“Nguy cơ Kim Jong-un tính toán nhầm”

02/04/2013 - 07:20

PNO - Khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng, người ta được chứng kiến những lời hăm dọa đáng sợ của Triều Tiên vấp phải những phản ứng kiên quyết khác thường của Mỹ mà giới phân tích cảnh báo rằng có thể khiến cuộc...

“Nguy co Kim Jong-un tinh toan nham”

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - Ảnh: Bloomberg

Khi công khai nhấn mạnh việc triển khai các máy bay ném bom tàng hình và B52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân trên bầu trời Hàn Quốc mới đây, Washington đôi lúc gần như tỏ ra chủ tâm khiêu khích giới lãnh đạo Bình Nhưỡng hiện đang bốc hỏa.

Paul Carroll, giám đốc chương trình thuộc Quỹ Ploughshares, một nhóm cố vấn chính sách an ninh tại Mỹ, cho rằng: "Trong quan điểm của Mỹ xem ra chắc chắn có yếu tố 'lần này sẽ cho biết tay'". Và Triều Tiên cũng phản ứng theo kiểu đó khi ngày 30/3 đã tuyên bố rằng nước này hiện đang "trong tình trạng chiến tranh" với Hàn Quốc.

Những cuộc khủng hoảng an ninh trên bán đảo Triều Tiên đã xảy ra nhiều lần trong hàng chục năm qua và có khuynh hướng đi theo kiểu chính sách nguy hiểm "bên miệng hố chiến tranh," tức là đe dọa song cuối cùng rút lui để tránh gây xung đột thảm khốc.

Nhà sáng lập Triều Tiên Kim Nhật Thành và con trai đồng thời là người kế nhiệm Kim Jong-Il đều được xem là những người có kỹ năng thực hiện lối chơi ngoại giao đầy rủi ro này. Và họ đảm bảo được rằng Bình Nhưỡng có đủ cách để làm những lời đe dọa của mình thêm đáng tin khi tiến hành các vụ khiêu khích, từ việc làm nổ tung một máy bay dân sự Hàn Quốc năm 1987 tới việc nã pháo lên một hòn đảo Hàn Quốc năm 2010.

Cuộc khủng hoảng hiện nay, với việc Bình Nhưỡng chỉ trích các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và các cuộc diễn tập quân sự Hàn Quốc-Mỹ, đã khác các vụ trước cả về mặt bối cảnh và các nhân vật chính liên quan. Nó diễn ra sau hai sự kiện then chốt đã khiến LHQ phải gia tăng trừng phạt và làm thay đổi sự cân bằng chiến lược trên bán đảo Triều Tiên - đó là vụ phóng tên lửa tầm xa thành công vào tháng 12/2012 và vụ thử hạt nhân thứ ba đồng thời là vụ lớn nhất vào tháng 2/2013 của Triều Tiên.

Cả hai sự kiện trên có thể đã khuyến khích Triều Tiên thêm bạo tay, trong khi đồng thời cũng khiến Washington cho rằng tình hình đã quá mức nguy hiểm. Caroll nói: "Những lời quá khích là một kiểu, còn phóng tên lửa và thử hạt nhân lại là kiểu khác".

Bên cạnh đó, cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều có các nhà lãnh đạo mới, chưa qua cọ xát cùng với động lực mạnh mẽ trong nước thúc đẩy họ muốn chứng tỏ ý chí của mình trong bất cứ cuộc đối đầu nào.

Bruce Klingner, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Quỹ Di sản tại Washington, cho rằng nguy cơ "tính toán nhầm" đặc biệt cao ở nhà lãnh đạo trẻ tuổi Triều Tiên Kim Jong-un. Kim Jong-un không chỉ được kích thích bởi thành công từ các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân mà còn bởi "nhận thức rằng Seoul và Washington chưa bao giờ đánh trả đáng kể sau các cuộc tấn công chí mạng trước đây".

Tuy nhiên, lần này, Hàn Quốc đã tỏ dấu hiệu sẵn sàng đáp trả, và thông điệp từ các chuyến bay của máy bay B52 và máy bay ném bom tàng hình cho thấy Mỹ đã bị dồn vào chân tường.

Peter Hayes, lãnh đạo viện Nautilus chuyên nghiên cứu trọng tâm về châu Á, chỉ ra rằng việc triển khai máy bay B52 đã tạo ra sự cộng hưởng đặc biệt và có thể còn nguy hiểm. Hayes nói: "Qua việc triển khai B52, Mỹ cũng tuyên bố rõ ràng và lớn tiếng rằng Mỹ bị buộc phải tham dự trò chơi chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên. Điều đó nói rằng nó đã chạm tới vị thế thiêng liêng của một quốc gia có vũ khí hạt nhân đủ để buộc phải có một phản ứng quân sự hạt nhân".

Các viễn cảnh cuối cho cuộc khủng hoảng hiện nay rất nhiều, song không có điểm nào chỉ ra một con đường cụ thể để có thể tháo gỡ tình hình một cách hòa bình. Phần lớn các nhà phân tích loại trừ khả năng chiến tranh toàn diện trên cơ sở là Triều Tiên hiểu họ sẽ thua bởi họ biết rằng tiến hành bất kỳ một kiểu tấn công hạt nhân nào cũng sẽ là một sự tự sát.

Nhưng sau khi đe dọa đủ thứ từ việc bắn pháo cho đến chiến tranh hạt nhân một mất một còn, cũng có cảm giác rằng Kim Jong-un đã tự đẩy mình vào chân tường và phải làm gì đó để tránh bị mất mặt và uy tín. Một vụ thử tên lửa có tính khiêu khích bắn về phía biển Nhật Bản là một khả năng có nguy cơ thấp trong việc khiến xung đột tiếp tục leo thang.

Một số nhà phân tích đã dự đoán từ đầu về một vụ bắn pháo tương tự vụ bắn lên đảo Yeonpyeong năm 2010, song việc Mỹ và Hàn Quốc tuyên bố sẽ phản ứng mạnh đã đặt ra câu hỏi một hành động như vậy sẽ đem tới "giới hạn" nào.

Scott Snyder, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho rằng Mỹ sau khi đã đưa ra thông điệp của mình một cách rõ ràng thì nên cho Kim Jong-un một lối thoát. Ông nói: "Mỹ và Hàn Quốc cần đưa ra một số động thái ngoại giao rõ ràng để đảm bảo với Triều Tiên rằng có thể giúp Triều Tiên bình tĩnh lại, nhượng bộ và thay đổi cách xử sự".

Theo Vietnam+

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI