Cấp bách hành động để cứu Đà Lạt

Nguy cơ sạt lở vẫn hiển hiện ở thành phố ngàn thông

19/07/2023 - 05:50

PNO - Nằm ở độ cao 1.500m, địa hình nhiều đồi dốc nhưng hễ mưa là đường phố Đà Lạt lại chìm trong biển nước. Sạt lở xảy ra thường xuyên. Rừng thông giữ nước, thung, hồ chứa nước bị nhà cửa, phố xá lấn ép, bức hại. Nếu không cấp bách rà soát, định hướng, quy hoạch và kiểm soát việc xây dựng, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) sẽ không còn là thành phố ngàn thông, thành phố mộng mơ nữa…

Sau vụ sạt lở ở hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, phường 10 khiến 2 người tử vong xảy ra rạng sáng 29/6, người dân ở TP Đà Lạt tiếp tục sống trong bất an. Người dân lo lắng bởi nguy cơ sạt lở vẫn còn đó khi ngày càng có nhiều nhà cao tầng, biệt thự, quán cà phê “săn mây” được xây dựng cheo leo giữa lưng chừng đồi, núi.

Biệt thự phủ kín triền đồi 

Biệt thự ven đồi, dốc và nhà kính phủ kín khu ngoại ô TP Đà Lạt ẢNH: TÚ LINH
Biệt thự ven đồi, dốc và nhà kính phủ kín khu ngoại ô TP Đà Lạt - Ảnh: Tú Linh

Trở lại con đường Hoàng Hoa Thám, chúng tôi muốn đi vào các con hẻm nhỏ để tận mắt thấy sự nguy hiểm khi xây những căn nhà, ngôi biệt thự trên những triền đồi nguy hiểm thế nào. Thấy người lạ đến, một phụ nữ cảnh báo: “Đi cẩn thận nghe con, dốc cao lắm đó”. 

Đúng như lời bà nói, những con dốc nhỏ nối đỉnh đồi xuống tận thung lũng rất khó đi, người không quen như chúng tôi cảm thấy chóng mặt. Tuy độ dốc rất lớn, nhưng ở đây lại tọa lạc nhiều căn biệt thự, khách sạn, quán cà phê “săn mây”. 

Đối diện hiện trường vụ sạt lở hướng về đường Khe Sanh, chủ một căn nhà gần chục tầng tự tin khẳng định: “Nhìn vậy thôi chứ bố mẹ em làm móng nhà này chắc lắm, bên dưới nền có rất nhiều đá, lúc làm móng phải đục đá đi, rất khó khăn”. Đứng trên sân thượng nhà này nhìn xuống, chúng tôi cảm thấy ngợp, bất an bởi độ dốc không khác gì bờ taluy (kè dốc) mới bị sạt lở.

Chúng tôi tiếp tục di chuyển đến đường Đặng Thái Thân, phường 3. 2 bên đường này cũng là đồi, có độ dốc cao, có nguy cơ sạt lở nếu mưa to. Thực tế, sau cơn mưa ngày 28/6 gây ra vụ sạt lở nghiêm trọng ở đường Hoàng Hoa Thám, đã có 6 địa điểm ở đường Đặng Thái Thân bị sạt lở. Trong đó, 1 căn nhà đã bị sập nhưng hàng xóm và lực lượng chức năng đã kịp thời đưa được 3 người trong nhà ra ngoài an toàn. Ngoài ra, nước mưa còn gây sạt lở taluy, uy hiếp 3 căn nhà ở dưới thấp, trong đó 1 căn đã bị sập một phần.

Theo ghi nhận của chúng tôi, 2 bên đường Đống Đa, An Bình (phường 3), đường Khe Sanh, Yên Thế (phường 10) và khu An Sơn, khu Đa Minh (phường 4) cũng có rất nhiều bờ taluy cao và giữa lưng chừng đồi là những căn nhà cao tầng.

Ông Lê Hữu Phước - sống ở TP Đà Lạt 60 năm - nói: “Trước đây, Đà Lạt làm gì có ngập lụt hay sạt lở như bây giờ. Thời trước, khi dân cư còn thưa thớt, nhà được xây dựng rất giản dị trên những nền đất bằng phẳng, cứng, ở nơi có độ dốc thấp. Vài năm trở lại đây, Đà Lạt cứ thường xuyên ngập lụt, sạt lở đất khiến dân tình rất lo lắng”.

Theo ông Phước, các vụ sạt lở xuất hiện nhiều, với mức độ ngày càng nặng diễn ra từ khoảng năm 2020-2021 trở lại đây. Cụ thể, tháng 11/2021, một vụ sạt lở trên đường Khe Sanh đã gây ảnh hưởng đến nhiều khách sạn; ngành chức năng xác định là do hệ thống thoát nước không đảm bảo, gây sạt trượt. Đến vụ sạt lở mới đây ở đường Hoàng Hoa Thám thì thiệt hại càng nghiêm trọng hơn, làm 2 người chết, nhiều người bị thương, phá hủy hầu như toàn bộ 4 căn nhà. 

Ông cho rằng, việc cấp phép xây dựng tràn lan ở cả đồi, dốc, bờ vực hiện khiến nhà cửa tựa như những khối bê tông lơ lửng trên cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiểm họa.

Hễ mưa là ngập nặng 

 Trung tâm TP Đà Lạt bị ngập nặng sau một trận mưa to. Những năm gần đây, tình trạng Đà Lạt bị ngập diễn ra khá thường xuyên - ẢNH: TÚ LINH
Trung tâm TP Đà Lạt bị ngập nặng sau một trận mưa to. Những năm gần đây, tình trạng Đà Lạt bị ngập diễn ra khá thường xuyên - Ảnh: Tú Linh

Khoảng 2 năm trở lại đây, người dân ở thành phố cao nguyên Đà Lạt chịu tình trạng ngập lụt ngày càng nặng vào mùa mưa. 

Mới đây nhất, chiều 12/7, nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố đã bị ngập sâu trong biển nước sau trận mưa lớn kéo dài khoảng 1 giờ. Trên các tuyến đường Phan Đình Phùng, Hải Thượng Lãn Ông, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Thị Minh Khai, vòng xoay ngã tư đường Trần Quốc Toản và Bùi Thị Xuân, lượng nước đổ về ồ ạt nhưng không thoát kịp. Có nơi, nước ngập hơn nửa thân ô tô, nhiều xe bị chết máy dọc đường. Nước tràn vào nhà dân dọc các con đường, người dân phải dọn dẹp, kê cao đồ đạc.

Trước đó, sau các trận mưa kéo dài khoảng 1 giờ, các tuyến đường trên cũng đều bị ngập, nặng nhất là đoạn cuối đường Phan Đình Phùng, mực nước cao hơn nửa mét, tràn vào nhà dân. Đây là con đường đông đúc quán xá, tiệm kinh doanh nên thiệt hại tài sản, doanh thu trong mùa mưa rất lớn. Cứ sau mỗi trận mưa, các hộ dân 2 bên đường lại phải hò nhau di chuyển đồ đạc, dùng xô tát nước ra khỏi nhà. 

Đường Trần Quốc Toản đoạn qua Đồi Cù, qua cổng khu du lịch Vườn hoa TP Đà Lạt cũng ngập mênh mông dù ở đó có hồ Xuân Hương để thoát nước. Đáng nói là, mỗi khi mưa to, nước ở hồ Xuân Hương còn dâng tràn lên đường. 

Theo người dân, hiện tượng ngập lụt ở khu vực trung tâm thành phố chỉ xảy ra khoảng 2 năm trở lại đây. Trước đó, dù mưa to và kéo dài cả ngày, đường phố cũng không ngập nặng như bây giờ.

Trước mỗi mùa mưa bão, UBND tỉnh Lâm Đồng đều yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai công tác phòng, chống thiên tai, tổ chức tổng kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt trượt, ngập lụt, lũ quét. Chính quyền các phường, xã cũng tổ chức nạo vét, khơi thông cống, rãnh, kênh mương, suối và các công trình thoát nước nhưng vẫn không thể ngăn được cảnh ngập nặng và sạt lở. 

Tú Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI