi rất buồn khi trên tất cả diễn đàn mầm non là sự… thanh lý trường mầm non. Các chủ trường, chủ nhóm lớp tư thục đang oằn mình gánh trên vai “sự nghiệp” cao cả ấy…”.
Chủ cơ sở mầm non M.Y.C. (Q.Ba Đình), chủ cơ sở mầm non A.H. (Q.Hà Đông) cũng đã rất cố gắng để hỗ trợ lương cơ bản cho giáo viên trong những tháng đầu. Nhưng đến thời điểm này, các chủ trường còn không biết xoay đâu tiền trả cho chủ nhà chứ chưa nói đến tiếp tục hỗ trợ lương cho giáo viên. Trường mầm non M.Y.C. nỗ lực để không phải giải thể hay sang nhượng, song vẫn không thể “giữ chân” được 20% giáo viên đã nhiều năm gắn bó. Vì chẳng thể làm gì được hơn để hỗ trợ cho giáo viên nên đành ngậm ngùi để họ rời đi.
Nhiều giáo viên mầm non tư thục ở các tỉnh lẻ cũng rơi vào cảnh buộc phải chuyển nghề để thích ứng với hoàn cảnh. Sau bảy năm gắn bó với một cơ sở mầm non tư thục ở Hà Nội, cô giáo V.L. đành cùng chồng con về quê Hưng Yên. Chồng bỏ nghề tài xế xe công nghệ, cô L. bỏ nghề giáo viên để cùng xin vào khu công nghiệp gần nhà. Sau thời gian vừa học vừa làm nghề may, cô L. khoe lương tháng cũng được khoảng 7 triệu đồng. Cô tâm sự: “Với mức lương như hiện nay cùng các chế độ của công ty, có lẽ vợ chồng tôi sẽ gắn bó lâu dài. Sống ở quê cũng “dễ thở” hơn, có gì còn nhờ cậy được ông bà, anh chị em”.
Cô L. bảo đồng nghiệp của cô cũng không ít người đã chuyển hẳn sang nghề khác, người học và làm nghề cắt tóc gội đầu, nhiều người về quê làm công nhân. “Nếu ngày trước việc bỏ nghề giáo viên đi làm công nhân phải chịu lời ra tiếng vào của làng xóm thì hiện nay điều đó là quá… bình thường. Thậm chí, chính hàng xóm láng giềng còn xúi “xin đi công ty”. Nói chung, sống trong đại dịch COVID-19, cách nhìn của nhiều người cũng khác, đành phải thay đổi để thích nghi thôi”, cô L. nói.
Cần giải pháp cho thực trạng chung
Không chỉ các chủ cơ sở mầm non tư thục đang cố gắng cầm cự phải đối mặt với lo lắng không có giáo viên, với những người vừa mua lại trường, nguy cơ thiếu giáo viên cũng là bài toán phải giải. Một số cơ sở ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng tuyển dụng giáo viên mầm non với mức lương 7 - 8 triệu đồng/tháng nhưng đã hai tháng nay vẫn không tuyển đủ nhân sự.
Thiếu giáo viên mầm non, thiếu cơ sở mầm non cũng là bài toán nhãn tiền đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn trả lời trước Quốc hội trong phiên chất vấn hồi tháng 11. Hệ thống tư thục mầm non đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các cơ sở này đang nuôi dạy 22,3% số trẻ ở độ tuổi đến trường và tạo công ăn việc làm cho 90.500 người lao động. Ước tính việc nhiều cơ sở mầm non đã phải đóng cửa, sang tên, rao bán, nhiều giáo viên phải chuyển đổi sang công việc khác khiến 1,2 triệu trẻ trong độ tuổi mầm non trên cả nước đang có nguy cơ thiếu chỗ học.
Trước thực trạng đó, Bộ GD-ĐT phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Chính phủ nhiều giải pháp như: ban hành chính sách hỗ trợ nhằm duy trì công việc, tránh bỏ việc đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đã được cấp phép hoạt động) đang phải dừng hoạt động để phòng dịch bệnh theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền. Đề xuất đưa vào chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang được Chính phủ dự thảo các chính sách hỗ trợ số hóa, ưu đãi tín dụng để các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập có thể sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, trang thiết bị phòng, chống dịch... nhằm phục hồi hoạt động; tổng số tiền gói tài chính ngành giáo dục đang đề xuất cho cả người lao động và các cơ sở mầm non ngoài công lập và đang trình Chính phủ xem xét là hơn 800 tỷ đồng, đi kèm với cơ chế vay vốn, thuế và các điều kiện khác để hỗ trợ người lao động và các cơ sở vượt qua khó khăn.
Hy vọng những chính sách này sớm được thông qua để giáo viên và các cơ sở mầm non ngoài công lập sớm tiếp cận gói hỗ trợ, có điều kiện để tiếp tục duy trì công việc và khôi phục hoạt động khi trường học mở cửa lại.
Ngọc Minh Tâm