Nguy cơ tan vỡ gia đình vì... 'tắc cống'

08/12/2018 - 06:00

PNO - Không thể “xả van” là tình huống tế nhị mà nhiều quý ông gặp phải.

Thoạt nghe có vẻ buồn cười nhưng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, tình trạng này sẽ dẫn đến biến chứng vô cùng nguy hiểm, đó là chưa kể hệ lụy gây ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi.

Bể bàng quang vì sỏi niệu làm “kẹt van”

Bác sĩ Võ Duy Tâm - Trung tâm Sức khỏe nam giới Men’s Health - cho biết, gần 7% nam giới phải đối diện với triệu chứng bí tiểu. Bí tiểu xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới gấp mười lần. Khá nhiều quý ông trong độ tuổi sung mãn nhất cũng bị “dính”.

Đó là những trường hợp nhậu vào đầy bụng bia nhưng không “xả van” được hoặc xả được thì tậm tịt. Đa số các bệnh nhân đều ngại ngùng che giấu bởi đây là vấn đề tế nhị, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe, chất lượng sống và hạnh phúc vợ chồng.

Nguy co tan vo gia dinh  vi... 'tac cong'
Bí tiểu ở nam giới cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm

Vừa qua, bác sĩ Tâm tiếp nhận một trường hợp khá bi hài. Một tháng trở lại đây anh T.Q.B. (36 tuổi, ngụ tại Q.8, TP.HCM) thấy thỉnh thoảng dòng nước tiểu của mình bị ngưng giữa chừng nhưng vẫn còn mót tiểu. Sau đó, anh tiểu trở lại bình thường.

Cách đây một tuần, bệnh nhân lại bị ngắt dòng tiểu đột ngột kèm đau buốt dọc trong dương vật, bụng ngày càng căng tức, dù... cố cũng chỉ rỉ một ít nước tiểu. Sau đó, anh B. đi vệ sinh và trượt té, đập bụng vào thành bồn cầu. Anh phải đi cấp cứu vì bụng bớt căng tức nhưng lại đau dữ dội.

Sau thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ xác định bệnh nhân bị vỡ bàng quang, tràn nước tiểu vào trong ổ bụng do viên sỏi kẹt “hố thuyền” (vị trí gần lỗ tiểu ngoài, trên đường tiểu trong dương vật). Chính viên sỏi kẹt làm nước tiểu ứ khiến bọng đái bệnh nhân căng to dễ vỡ. Anh B. đã được mổ cấp cứu vá lỗ thủng, dẫn lưu nước tiểu.

Tiền liệt tuyến phì đại chèn ép bàng quang

Theo bác sĩ chuyên khoa Nam học Vũ Đức Công, bên cạnh sỏi niệu, bệnh lý phì đại tiền liệt tuyến là một trong những nhóm nguyên nhân chính gây bí tiểu ở nam giới từ độ tuổi trung niên. Điển hình là trường hợp anh T.B.D. (45 tuổi, ngụ tại Q.10, TP.HCM) đi khám vì gần 12 tiếng không tiểu được, bụng dưới căng to, đau tức. Sau khi thăm khám, bác sĩ ghi nhận anh D. có tiền liệt tuyến to, chèn ngõ ra của bọng đái.

Nguy co tan vo gia dinh  vi... 'tac cong'
Nhiều bệnh nhân nam tìm đến Bệnh viện Bình Dân TP.HCM để khám bệnh khó nói. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Được biết anh D. bắt đầu tiểu khó từ hơn một năm nay, triệu chứng ngày càng trầm trọng, đi tiểu phải rặn, tia nước tiểu yếu, cảm giác đi không hết nước tiểu. Đặc biệt, mỗi đêm anh đi tiểu không dưới hai lần. Chính vì điều này, anh D. chẳng thiết tha gần vợ. Vợ anh D. thấy chồng lảng tránh chuyện chăn gối đâm ra nghi ngờ ghen tuông, đẩy hôn nhân suýt tới bờ vực thẳm. 

Đối với ca này, bác sĩ lập tức cho đặt thông dẫn lưu nước tiểu từ bọng đái để giải quyết tình trạng bí tiểu cấp. Sau đó, bệnh nhân được chỉ định dùng các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, phối hợp thuốc giảm kích thước bướu và ức chế mở rộng đường tiểu một cách hợp lý để kiểm soát triệu chứng bí tiểu. Đến nay, dù vẫn đi tiểu từ một - hai lần/mỗi đêm nhưng anh không phải rặn quá nhiều như trước, chất lượng sống và đời sống tình dục được cải thiện đáng kể.

Khơi lại…  'dòng nước'
Bí tiểu là một triệu chứng mà người mắc phải không thể đi tiểu được nên thường không chia theo cấp độ mà chia thành hai dạng là cấp tính và mạn tính. Cấp tính có biểu hiện rầm rộ trong thời gian một ngày, người bệnh đột ngột không đi tiểu được. Cảm giác buồn tiểu, bứt rứt, đau tức ngày một tăng buộc họ phải đến bệnh viện ngay lập tức. Mạn tính thường ít có biểu hiện khó chịu hơn, diễn tiến dần theo thời gian. 

Hiện nay, có ba phương pháp để điều trị tình trạng bí tiểu:

- Thông tiểu: cấp cứu nhằm giảm lượng nước tiểu trong bàng quang nhanh chóng, giảm áp lực lên thành bàng quang.

- Thuốc: điều trị bí tiểu do phì đại tuyến tiền liệt, có tác dụng giãn cơ cổ bàng quang, làm giảm kích thước tiền liệt tuyến… Việc kết hợp các loại thuốc trên giúp tăng hiệu quả điều trị. 

- Ngoại khoa: chỉ định khi bí tiểu do nguyên nhân tắc nghẽn (sỏi bàng quang, hẹp niệu đạo, khối u vùng chậu) hay phì đại tiền liệt tuyến không đáp ứng với thuốc.

Nếu bị bí tiểu mà xấu hổ không chịu đi khám thì có thể dẫn tới nhiễm trùng bàng quang, nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng tính mạng người bệnh. Các biến chứng khác hay gặp phải là suy thận, mất kiểm soát cơ bàng quang.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI