Thông thường vào dịp cận Tết, heo được tiêu thụ mạnh đẩy giá tăng theo. Nhưng năm nay, nghịch lý đã diễn ra khi heo hơi rớt giá thê thảm, xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Từ mức 60.000-70.000 đồng, hiện giá mỗi kg heo hơi chỉ còn 22.000-23.000 đồng. Người chăn nuôi heo cả nước lỗ nặng, nguy cơ đóng cửa hàng loạt trang trại và ôm “núi nợ” đang cận kề.
Lỗ hơn 500.000 đồng/con
Ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Tám Do ở Long Thành, Đồng Nai, cho biết hiện đang là thời điểm cực kỳ khó khăn đối với người nuôi heo vì giá tụt dốc thảm hại. Hiện tại trang trại của ông Hậu, giá heo hơi ở mức khoảng 31.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất, vì heo có trọng lượng chuẩn 90-105 kg/con để xuất chuồng với tỷ lệ nạc cao.
“Nhờ chúng tôi tự sản xuất được con giống nên giá thành của mỗi con heo khoảng 36.000 đồng/kg. Nhưng với giá bán hiện nay thì chúng tôi vẫn lỗ khoảng 500.000-600.000 đồng/con heo. Còn với các trại phải mua heo giống thì giá thành nuôi một con heo rất cao, từ 42.000-44.000 đồng/kg, tính ra lỗ lên tới 1-1,2 triệu đồng mỗi con”, ông Hậu nói.
|
Thịt heo đang giảm giá mạnh khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. |
Đáng buồn là dù giá tuột dốc không phanh nhưng vẫn khó tiêu thụ, thương lái mua ít hơn so với mọi năm. Nếu không tiêu thụ hết thì lứa heo đang có trọng lượng chuẩn để xuất chuồng sẽ phải để lại nuôi tiếp, trang trại tốn thêm chi phí thức ăn, chăm sóc. Lỗ sẽ ngày càng nặng hơn.
Đó là chưa kể heo trọng lượng lớn, nhiều mỡ bị thị trường chê. Vừa khó bán, giá lại thấp, lỗ càng chồng chất hơn. Chính vì vậy nhiều trang trại đang cầu cứu các cơ quan chức năng hỗ trợ “giải cứu” đàn heo.
Anh Quang, chủ một trang trại heo ở Đồng Nai, cho hay trại của anh đang nuôi hơn 2.000 con heo. Đã đến thời điểm xuất chuồng nhưng giá heo tuột dốc chỉ còn 30.000 đồng/kg trong khi chi phí đầu tư lên đến 42.000 đồng/kg.
Điều này khiến anh lỗ hơn 1 triệu đồng trên mỗi con. Tính chung nếu bán cả đàn heo tại trang trại vào thời điểm này thì anh lỗ hơn 2 tỷ đồng.
Đáng lo hơn là trang trại của anh Quang còn tồn khoảng 500 con heo quá cỡ với trọng lượng mỗi con trên dưới 140 kg. Với loại heo quá khổ này, thương lái chỉ mua lai rai với giá rẻ bèo bọt 22.000-23.000 đồng/kg, thấp hơn giá một tô phở bình dân 25.000 đồng. Thậm chí giá heo hơi còn thấp hơn cả giá rau củ và đây là nghịch lý chưa từng xảy ra.
Anh Quang thở dài: “Mức giá bèo bọt này khiến những người nuôi heo quá cỡ lỗ hơn 2 triệu đồng/con”.
Anh Quang thừa nhận trước đây khi Trung Quốc tăng cường tiêu thụ heo trọng lượng lớn, chuộng mỡ nhiều kéo theo hàng loạt trang trại trong nước tăng đàn, nuôi heo vượt trọng lượng xuất chuồng.
Thế nhưng khi thương lái Trung Quốc đột ngột ngưng mua, giá loại heo cỡ lớn rớt thê thảm vì thị trường trong nước không ăn heo nhiều mỡ.
Xuất khẩu sang Trung Quốc bế tắc
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho hay tổng đàn heo cả nước hiện đạt gần 30 triệu con. Nếu tính mức lỗ thấp nhất 500.000 đồng mỗi con heo thì người nuôi cả nước lỗ gần 15.000 tỷ đồng. Nếu với mức lỗ 1 triệu đồng/con thì con số lỗ lên tới khoảng 30.000 tỷ đồng. Riêng ở Đồng Nai có khoảng 1,8 triệu con, người nuôi lỗ trên dưới 1.800 tỷ đồng.
Ông Đoán phân tích: “Giá heo hơi tại Đồng Nai được xem là đang thấp nhất cả nước. Nguyên nhân chính là do 40% lượng heo của tỉnh chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Đến khi thị trường này ngưng mua thì 40% lượng heo dư thừa này dội lại thị trường trong nước. Ít ai mua, giá heo cỡ lớn rớt thảm, kéo theo giá heo toàn thị trường giảm”.
Làm rõ thêm nguyên nhân giá heo tuột dốc, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT, nhận xét ngành chăn nuôi cũng như nhiều ngành nông sản khác phát triển kiểu tự phát theo phong trào và hoàn toàn phụ thuộc đầu ra vào thương lái.
Cụ thể, nếu thời điểm này năm 2015, cả nước chưa tới 28 triệu con heo thì cuối năm 2016 tổng đàn heo đã vượt hơn 29 triệu con. Nguồn cung tăng nóng trong khi thị trường ngày càng thu hẹp đã kéo giá heo xuống mức kỷ lục.
Thêm vào đó, theo ông Trọng, phía Trung Quốc đã chỉ đạo các tỉnh giáp biên giới với nước ta giám sát chặt chẽ việc nhập heo qua các đường tiểu ngạch. Từ đó các thương lái xuất heo sang Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch trình Chính phủ để sang làm việc với phía cơ quan chức năng Trung Quốc. Qua đó nhằm thỏa thuận việc hợp tác xuất khẩu heo, tạo đầu ra cho ngành chăn nuôi, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lẫn doanh nghiệp”, ông Đoán cho biết.
Để “giải cứu” gần 30 triệu con heo, Bộ cũng vừa có công văn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc hỗ trợ ổn định phát triển chăn nuôi heo. Bộ đề nghị tăng cường thông tin thị trường cho người chăn nuôi, tạo điều kiện cho các xe chở heo lưu thông thuận tiện, không “ngăn sông cấm chợ”.
Bộ cũng kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thú y,... tiết giảm giá thành, chia sẻ với người chăn nuôi; các địa phương không tăng quy mô đàn heo bằng mọi giá.
Tiêu thụ heo Tết có xu hướng giảm
Nguồn cung heo dịp Tết năm nay vượt cầu bởi người chăn nuôi ồ ạt tăng đàn. Tuy nhiên, thực tế những năm qua cho thấy lượng thịt heo tiêu thụ trong dịp Tết có xu hướng giảm dần theo từng năm. Lý do là các chợ, siêu thị mở cửa lại rất sớm, người tiêu dùng không còn thói quen tích trữ thịt heo nhiều ngày. Ngoài ra lượng công nhân, học sinh, sinh viên ngày tết về quê nhiều nên lượng thịt heo tiêu thụ giảm.
Bên cạnh đó, hiện nay người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn ngoài thịt heo nội. Đơn cử nhiều người thích dùng thịt heo ngoại nhập hay các loại thịt khác như thịt gà, bò, cừu, dê…
Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch
Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam
|