Nguy cơ lây nhiễm từ việc yêu cầu F0 ra phường khai báo

17/12/2021 - 07:38

PNO - Người dân phản ánh khi test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 đã gọi số đường dây nóng của trạm y tế phường nhưng lại được nhân viên y tế yêu cầu đi ra phường khai báo. Điều này khiến nhiều người lo lắng gây mất an toàn trong công tác phòng, chống dịch.

Người nhiễm bệnh sợ lây cho người khác

Chị N.T.L., ngụ xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM, cho biết ngày 24/11, chồng chị cảm thấy mệt mỏi, ho khan, test nhanh COVID-19 cho kết quả dương tính. Chị lo lắng gọi vào số đường dây nóng của trạm y tế thì được nhân viên y tế yêu cầu đưa cả hai con ra đó để test nhanh và nhận gói thuốc hỗ trợ. Tuy nhiên, chị L. đã không lập tức đưa con ra trạm y tế vì lo có thể mình cũng là F0, đi ra ngoài sẽ lây nhiễm bệnh cho người khác. 

Không ít nơi, khi người dân báo mình là F0 thì được hướng dẫn ra trạm y tế phường, xã khai báo (trong ảnh: Người dân đến một trạm y tế ở H.Nhà Bè để khai báo, xét nghiệm và nhận thuốc điều trị COVID-19) - ẢNH: T.L.
Không ít nơi, khi người dân báo mình là F0 thì được hướng dẫn ra trạm y tế phường, xã khai báo (trong ảnh: Người dân đến một trạm y tế ở huyện Nhà Bè để khai báo, xét nghiệm và nhận thuốc điều trị COVID-19) - Ảnh: T.L.

Tới ngày 26/11, chị L. tự test và cũng dương tính. Lúc này, chị quá sốt ruột, lại gọi vào đường dây nóng của trạm y tế xã, thông báo mình cũng đã hai vạch. Thế nhưng vẫn như cũ, cô nhân viên trạm y tế bảo cả nhà chị hãy ra trạm để làm test nhanh rồi lấy thuốc. Dù cảm thấy việc F0 mà phải chở nhau ra trạm y tế có vẻ trái với những gì mình đọc được trên các phương tiện truyền thông về an toàn phòng, chống dịch nhưng chị không còn cách nào khác.

Nếu không ra trạm y tế thì gia đình chị sẽ không được thăm khám và cấp thuốc. Thế là cả nhà chị L. bốn người lớn bé đèo nhau trên xe máy ra trạm y tế. Tại đây, chị cũng chỉ được làm test nhanh như cách chị đã làm ở nhà. Sau đó, vợ chồng chị mỗi người được cấp hai gói thuốc (cả cấp độ A và B cùng một lúc). 

Chị L. và chồng được nhân viên y tế dặn nếu thấy khó thở thì hãy uống gói thuốc B (có thuốc chống đông máu và thuốc kháng viêm). Suốt 14 ngày qua, không có một nhân viên y tế nào gọi điện cập nhật tình hình sức khỏe gia đình chị cũng như tới nhà thăm khám. Ngay cả rác thải từ gia đình chị cũng không ai hướng dẫn phải xử lý thế nào, vẫn bỏ vào bọc ni-lông để ra cửa cho nhân viên vệ sinh thu gom rác như bình thường.

Vào thời điểm ra trạm y tế xã, chị L. thấy rất đông người tụ tập. “Tôi thấy tổ chức như vậy không ổn, trong số những người đang đứng túm tụm đó thì có cả người dương tính và âm tính. Thời gian đầu chúng ta cách ly, phòng chống dịch rất nghiêm ngặt nhưng từ khi bỏ giãn cách thì đã có phần chủ quan hơn”, chị L. nói.

Tương tự, gia đình chị V.T.T.H., ngụ phường Phú Thuận, quận 7, TPHCM, cũng test nhanh cho kết quả dương tính cách đây một tuần. Sau đó, chị H. gọi dịch vụ y tế tư nhân tới nhà test PCR thì 5/10 thành viên gia đình dương tính. Ngay lúc đó, chị H. gọi điện thoại số đường dây nóng của trạm y tế phường thì cũng được yêu cầu tự ra phường khai báo.

Chị H. bức xúc: “Cô nhân viên y tế nghe điện thoại chỉ nói mỗi một câu đã cúp máy, tôi còn chưa kịp nói địa chỉ nhà”. Theo chị H., nhà có 5 người dương tính, 5 người còn lại là F1 nhưng cũng là F1 đang chuẩn bị chuyển thành F0. Nếu di chuyển ra trạm y tế, chị cảm thấy không ổn, thiếu an toàn cho những người xung quanh. Đó là chưa kể gọi bao nhiêu cuộc cho trạm y tế thì mãi mới có người bắt máy. Lúc thì máy bận liên tục, lúc thì đổ chuông nhưng không ai nghe. 

Phải đảm bảo quy tắc an toàn phòng chống dịch

Ngoài lo lắng về việc phải di chuyển ra khỏi nhà để nhận thuốc và xét nghiệm, những người tự test nhanh cho kết quả dương tính còn băn khoăn về việc rác thải của gia đình không biết được thu gom ra sao để đảm bảo an toàn.

“Mình bị nhiễm COVID-19 có nghĩa là rác thải sinh hoạt của gia đình nhiều khả năng cũng sẽ có virus gây bệnh. Nếu thu gom chung với rác thải sinh hoạt khác thì không đảm bảo an toàn cho người thu gom rác. Còn nếu để riêng ra một túi thì không biết ai sẽ thu gom loại rác này”, chị L. băn khoăn.

Những thắc mắc nói trên của người dân được chúng tôi chuyển đến các đơn vị liên quan để được giải đáp. Tại cuộc họp báo do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết, nếu người dân tự xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hoặc nghi ngờ mình là F0 thì tuyệt đối không được di chuyển khỏi nhà.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, sau khi test nhanh có kết quả dương tính, người dân cần gọi đường dây nóng của trạm y tế địa phương, thông báo về trường hợp của gia đình mình. Trong vòng 24 tiếng kể từ khi nhận được điện thoại, nhân viên y tế địa phương sẽ phải cử người tiếp cận gia đình có người nghi ngờ F0 nói trên, đánh giá lại tình trạng bệnh cũng như khảo sát có đủ điều kiện cách ly tại nhà không và phát gói thuốc điều trị cho bệnh nhân. “Không có chuyện đang nghi ngờ F0 mà lại ra khỏi nhà, làm như vậy là không đảm bảo quy tắc an toàn phòng, chống dịch”, ông Tâm nhấn mạnh.

Cũng trong buổi họp báo nói trên, liên quan tới vấn đề xử lý rác thải từ các hộ gia đình có F0 đang cách ly tại nhà, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết, sở đã có Công văn số 9020 ký ngày 3/12/2021 về việc tăng cường quản lý rác thải của F0 đang cách ly và điều trị tại nhà gửi cho các cơ sở y tế trực thuộc và các UBND quận, huyện, phường, xã.

Theo đó, các cơ sở y tế và chính quyền địa phương phải nắm được danh sách các F0 trên địa bàn và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý rác cho đúng. Ngược lại, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cần nắm theo danh sách F0 từ các phường, xã chuyển qua để xử lý rác thải theo quy định. 

Nói như vậy, khi các bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị và cách ly tại nhà thì họ phải được hướng dẫn về cách thu gom rác thải của gia đình mình, rác thải từ các F0 phải xử lý theo đúng quy trình chứ không phải làm một cách tùy ý. 

 Nhóm phóng viên

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI