Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ hàng nhập khẩu

24/09/2020 - 19:09

PNO - Một số mặt hàng nhập khẩu được sản xuất hoặc vận chuyển qua các nước có dịch bệnh được đánh giá là 1 trong 4 nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xác định 4 nguồn lây nhiễm chính trong giai đoạn mới
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xác định 4 nguồn lây nhiễm chính trong giai đoạn mới

4 nguồn nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong giai đoạn mới

Chiều 24/9, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các chuyên gia nhận định, các ổ dịch trong nước cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, tại các đô thị lớn, mật độ dân cư cao, nguy cơ lây nhiễm còn hiện hữu nếu như vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như không đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người.

TS. Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian tới Việt Nam có thể ghi nhận các trường hợp mắc mới từ các ổ dịch cũ hoặc lây nhiễm từ trường hợp nhập cảnh, đặc biệt khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế.

Ban Chỉ đạo nhận định, tình hình trên thế giới cho thấy dịch bệnh ở nhiều nước đã bùng phát trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát, cách ly xã hội. Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi mùa đông sắp đến - điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus phát triển, lây lan.

Theo một số chuyên gia, hiện nay Việt Nam tiềm ẩn 4 nguồn có nguy cơ lây nhiễm lớn nhất: Đối tượng nhập cảnh trái phép, đối tượng nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm túc quy định cách ly, giám sát y tế; nguồn bệnh trong cộng đồng và một số mặt hàng nhập khẩu được sản xuất hoặc vận chuyển qua các nước có dịch bệnh.

Trong đó, Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định nguy cơ lây nhiễm lớn nhất từ đối tượng nhập cảnh hợp pháp, không thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, giám sát y tế.

Cần phân công trách nhiệm rõ ràng 

Liên quan tới việc đón công dân Việt Nam và các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau khi mở thêm một số đường bay, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho rằng, các hướng dẫn, quy trình đã có, nhưng việc phân công thực hiện còn lỏng lẻo.

“Việc đón người từ sân bay về đến khách sạn, nơi cách ly thì ai làm gì, ai điều hành vẫn chưa rõ. Tôi cho rằng lực lượng trực tiếp triển khai hoạt động cách ly không ai khác là nhân lực của chính cơ sở cách ly, cùng với lực lượng y tế, công an, dưới sự điều hành trực tiếp của chính quyền địa phương. Chúng ta phải phân công trách nhiệm rất rõ ràng, đầy đủ”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nói.

Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ cho rằng, vấn đề quản lý, giám sát, cách ly người nhập cảnh hợp pháp đang nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Vì vậy, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị quy trách nhiệm cụ thể đối với từng bộ ngành, địa phương trong phòng, chống dịch, không nói chung chung.

Cụ thể, nếu để xảy ra dịch bệnh trong bệnh viện, cơ sở y tế thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm. Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm quản lý, cách ly, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch không chỉ đối tượng chuyên gia, lao động nước ngoài… mà cả những đoàn khách nước ngoài của các bộ, ngành Trung ương.

Ban Chỉ đạo cũng giao Bộ Y tế rà soát ngay các hướng dẫn, quy trình phòng, chống dịch bệnh, chuyển thành danh sách các công việc chi tiết nhất có thể, dễ hiểu, dễ làm đến tận từng cơ sở.

Trước mắt, tất cả giám đốc bệnh viện phải kiểm tra định kỳ việc thực hiện các công việc phòng, chống dịch, báo cáo trực tuyến, cập nhật lên bản đồ chống dịch. Bộ Y tế cần khuyến nghị người dân chỉ nên đến khám, chữa bệnh tại những bệnh viện an toàn, phòng khám an toàn, thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch bệnh.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI