Nguy cơ làn sóng kháng thuốc kháng sinh sau đại dịch

03/06/2021 - 06:54

PNO - Dù cuộc khủng hoảng COVID-19 đang là mối quan tâm hàng đầu, giới chuyên gia lo ngại các loại siêu vi kháng thuốc kháng sinh chính là mối đe dọa đại dịch tiếp theo, có thể một lần nữa cướp đi hàng triệu sinh mạng và tàn phá nền kinh tế.

Mối đe dọa tiềm ẩn

Giữa lúc sự chú ý của toàn cầu tập trung vào COVID-19, một đại dịch khác đã và đang âm thầm diễn ra. Mối đe dọa về tình trạng kháng thuốc (AMR), hoặc siêu vi khuẩn không đáp ứng với các loại thuốc kháng sinh hiện có, đã đến rất gần, cướp đi sinh mạng của ít nhất 700.000 người trên khắp thế giới mỗi năm.

 

Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh làm gia tăng nguy cơ hình thành các siêu vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm
Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh làm gia tăng nguy cơ hình thành các siêu vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm

Chỉ riêng ở Mỹ, cứ 15 phút lại có một người chết vì nhiễm trùng khó điều trị do AMR. Một số ước tính cho rằng vào năm 2050, khoảng 10 triệu người trên toàn cầu có thể chết vì nhiễm trùng do AMR. Nếu không có thuốc kháng sinh hiệu quả, các cuộc phẫu thuật sẽ rủi ro cao đến mức gần như không thể thực hiện; hệ thống miễn dịch bị tổn hại sẽ khiến bệnh nhân ung thư dễ mắc các bệnh nhiễm trùng thông thường; và nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh - một tình trạng phổ biến, hiện có thể điều trị - sẽ trở nên vô phương cứu chữa.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm mắc phải tại bệnh viện đang ngày càng trở nên phổ biến hơn ở khu vực đông nam nước Mỹ. Cụ thể, nghiên cứu đăng trên tạp chí Infection Control and Hospital Epidemiology (ấn bản của Đại học Cambridge, Anh) cho thấy sự xuất hiện của “siêu vi khuẩn” Enterobacteriaceae kháng carbapenem (CRE) đã tăng 500% ở 25 bệnh viện cộng đồng từ năm 2008 đến năm 2012, gây ra những hậu quả chết người. Khi các bác sĩ và bệnh viện tiếp tục lạm dụng thuốc kháng sinh, vi khuẩn kháng thuốc như CRE ngày càng phổ biến hơn.

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Infection and Drug Resistance (Anh), phân tích dữ liệu từ 17.534 bệnh nhân COVID-19 tại 10 bệnh viện ở Ấn Độ từ ngày 1/6 đến 30/8/2020. Trong số này, có 640 bệnh nhân, tương đương 3,6%, bị nhiễm trùng thứ phát, với tỷ lệ có thể lên cao tới 28% ở một số bệnh viện. Các vi sinh vật đa kháng thuốc xuất hiện trong khoảng một nửa trường hợp. Gần 60% bệnh nhân bị nhiễm trùng thứ phát tử vong, so với khoảng 11% những người không mắc phải siêu vi khác.

Cần nỗ lực toàn cầu

Tại nhiều quốc gia đang phát triển, khi các bác sĩ phải tìm mọi cách để cứu sống bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh khan hiếm các phương pháp điều trị hiệu quả, họ chọn thử nghiệm các loại thuốc có sẵn - thường là thuốc kháng sinh không được sử dụng ở các quốc gia khác cho COVID-19. 

Kamini Walia - một nhà vi sinh vật học thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ - nhận định, việc sử dụng thuốc kháng sinh có thể “đổ thêm dầu vào lửa cho mức độ kháng thuốc kháng sinh vốn đang ở mức đáng báo động”. 

Mới đây, báo cáo thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, nhiều loại thuốc kháng khuẩn đang được nghiên cứu ở giai đoạn phát triển lâm sàng và tiền lâm sàng trên toàn cầu, nhưng không có loại nào phù hợp để ngăn chặn vi khuẩn kháng thuốc. Hiện tại, có 43 loại kháng sinh được sản xuất, tuy nhiên, chúng không thể ngăn chặn 13 siêu vi khuẩn được mô tả trong “Danh sách các mầm bệnh đáng quan ngại do vi khuẩn” của WHO. Danh sách này được WHO sử dụng từ năm 2017 để thông báo, hướng dẫn các lĩnh vực ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu.

Sau HIV/AIDS, Ebola và các bệnh không lây nhiễm khác, AMR trở thành vấn đề sức khỏe thứ tư được đưa vào chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào năm 2016. Trên toàn cầu, các nhà sản xuất thuốc cũng cùng nhau tham gia Liên minh Công nghiệp AMR, để tự điều chỉnh việc cung cấp kháng sinh ra thị trường. Nhóm với hơn 100 thành viên đã đưa ra các mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học, quản lý rủi ro về chất thải kháng sinh từ các nhà máy. Tuy nhiên, kiểm soát việc thải kháng sinh của các nhà sản xuất là cần thiết để hạn chế AMR nhưng vẫn chưa đủ. Cộng đồng y tế nói chung đều cần phải cảnh giác với mối đe dọa của AMR và hành động có trách nhiệm để ngăn chặn một đại dịch “vô phương cứu chữa” trong tương lai. 

Tấn Vĩ (theo Bloomberg, Healthline, UNF, Healthworld)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI