Trẻ mắc tay chân miệng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: Phạm An
Điều trị hỗ trợ trong khi đợi thuốc
Theo thống kê giám sát dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), số ca mắc tay chân miệng đang gia tăng. Nếu đầu tháng Năm, thành phố có dưới 100 người mắc bệnh, thì đến đầu tháng Sáu, số ca bệnh đã cao gấp 2 lần với hơn 250 ca bệnh. Số ca mắc tăng, kéo theo số trẻ nặng, nhập viện cũng tăng và đã có trẻ tử vong.
Thông tin từ các bệnh viện (BV) nhi tại TPHCM cho thấy, trẻ mắc tay chân miệng điều trị nội trú và ngoại trú tăng trong 2 tuần trở lại đây. Trung bình có từ 25-30 trẻ mắc tay chân miệng nặng nhập viện điều trị, có trẻ mắc độ 3, 4 phải điều trị tích cực. Trong khi các tháng trước, BV không có hoặc chỉ có vài bệnh nhi điều trị nội trú. Đáng chú ý, qua kết quả PCR xác định 6 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc tay chân miệng nặng có sự hiện diện của Enterovirus 71. Đây là vi rút thuộc nhóm có độc lực cao, tốc độ lây lan nhanh, gây diễn tiến nặng, nhiều biến chứng nguy hiểm.
Lãnh đạo BV Nhi Đồng 1 cho biết chỉ trong 5 tháng đầu năm, BV đã tiếp nhận hơn 1.300 lượt bệnh nhi điều trị ngoại trú, 158 trẻ điều trị nội trú vì mắc tay chân miệng. Trong đó có đến 5 trẻ chuyển biến nặng và 1 bệnh nhi (5 tuổi) tử vong. “Điều đáng lo ngại là thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch - loại thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng - đã hết, BV chỉ sử dụng thuốc dạng uống và một số loại thuốc truyền khác để thay thế. Tuy nhiên, các thuốc này chỉ điều trị hỗ trợ nhằm kiểm soát các cơn co giật, run tay chân... ở trẻ. Dự kiến, bệnh tay chân miệng còn tăng trong thời gian tới, nếu tình trạng thiếu thuốc kéo dài sẽ rất khó khăn”, bác sĩ này cho biết.
Hiện tại, BV Nhi Đồng 2 đang điều trị nội trú cho 30 trẻ mắc tay chân miệng. Trong đó có 6 bé mắc tay chân miệng độ 2b, đang trong tình trạng nặng. BV chỉ còn Phenobarbital dạng uống. Vì vậy, các bác sĩ đang điều trị hỗ trợ, song song với các biện pháp hạ sốt tích cực, theo dõi sát bệnh để kịp thời phát hiện, xử lý khi trẻ chuyển nặng.
Đang chăm sóc, điều trị cho khoảng 30 bệnh nhi mắc tay chân miệng, các bác sĩ tại BV Nhi đồng Thành phố cũng cho hay đã hết thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch cho trẻ. Hiện tại, BV đang sử dụng nguồn thuốc dự trữ khác, có tác dụng tương đương thuốc đặc trị trên trong lúc chờ đợi. Tuy nhiên, số lượng thuốc dự trữ này cũng đang dần cạn kiệt. Thiếu Phenobarbital cũng gây ra một số khó khăn bởi đây là thuốc đặc trị tay chân miệng ở cấp độ bệnh vừa diễn tiến nặng.
Loay hoay lên kế hoạch nhập thuốc
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc BV Nhi đồng Thành phố - 1 loại thuốc khác là Gamma Globulin truyền tĩnh mạch (IVIg) cũng rất quan trọng trong điều trị tay chân miệng nặng độ 3, 4 (hay bệnh nhi mắc độ 2 nặng). Thuốc có tác dụng điều trị miễn dịch, kháng viêm, giúp bệnh nhi chống lại cơn bão Cytokine…
Như mới đây, các bác sĩ tại BV đã kịp thời cứu sống 4 bệnh nhi (từ 17 tháng tuổi đến 3 tuổi) mắc tay chân miệng nặng, mức độ 3, 4 do BV tuyến tỉnh chuyển đến. Các bé đều đến BV trễ, sau 3-4 ngày mắc bệnh, sốt cao, co giật, lạnh tay chân, lơ mơ… thậm chí có bé tăng men tim, men gan. Tất cả 4 bé phải đặt nội khí quản.
May mắn, BV đang có sẵn thuốc IVIg và một số thuốc dự trữ khác để điều trị hỗ trợ tay chân miệng cho các bé. Sau truyền thuốc 2, 3 ngày, sinh hiệu của các bé đã ổn định, sức khỏe đang dần cải thiện. Tuy nhiên, đến nay BV chỉ còn khoảng 200 lọ thuốc IVIg truyền tĩnh mạch. Trong khi đó, với 1 bệnh nhi dưới 3 tuổi, nặng tầm 10kg có chỉ định sử dụng IVIg thì cần khoảng 8 lọ mới có thể kiểm soát bệnh. Với số lượng thuốc IVIg trên, chỉ đủ dùng cho khoảng 25 trẻ mắc tay chân miệng nặng.
Một trong các nguyên nhân do công tác đấu thầu, tiếp nhận thuốc vẫn đang triển khai, chưa xong. Việc mua thuốc dự trữ cũng rất khó khăn, mặc dù các công ty dược đã có thuốc, sẵn sàng cung cấp nhưng BV phải căn cứ vào tình hình điều trị thực tế mới có thể đặt hàng. “Ví dụ thuốc mắc tiền như IVIg, mỗi lọ từ 3-4 triệu đồng, nếu không tính toán kỹ số lượng dự trù phù hợp với ca bệnh, BV dễ rơi vào tình huống không đủ thuốc điều trị hoặc không sử dụng hết thuốc. Khi thuốc quá hạn sử dụng phải hủy bỏ thì BV sẽ phải giải trình, thậm chí chịu trách nhiệm liên quan đến pháp lý. Điều này vô tình tạo áp lực, gây căng thẳng cho các BV mỗi lần đấu thầu thuốc. Thông thường, để giảm thiểu rủi ro, hầu hết BV sẽ điều phối qua lại hỗ trợ nhau nhằm tránh lãng phí chỗ dư, chỗ thiếu”, bác sĩ Tiến nói.
Trước tình trạng trên, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục Quản lý dược đề nghị hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị bệnh tay chân miệng. Nhất là 2 loại thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, nhóm thuốc Gamma Globulin truyền tĩnh mạch. Sở cũng cho biết: “Trong tình hình không có thuốc như hiện nay, các BV có thể sử dụng thuốc khác hiện có trên thị trường như Diazepam, Midazolam… để thay thế cho Phenobarbital theo các phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng trong thời gian chờ đợi các doanh nghiệp dược Việt Nam tìm nguồn cung ứng”.
Tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng
Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức vừa ký văn bản khẩn yêu cầu các sở ngành, quận huyện và TP Thủ Đức tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng. UBND TPHCM giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh như điểm trông giữ trẻ, trường mầm non, trường tiểu học, khu dân cư, khu nhà trọ có nhiều trẻ em.
Trước tình hình bệnh tay chân miệng tăng nhanh, HCDC đã tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng cho các trung tâm y tế, trạm y tế. Theo đó, các đơn vị được tập huấn điều tra, xử lý ca bệnh và ổ dịch tay chân miệng tại cộng đồng. Đồng thời, hướng dẫn các trạm y tế, trung tâm y tế phát hiện sớm và tư vấn chăm sóc trẻ bệnh tay chân miệng tại nhà, cũng như các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh này.
Vừa qua, Friso, nhãn hàng sữa dinh dưỡng thuộc Công ty FrieslandCampina, chính thức ký kết hợp tác chiến lược với nhiều chuỗi cửa hàng Mẹ và Bé lớn trên toàn quốc.