Trường có vị thế vẫn khó tuyển sinh
Nhận định về đào tạo nhân lực trong lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hải - Phó giám đốc Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội - cho hay: “Bối cảnh thế giới luôn thay đổi, đòi hỏi con người phải giải quyết các bài toán mang tính liên ngành cao. Xu hướng khoa học và công nghệ đã chuyển từ chuyên ngành sang liên ngành và hiện nay là xuyên ngành. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực STEM là xu thế tất yếu”.
Như giai đoạn 2019-2022, máy tính và công nghệ thông tin là ngành có mức tăng trưởng mạnh nhất (khoảng 17%/năm). Các nhà tuyển dụng thống kê chỉ riêng ngành này, nhu cầu nhân lực hiện nay đã là 500.000 người. Tuy nhiên nước ta hiện chỉ mới có gần 400.000 kỹ sư công nghệ thông tin và chỉ khoảng 30% trong đó đáp ứng được yêu cầu thực tế của công việc. Xu hướng công nghệ trên thế giới đang hướng đến những giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu. Do đó, mở ra rất nhiều cơ hội cho lao động liên quan đến công nghệ thông tin.
|
Học sinh tham gia cuộc thi bắn tên lửa nước “Bay vào vũ trụ” tại ngày hội STEM quốc gia 2023 - Ảnh: M.T. |
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, quy mô đào tạo bậc ĐH năm học 2022-2023 trên toàn quốc là 1.777.106 sinh viên. Trong đó có 103.707 sinh viên khối các ngành kỹ thuật và 150.300 sinh viên các ngành công nghệ kỹ thuật. Cả 2 khối ngành này chỉ chiếm 14,29% tổng quy mô đào tạo ĐH. Các ngành máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kiến trúc và xây dựng thì tăng trung bình 10% sinh viên tuyển mới hằng năm nhưng các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học sự sống, toán và thống kê, kỹ thuật, sản xuất và chế biến lại “âm”. Năm 2022, khối ngành khoa học tự nhiên chỉ tuyển được 59%, khối ngành khoa học sự sống cũng chỉ tuyển được 58% và cũng là 2 trong 4 khối ngành có tỉ lệ đầu vào ĐH thấp nhất trong 3 năm liên tiếp.
Tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), những năm gần đây, tuyển sinh khối ngành khoa học tự nhiên và khoa học sự sống có điểm trúng tuyển theo phương pháp xét điểm tốt nghiệp THPT ở mức thấp nhất. Dù vậy, số thí sinh đăng ký nguyện vọng vẫn ít và số nhập học thực tế còn ít hơn. Thống kê của trường cho thấy, có những ngành số thí sinh nhập học chỉ được khoảng 20% chỉ tiêu.
Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng tương tự, ở nhóm ngành khoa học tự nhiên, khoa học sự sống, hầu hết chỉ tuyển được khoảng 50% dù điểm chuẩn các ngành này chỉ 17 điểm. Với nhiều trường khác, thậm chí điểm chuẩn khối ngành khoa học cơ bản, khoa học sự sống chỉ 15-16 điểm. ĐH Bách khoa Hà Nội thống kê, chỉ tính riêng thí sinh đăng ký ngành khoa học, mỗi năm đã giảm 3%.
Cải thiện môn toán, tiếng Anh
Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội; đồng thời cũng là 1 trong 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới trong 5 năm liên tiếp - cho rằng: thời gian qua chúng ta nói nhiều đến giáo dục STEM nhưng phần lớn dư luận xã hội hiểu STEM như môn học tích hợp các môn khoa học và toán ở bậc phổ thông; ở bậc ĐH, giáo dục STEM cũng chưa được chú trọng. Giáo dục phổ thông còn vướng 1 điểm nghẽn.
Theo phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 mà Bộ GD-ĐT công bố, với môn toán, số thí sinh có điểm dưới trung bình là nhiều nhất trong các môn chuyên môn (21,636% số bài thi); mà đây lại là môn cốt lõi trong giáo dục STEM. Dù môn tiếng Anh đã chuyển biến rất tích cực, đặc biệt ở những thành phố lớn, nhưng điểm thi tốt nghiệp môn tiếng Anh vẫn có đến 44,8% dưới trung bình.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức nhận định, với năng lực ngoại ngữ và các môn STEM như vậy, cộng với đầu vào ĐH có phần dễ dàng như hiện nay, chúng ta sẽ rất khó để vươn lên những đỉnh cao của khoa học kỹ thuật và nắm bắt những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để không bị tụt hậu so với sự phát triển của thế giới và nắm bắt những cơ hội để đột phá trong cách mạng công nghiệp 4.0, cần đẩy mạnh hơn nữa giáo dục STEM và tiếng Anh ở cả bậc THPT và ĐH.
Ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, cần tăng cường hơn nữa giáo dục định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh phổ thông về các lĩnh vực STEM; có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút học sinh theo học các ngành đào tạo thuộc các lĩnh vực này. Đồng thời, cần có các giải pháp đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học với các trường ĐH, các cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới và với doanh nghiệp. Đặc biệt, cần xây dựng đội ngũ giảng viên có năng lực quản lý, chuyên môn; thường xuyên cập nhật, bổ sung học liệu các môn học STEM…
STEM - viết tắt của cụm từ khoa học (science), công nghệ (technology), kỹ thuật (engineering) và toán học (math) - lần đầu tiên được Hiệp hội các Trường ĐH, cao đẳng ở Mỹ đưa ra vào năm 2001. Ở nước ta, theo Danh mục giáo dục, đào tạo của Hệ thống giáo dục quốc dân, khối ngành STEM gồm 8 lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học sự sống, toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng. Từ năm 2017, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy giáo dục các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học để đáp ứng nhu cầu nhân lực của cuộc cách mạng 4.0. Nếu không đáp ứng được, chúng ta chỉ có thể tham gia các công đoạn có giá trị thấp, không giải quyết được các vấn đề tất yếu của thời đại công nghệ. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. |
Xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghệ cao Ông Nguyễn Anh Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT - cho biết, hiện nay, bộ đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng vào cuối năm 2 đề án. Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ công nghệ cao; trong đó đề xuất các chính sách hỗ trợ khuyến khích chung cho phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực STEM và công nghệ cao nói chung, có lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch. Đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0; trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư để chuẩn bị hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau ĐH ở các lĩnh vực công nghệ cao. Trong những năm qua, Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM. Trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), các ngành phục vụ nhân lực cách mạng công nghiệp 4.0 - AI, Big data… Riêng với ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường ĐH lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay, song số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp. Trong khi công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Theo ông Nguyễn Anh Dũng, để đẩy nhanh việc đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chip bán dẫn, cần có cơ chế, chiến lược, khuyến khích phát triển công nghiệp bán dẫn; cơ sở vật chất và các phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại; chương trình đào tạo, học liệu, công nghệ giáo dục (phần mềm mô phỏng, thiết kế…)… Đồng thời cần có giải pháp thu hút sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành này. Cần có sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục ĐH, giữa cơ sở giáo dục ĐH với doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực… Quế Minh |
Uông Ngọc