|
Ông Lê Quang Huy cảnh báo tình trạng thiếu điện hiện hữu trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn |
Nguy cơ thiếu điện hiện hữu
Sáng 12/10, tiếp tục chương trình của phiên họp thứ 27 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đã trình bày Báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.
Ông Lê Quang Huy cho biết, việc cung cấp và nhập khẩu năng lượng cơ bản đáp ứng đủ cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh với chất lượng ngày càng được cải thiện, cơ bản đảm bảo an ninh năng lượng. Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 có mức tăng trưởng trung bình khoảng 8,7%/năm. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của Việt Nam giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 6,8%/năm.
Tuy nhiên, mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia đối mặt với nhiều thách thức. Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia biến động theo chiều hướng bất lợi. Khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030 - 2050) là nguy cơ hiện hữu.
Việc triển khai quy hoạch các phân ngành năng lượng còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là trong việc tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh đối với việc phát triển điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ. Cụ thể như việc phê duyệt bổ sung tổng số 168 dự án điện mặt trời với tổng công suất 14.707 MW, 123 dự án điện gió với tổng công suất 9.047 MW, phê duyệt riêng lẻ 390 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 4.138 MW vào quy hoạch phát triển điện lực các cấp trong giai đoạn 2016 - 2020 đã gây ảnh hưởng đến việc phát điện và truyền tải điện lên hệ thống.
Cần giải pháp cho tình trạng "điện thừa nhưng không thể hòa lưới"
|
Toàn cảnh phiên họp thứ 27 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, sáng 12/10 |
Về thị trường năng lượng, chính sách giá điện, giá than, giá khí, đoàn giám sát đánh giá đạt được nhiều kết quả. Trong đó đã thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường, trở thành một ngành kinh tế năng động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc đầu tư phát triển ngành năng lượng đã huy động được sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp Nhà nước. Hạ tầng năng lượng ngày càng được tăng cường.
Dù vậy, báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ. Tiến độ hình thành thị trường điện triển khai còn chậm so với mục tiêu đề ra.
Chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu phát điện, chưa bảo đảm tính minh bạch. Các tín hiệu thị trường ở khâu phát điện chưa được phản ánh một cách đầy đủ ở giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng. Việc điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp. Cơ cấu biểu giá bán lẻ thực hiện theo Luật Điện lực chưa phù hợp với thực tế tiêu thụ điện của các nhóm khách hàng, chưa có lộ trình cụ thể để áp dụng giá điện 2 thành phần.
Trước thực trạng này, đoàn giám sát đề xuất cần nghiên cứu cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh. Trong đó, tập trung đánh giá toàn diện tình hình triển khai thị trường điện cạnh tranh trong giai đoạn vừa qua.
Ngoài ra, ông Lê Quang Huy nhấn mạnh cần điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế của thông số đầu vào, giá nguyên nhiên liệu, tỷ giá, thị trường điện. “Sớm luật hóa việc điều hành giá bán lẻ điện theo tinh thần “xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”, rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá điện; điều hành giá bán lẻ điện linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường”, ông nói.
Đóng góp ý kiến vào báo cáo giám sát, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, báo cáo dù đầy đủ nội dung nhưng thiếu các giải pháp cụ thể để giải quyết các vấn đề còn tồn tại hiện nay.
Ông nhấn mạnh, báo cáo phải thực trạng thực hiện quy hoạch điện VII thực hiện vướng mắc quy hoạch và truyền tải điện ra sao? Vừa qua, có tình trạng điện thừa mà không hòa được vào lưới điện quốc gia khiến các doanh nghiệp rất bất bình và không tin vào chính sách của Nhà nước.
“Doanh nghiệp và người dân nói rất nhiều, có lợi ích nhóm hay không? Đoàn giám sát phải làm rõ và phát hiện, cần chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể, có đề xuất tháo gỡ như thế nào”, Phó chủ tịch nói.
Bên cạnh đó, báo cáo chỉ ra tình trạng thiếu điện từ ngắn tới dài hạn, vì vậy phải có giải pháp ở từng giai đoạn như thế nào. Trong đó, Phó chủ tịch Trần Quang Phương lưu ý tới giải pháp trọng tâm quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân ngành để không còn tình trạng công suất và truyền tải đá nhau, gây lãng phí nguồn lực.
Minh Quang