Nguy cơ mất chỗ trong chuỗi cung ứng toàn cầu

20/08/2021 - 07:13

PNO - Ngày càng có thêm nhiều lĩnh vực, ngành hàng bị đứt gãy chuỗi sản xuất, không đáp ứng nhu cầu đơn hàng từ các đối tác nhập khẩu. Nếu tình hình này không được cải thiện, Việt Nam có nguy cơ mất chỗ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đơn hàng đang rời Việt Nam

Dệt may đang là lĩnh vực nằm trong nhóm bị gián đoạn sản xuất nhiều nhất. Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM - cho biết các quy định kiểm soát việc đi lại khiến doanh nghiệp (DN) rất khó khăn trong sản xuất, đặc biệt là với các phòng, ban đặc thù. Chẳng hạn, DN dệt may phải tự phát triển mẫu đưa cho khách hàng. Bộ phận này có số lượng nhân sự không lớn nhưng việc họ không được đi làm khiến cho hoạt động sản xuất trì trệ. Bộ phận tìm kiếm nguồn hàng, đánh giá và lựa chọn các nhà cung cấp cũng không được đi làm nên không thể thông tin kịp thời đến khách hàng. Khâu vận chuyển hàng hóa từ nhà máy này đến nhà máy kia để hoàn thành sản phẩm cũng không được vì bị cho là “hàng không thiết yếu”. 

Nhiều DN đang thiếu hụt nguyên liệu do các nhà cung cấp hết hàng, chưa thể nhập khẩu hoặc không thể vận chuyển về TPHCM được. Tình trạng hàng hóa kẹt tại cảng Cát Lái khiến hàng xuất không được, nhập cũng không xong. “Số công nhân ở lĩnh vực may mặc được tiêm vắc-xin chưa đến 1% nên nhiều công nhân đã chọn giải pháp về quê tránh dịch khiến các nhà máy thiếu lao động. Trong khi đó, các DN dệt may đã nhận đơn hàng đến quý I/2022” - ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ. 

Công nhân Công ty cổ phần Xây dựng kiến trúc AA Tây Ninh trong công đoạn sản xuất ghế sofa ẢNH DO HAWA CUNG CẤP
Công nhân Công ty cổ phần Xây dựng kiến trúc AA Tây Ninh trong công đoạn sản xuất ghế sofa. Ảnh do HAWA cung cấp

Giám đốc một DN dệt may quy mô lớn ở TPHCM, chuyên xuất khẩu sang thị trường Nhật, Mỹ, châu Âu, cho biết, DN đang cực kỳ khó khăn và đã bị các ngân hàng hạ mức tín dụng, các thanh toán quốc tế như LC có bảo đảm từ khách hàng đều bị từ chối cho vay, thậm chí là ngưng giải ngân đối với nhiều khoản vay không có tài sản đảm bảo. Lý do là doanh thu của công ty sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là sụt giảm nguồn thu bằng USD. 

“Những đơn vị đang gia công cho các thương hiệu quần áo, giày nước ngoài đang tiếp tục tạm ngưng hoạt động khiến tiến độ cung ứng cho các thương hiệu ngoại này bị gián đoạn hơn một tháng qua và cả trong tháng tới. Đã có thông tin chính thức rằng thương hiệu ngoại này rời khỏi thị trường Việt Nam để chạy sang các nhà máy của Trung Quốc. Như vậy, khả năng bị văng khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu đã xảy ra” - vị giám đốc này nói. 

Ông Huỳnh Quang Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Hiệp Long, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) - cho hay có 29/100 DN thành viên hiệp hội đã phải đóng cửa. Trong số 71 DN hoạt động theo mô hình “ba tại chỗ”, mới đây, Công ty Gỗ kỹ nghệ V.L. có 248 công nhân mắc COVID-19 (F0), nhiều DN khác cũng có ca F0 mặc dù trước khi thực hiện “ba tại chỗ”, kết quả xét nghiệm đều âm tính. Thực tế này khiến người lao động hoang mang, công nhân lại chưa được tiêm vắc-xin nên bỏ việc về quê khiến DN thiếu hụt lao động trầm trọng. 

Theo ông Huỳnh Quang Thanh, bảy tháng qua, tăng trưởng xuất khẩu gỗ bằng cả năm 2020 với mức tăng so với cùng kỳ năm trước là 53,7%, các nhà xuất khẩu gỗ từ Việt Nam đã thay thế Trung Quốc, trở thành nhà cung ứng nội thất lớn nhất của Mỹ. Nhưng với tình hình hiện tại, ngành gỗ sẽ mất nhiều khách hàng chiến lược do không đáp ứng đủ đơn hàng. “Các đơn hàng đi Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Đông… đều phải thương lượng lại nhiều lần với đối tác. Họ cho biết, nếu tình hình này kéo dài thêm, họ buộc phải tìm đối tác khác” - ông Thanh âu lo. 

Ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) - cho hay cả DN thương mại và sản xuất đồ gỗ phục vụ thị trường nội địa ở TPHCM đều đã ngưng hoạt động, chỉ còn khoảng 40% DN hội viên sản xuất hàng xuất khẩu có nhà máy tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương còn hoạt động nhưng gặp vô vàn khó khăn. Nhiều DN thiệt hại nặng nề về doanh thu, một số đang hoạt động nhờ sử dụng các đòn bẩy tài chính, cầm cố nhà cửa vay ngân hàng để cố gắng duy trì sản xuất nhằm giữ chân đối tác. 

Hoạt động sản xuất ở các doanh nghiệp thành viên Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) - ảnh do HAWA cung cấp
Hoạt động sản xuất ở các doanh nghiệp thành viên Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA) - ảnh do HAWA cung cấp

Ngành gỗ có những sản phẩm đặc thù nên đối tác phải tốn thời gian ít nhất một năm để tìm kiếm nguồn hàng thay thế, nhưng với những mặt hàng phổ biến mà các nước lân cận có thể làm được thì đối tác có thể tìm được nguồn thay thế ngay. Đơn cử, thương hiệu đồ gỗ Ikea (Thụy Điển) có chuỗi cung ứng khắp thế giới, nếu Việt Nam không “lo” được thì họ sẽ dồn đơn hàng sang Trung Quốc vì nơi đây cũng có một nhà máy sản xuất giống hệt Việt Nam. “Hiện đang có tình trạng đối tác yêu cầu DN phải báo cáo công suất, hăm rút đơn hàng liên tục vì thị trường các nước đang mở cửa, nhu cầu tiêu dùng đã khởi sắc, họ phải tranh thủ cơ hội. Nếu họ rút đơn hàng thật, có thể cả dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng sẽ đứt gãy” - ông Nguyễn Chánh Phương thông tin. 

Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí điện TPHCM (HAMEE) - cho biết ngành cơ khí sử dụng ít công nhân hơn những ngành nghề khác nhưng cũng chỉ có khoảng 20-30 DN ngành này tại TPHCM đang gồng mình để sản xuất “ba tại chỗ”, còn lại ngưng sản xuất, ảnh hưởng đến các đối tác. Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cũng bị đứt gãy do việc giao hàng khó khăn. Hiện đã có đối tác đi tìm chuỗi cung ứng khác ngoài Việt Nam. 

Các giải pháp hiện có tính khả thi không cao 

Trong văn bản hướng dẫn DN tổ chức sản xuất an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch, UBND TPHCM nêu bốn phương án để các DN chọn lựa, như “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”, “bốn xanh” hoặc kết hợp các cách trên. Theo ông Nguyễn Chánh Phương, nếu kéo dài “ba tại chỗ” mà không có trợ lực từ Chính phủ thì DN rất khó cầm cự. Còn nếu dừng sản xuất, lao động trở về địa phương thì đến lúc tái hoạt động, lại rất khó tuyển lại được công nhân. Chỉ khi tiêm vắc-xin cho người lao động thì mới mong phục hồi chuỗi cung ứng ngành, tiêm đến đâu thì cho mở cửa sản xuất đến đó. 

Ông nhận định: “Trong các phương án của UBND TPHCM thì phương án “bốn xanh” (“người lao động xanh” được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa “nơi làm việc xanh” và “nơi ở xanh” theo một “cung đường xanh”) dễ thở hơn nhưng chỉ là lý thuyết, chưa có cơ chế thực thi và hướng dẫn cụ thể. Nếu thực hiện, phải có sự nhất quán các địa phương trong tiêu chí “cung đường xanh” vì không ít DN có trụ sở ở TPHCM nhưng nhà máy ở Bình Dương, Đồng Nai. Cấm di chuyển, lưu thông qua các tỉnh như hiện nay thì không thể có “cung đường xanh” được”. 

Ông Huỳnh Quang Thanh cũng cho rằng, biện pháp khả thi nhất là tiêm vắc-xin ít nhất một mũi cho công nhân, đồng thời rất cần cơ quan nhà nước chung tay cùng DN trong việc tổ chức xét nghiệm, sàng lọc dịch bệnh, tách F0 và F1 kịp thời ra khỏi DN để tạo “vùng xanh” cho công nhân yên tâm sản xuất. Ông phản ánh: “Hiện nay, chưa có hướng dẫn cụ thể nào về việc nhà máy phải làm sao khi xuất hiện F0, trong khi cơ sở y tế các địa phương đều quá tải. Các khâu xử lý F0, F1 tại các nhà máy thời gian qua khá rối, có nhà máy phát hiện F0 nhưng sáu ngày sau, cơ quan chức năng mới đến, vài trường hợp F2 thành F0 khiến DN và người lao động bị tác động nặng về tâm lý”. 

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TPHCM - đề xuất thêm muốn thực hiện mục tiêu vừa chống dịch, vừa sản xuất trong thời gian dài, UBND TPHCM cần tạo điều kiện cho DN thuê hoặc sử dụng các mặt bằng do Nhà nước quản lý để xây dựng khu lưu trú cho công nhân. Hiện nay, tâm lý công nhân bất ổn, kể cả những người đã chích một mũi vắc-xin. Chính phủ nên tính đến phương án cho phép DN đưa đón người lao động, tự chịu trách nhiệm về quy trình sản xuất an toàn, thành lập các tổ công tác COVID-19 với đại diện là các DN để can thiệp nhanh khi có ca nhiễm trong nhà máy… 

Không thể bắt doanh nghiệp đóng cửa mãi được

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trung bình mỗi tháng, cả nước có gần 12.000 DN rút khỏi thị trường, trong đó có cả DN quy mô vừa và lớn. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu của bốn ngành dệt may, mỹ nghệ - đồ gỗ, giày da - túi xách, điện tử đạt khoảng 150 tỷ USD/năm, chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nửa đầu năm nay, kim ngạch của bốn ngành này có tốc độ tăng trưởng 15 - 20% nhưng hiện nay, sự đứt gãy chuỗi cung ứng đang xảy ra ở bốn ngành này. Khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đối tác nước ngoài tìm DN khác. Có đối tác đi rồi sẽ trở lại nhưng có đối tác đi luôn. Chính phủ cần phải gấp rút có các kịch bản hành động tiếp theo nếu không tạo được miễn dịch cộng đồng, không thể bắt DN đóng cửa mãi được.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI