Sởi vào chu kỳ, ho gà quay trở lại
Thấy con xuất hiện những cơn ho nhẹ sau đó tần suất nhiều hơn và kèm theo hắt hơi, sổ mũi..., chị N.P.T. (tỉnh Hà Nam) chỉ nghĩ con bị ảnh hưởng bởi thời tiết thay đổi. Tuy nhiên, sau đó trẻ sốt, cơn ho kéo dài, đỏ mặt, có tiếng thở rít. Đưa con đi khám, chị T. bất ngờ khi con được phát hiện mắc ho gà, trong khi trẻ chưa đến tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh này.
|
Bệnh nhi mắc ho gà đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương |
Đây là 1 trong số gần 10 bệnh nhi mắc ho gà đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương). Từ đầu năm tới nay, bệnh viện đã tiếp nhận 40 bệnh nhân mắc căn bệnh này. Bệnh nhi chủ yếu là trẻ dưới 3 tháng tuổi, ở lứa tuổi chưa tiêm phòng hoặc vừa tiêm mà chưa tạo được miễn dịch. Trong số này, chỉ có 5% biến chứng nặng phải điều trị hồi sức tích cực, còn lại đa số nhập viện với các triệu chứng cơn ho kéo dài, tím tái, thở rít, biến chứng điển hình là viêm phổi.
Bộ Y tế cho biết, trong gần 3 tháng đầu năm, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia đã ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại khi thời gian qua, số lượng bệnh nhân ho gà ở mức thấp. Điển hình, Hà Nội không có bệnh nhân mắc ho gà trong năm 2021 và chỉ ghi nhận 1 ca vào năm 2022. Song chỉ trong gần 3 tháng đầu năm, địa phương này đã có tới 17 ca ho gà.
Cùng với ho gà, sởi cũng đang có nguy cơ bùng phát thành dịch. Từ đầu năm tới nay, tại 13 tỉnh, thành phố đã ghi nhận có 42 ca sởi. Điều đáng lo ngại, số ca bệnh sởi đang gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới lo ngại với số lượng trẻ tiêm chưa đúng lịch, chưa đủ mũi vắc xin ở Việt Nam, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn. Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) - cho hay, dịch sởi mang tính chu kỳ, 4-5 năm sẽ bùng phát 1 lần. Nước ta đã ghi nhận 2 đợt dịch sởi trên quy mô lớn vào năm 2014 và 2019. Năm nay rơi đúng vào chu kỳ 5 năm của bệnh nên nguy cơ dịch xảy ra rất lớn nếu không có biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.
Bịt “lỗ hổng” miễn dịch
Lý giải nguyên nhân gia tăng sởi và ho gà, ông Trần Đắc Phu cho hay, do ảnh hưởng của COVID-19 nên một số trẻ không được tiêm chủng đầy đủ. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vắc xin “5 trong 1” (ho gà - bạch hầu - uốn ván - bại liệt - Hib) và vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng không đạt được tỉ lệ như mong muốn, điều này đã tạo ra lỗ hổng miễn dịch khiến bệnh lây lan.
Ông đặc biệt lo ngại với bệnh sởi bởi đây là bệnh lây lan rất nhanh, người không có miễn dịch khi tiếp xúc với bệnh nhân sởi gần như đều nhiễm bệnh. Dịch sởi năm 2014 là bài học cảnh báo cho sự nguy hiểm, tốc độ lây lan của bệnh sởi khi có hàng chục ngàn ca mắc, nghi mắc và hơn 100 trường hợp tử vong. Do đó, ông nhấn mạnh người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng theo đúng lịch khuyến cáo của Bộ Y tế. Ngành y tế cần có kế hoạch tiêm vét, tiêm bù và chú ý đến vùng lõm tiêm chủng. Đối với bệnh sởi, Việt Nam đã từng tổ chức chiến dịch tiêm vét sởi - rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi, Bộ Y tế cần dựa vào số lượng tiêm chủng, vắc xin... để tính toán hợp lý.
Về việc nhiều bệnh nhân ho gà chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc bệnh, ông Trần Đắc Phu lý giải, trẻ em trước độ tuổi tiêm phòng thường có miễn dịch phòng bệnh ho gà từ mẹ. Tuy nhiên, do miễn dịch cộng đồng giảm, người mẹ cũng không được tiêm đủ mũi nên làm giảm khả năng chống chọi bệnh tật của trẻ.
Đồng quan điểm trên, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) - cho hay, với những ca ho gà ghi nhận tại đơn vị này, phần lớn bà mẹ chưa có kháng thể bảo vệ. Nếu tiêm đủ thì cả mẹ cũng có kháng thể, sẽ bảo vệ con khi con chưa đến tuổi tiêm phòng. Trẻ cần tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo 3 mũi đầu tiên, sau đó nhắc lại vào 3 giai đoạn là 16-18 tháng, 4-5 tuổi và khi vị thành niên.
Trước nguy cơ bệnh dịch bùng phát, mới đây, Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường phòng, chống sởi và ho gà. Hiện khu vực miền Bắc có thời tiết gió lạnh, mưa ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển, lây lan và làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm. Bộ Y tế đề nghị tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca mắc sởi, ho gà. Các cơ sở thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng, chống lây nhiễm chéo trong cơ sở khám, chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng đề nghị thúc đẩy tiêm chủng thường xuyên cho trẻ thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm, chưa tiêm đủ mũi. Khuyến cáo thai phụ tiêm ngừa đầy đủ để tạo “lá chắn” miễn dịch cho trẻ em, cộng đồng.
Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm tăng Bên cạnh ho gà, sởi, nhiều bệnh truyền nhiễm khác đang có chiều hướng gia tăng. Trong gần 3 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận hơn 6.100 ca mắc chân tay miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ. Tại Hà Nội, con số này là 163 ca, tăng so với cùng kỳ (146 ca). Trước đó, Hà Nội cũng đã ghi nhận nhiều ổ dịch chân tay miệng tại các trường học. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho hay, chỉ trong gần 3 tháng đầu năm đã ghi nhận hơn 500 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 5 ổ dịch. Dù vậy, ông Trần Đắc Phu cho rằng, điều này không bất thường vì thời tiết vào mùa xuân có nhiệt độ cao hơn, lúc nóng lúc lạnh nên tạo điều kiện cho lăng quăng sinh sôi. Bên cạnh đó, người dân gia tăng đi lại giữa miền Bắc và miền Nam cũng mang theo nguồn bệnh di chuyển, làm tăng ca mắc. Dù số ca thủy đậu bằng 50% so với cùng kỳ song nhiều bệnh viện cũng cảnh báo số ca mắc đang tăng trong cuối tháng Ba và đây là thời điểm bệnh vào mùa, ghi nhận một số ca biến chứng nặng. |
Huyền Anh