Nguy cơ lây nhiễm bệnh từ dây nội soi tiêu hóa

22/09/2018 - 06:00

PNO - Tháng nào Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cũng tiếp nhận vài trường hợp xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày tá tràng có liên quan tới vi khuẩn HP.

Chưa thể kết luận nguyên nhân lây nhiễm HP cho trẻ chính xác từ nguồn nào, có thể lây qua đường ăn uống, thậm chí cả dụng cụ nội soi tiêu hóa chưa được đảm bảo vô khuẩn.

Mắc bệnh sau khi nội soi 

Không ít trường hợp, khi nội soi tiêu hóa tại phòng khám kết quả vẫn bình thường. Sau đó, bệnh không thuyên giảm phải đến bệnh viện khám thì kết quả đã nhiễm vi khuẩn HP. Nhiều người băn khoăn có thể lần nội soi đầu đã bị lây nhiễm vi khuẩn HP từ dụng cụ nội soi.

Nguy co lay nhiem benh tu day noi soi tieu hoa
Nguy cơ mắc bệnh từ dụng cụ nội soi

Như trường hợp con anh P.M.Đ., ngụ tại tỉnh Lâm Đồng. Anh nghi ngờ con gái 13 tuổi bị lây nhiễm vi khuẩn HP sau một lần nội soi đường tiêu hóa. Vào tháng 4/2018, anh Đ. đưa con gái xuống TP.HCM để khám chuyên khoa tiêu hóa do con hay bị trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, bệnh viện quá đông, anh nghe người thân giới thiệu tới một phòng khám tại Q.5 và được chỉ định làm nội soi. Kết quả nội soi bình thường. Về nhà, bệnh vẫn không thuyên giảm, bố con anh Đ. lại lần nữa lặn lội xuống TP.HCM, quyết tâm vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám cho ra bệnh.

Lúc này, kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhi nhiễm vi khuẩn HP đường tiêu hóa, có vết loét trong dạ dày. “Tôi kể tình trạng của con cho một số bác sĩ quen nghe, họ nói lẽ ra không nên đưa bé ra phòng khám nội soi tiêu hóa như thế mà nên vào bệnh viện. Nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP từ các ống soi không được khử khuẩn rất cao. Đôi khi vì áp lực bệnh nhân đông, một số phòng khám ngâm dây soi trong hóa chất không đủ lâu là điều rất dễ xảy ra”, anh Đ. kể. 

Tương tự, anh P.Đ.V., ngụ tại Q.6, đưa con gái P.T.A. đi tái khám và điều trị vi khuẩn HP đường tiêu hóa tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cũng nghi ngờ con bị lây nhiễm vi khuẩn HP từ một lần nội soi. Cách đây một tuần, bé A. đã phải cấp cứu ngay trong đêm vì ói ra máu, đi cầu phân đen. 

Sau khi truyền máu và giúp sinh hiệu ổn định trở lại, bé A. được sinh thiết các mô từ vết loét trong tá tràng và phát hiện dương tính với vi khuẩn HP. Con gái anh trước đây do hay kêu đau bụng nên từng đi khám và làm nội soi đường tiêu hóa ở một cơ sở y tế khác. Kết quả lúc ấy vẫn chưa ghi nhận nhiễm HP. 

Nguy co lay nhiem benh tu day noi soi tieu hoa
Không nên lạm dụng nội soi tiêu hóa. Nếu có chỉ định của bác sĩ hãy lựa chọn những nơi uy tín để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh

Đạt an toàn về khử khuẩn dây soi, phải đầu tư số tiền khủng

Theo tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - xử lý dụng cụ y tế có hai phương pháp là khử khuẩn và tiệt khuẩn. Cụ thể, những dụng cụ nào dùng để xâm nhập vào máu và mô thì bắt buộc phải tiệt khuẩn. Tiệt khuẩn rất phức tạp, phải có đủ điều kiện về nhiệt độ, áp suất, độ ẩm và thời gian. Một máy tiệt khuẩn dụng cụ y tế của bệnh viện đang sử dụng có giá trên 2,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, vẫn có thể tiệt khuẩn, khử khuẩn dụng cụ y khoa bằng hóa chất nhưng nhược điểm là thời gian ngâm rửa rất lâu. Có những hóa chất quy định dụng cụ cần ngâm 8g, như vậy đối với các cơ sở y tế đông bệnh nhân là điều không khả thi, cả về thời gian lẫn tính kinh tế.

Đó còn chưa kể nếu ngâm lâu trong hóa chất thì dây soi nhanh bị hư hỏng. Chẳng hạn với một chiếc dây soi tiêu hóa có giá dao động từ 10.000-20.000 USD, nếu ngâm rửa lâu như thế thì cơ sở y tế cần phải đầu tư số tiền rất lớn để có đủ số lượng dây soi sử dụng luân phiên. Còn nếu cũng ngâm rửa nhưng không đủ thời gian quy định thì đương nhiên nguy cơ lây bệnh là khó tránh, sẽ không chỉ là vi khuẩn HP mà còn là vi-rút viêm gan, thậm chí HIV. 

Bác sĩ Nguyễn Việt Trường - Phó khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - cảnh báo, cha mẹ không nên hễ cứ nghe con kêu đau bụng là đưa đi nội soi tiêu hóa. Nội soi đường tiêu hóa dù sao cũng là thủ thuật cần gây mê, có xâm lấn (dù ít), phải làm ở những nơi uy tín. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, bác sĩ chỉ định nội soi tiêu hóa khi trẻ có biểu hiện ói và đi cầu ra máu tái phát, rối loạn tiêu hóa trên bốn tuần. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI