Nguy cơ học sinh sợ trường lớp vì học online quá lâu

14/01/2022 - 12:28

PNO - “Học sinh có trải nghiệm vô cùng tích cực trong quá trình học online cũng sẽ có nguy cơ gặp khó khăn tâm lý khi trở lại trường học”, TS. Khúc Năng Toàn (Khoa Tâm lý - Giáo dục học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nhấn mạnh tại chương trình Kết nối và đồng hành, chủ đề Hỗ trợ tâm lý học sinh trở lại trường học sau giãn cách do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức mới đây.

Khó khăn tâm lý nảy sinh từ chính trải nghiệm của học sinh 

TS. Khúc Năng Toàn khẳng định, sau thời gian học online ở nhà, trở lại trường học với học sinh sẽ là một sự thay đổi. Phản ứng thông thường trước thay đổi đó là sự e ngại, không biết điều gì đang chờ đợi mình, điều gì sẽ xảy đến với mình.

“Câu hỏi đặt ra là những học sinh nào thì nguy cơ gặp khó khăn tâm lý khi trở lại trường sẽ cao hơn. Tôi nghĩ đến 3 giai đoạn quan trọng. Trước tiên là giai đoạn trải nghiệm trước thời kỳ giãn cách. Kế đó là giai đoạn trải nghiệm trong quá trình giãn cách; cuối cùng là trải nghiệm mang tính chất tiên liệu ở thời điểm trước khi trở lại trường học. Những khó khăn tâm lý sẽ không từ trên trời rơi xuống mà được nảy sinh từ chính trải nghiệm của học sinh”, TS. Toàn nhấn mạnh. 

Khó khăn tâm lý khi trở lại trường được nảy sinh từ chính những trải nghiệm của học sinh
Khó khăn tâm lý khi trở lại trường nảy sinh từ chính những trải nghiệm của học sinh

Theo TS. Toàn, những trải nghiệm ở giai đoạn trước giãn cách có ảnh hưởng rất lớn đến những nguy cơ, khó khăn khi trở lại trường học sinh có thể gặp phải. Những học sinh đã có trải nghiệm tiêu cực tại nhà trường trong quá trình trước giãn cách như khó khăn với bạn bè, thất bại trong học tập… khi trở lại trường học đồng nghĩa với việc trở lại “vùng nguy cơ”. “Đây là nhóm sẽ có nguy cơ cao hơn những học sinh vốn đã có trải nghiệm tích cực trong quá trình học tập ở trường học trước đó”, TS. Toàn nói.

Với giai đoạn trải nghiệm của học sinh trong quá trình dịch bệnh, nếu học sinh có những trải nghiệm mất mát tổn thương thì việc khó khăn là hiển hiện. Tuy nhiên, ngay cả học sinh có trải nghiệm vô cùng tích cực trong quá trình học online thì cũng có nguy cơ gặp khó khăn tâm lý khi trở lại trường. “Nếu gia đình tạo mối gắn kết rất chặt trong quá trình con học online tại nhà, thì bây giờ khi trở lại trường học cũng có nghĩa là con sẽ phải rời bỏ mối gắn kết với cha mẹ, người thân… Khi bước chân ra khỏi vùng an toàn, dễ chịu thì chắc chắn sẽ nảy sinh tâm lý e ngại. Chắn chắn sẽ rất nhiều học sinh trong bối cảnh này né tránh việc trở lại trường học”, TS. Toàn phân tích.

Với trải nghiệm ở giai đoạn trước thay đổi trở lại trường, TS. Toàn cho hay đây là trải nghiệm mang tính “nhạy cảm”. Học sinh sẽ có suy nghĩ về những gì đang đón đợi các em ở nhà trường. Nếu như những tiên liệu, suy đoán của học sinh hướng vào những tiêu cực như yêu cầu học tập nặng nề, nhiều bài tập; băn khoăn về bạn bè… thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn.

“Những học sinh có suy nghĩ tích cực về quá trình trở lại sẽ có nguy cơ ít. Những học sinh có suy nghĩ tiêu cực liên quan đến quá trình trở lại trường thì nguy cơ gặp khó khăn tâm lý cao. Thầy cô phải tìm hiểu xem trước đây học sinh có vấn đề gì ở trường học hay không. Trong quá trình học online ở nhà, học sinh có những trải nghiệm tiêu cực nào không. Trước khi trở lại trường suy nghĩ, cảm nhận của các em là gì. Nếu như thầy cô nắm được những điều đó thì có thể dự báo, dự đoán được những khó khăn mà học sinh có thể sẽ gặp phải khi trở lại trường học”, TS. Khúc Năng Toàn gợi ý. 

Dấu hiệu cho thấy học sinh đang gặp khó khăn tâm lý

PGS.TS Vũ Thị Khánh Linh (Khoa Tâm lý- Giáo dục học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho hay, các dấu hiệu cho thấy học sinh đang gặp khó khăn tâm lý mà thầy cô dễ dàng quan sát được đó là thay đổi về mặt tâm trạng, khí sắc. Các em có thể sẽ có cảm xúc thất thường, vui buồn bất chợt. Đi kèm là khí sắc lúc nào cũng ủ ê, giờ giấc sinh hoạt thay đổi. Trong giờ ra chơi hay thu mình, thoái lui khỏi các mối quan hệ trong khi đó trước đây có thể rất hoà đồng, vui vẻ hoặc biểu hiện sợ tiếng ồn hay bồn chồn, bất an, quên những nhiệm vụ thầy cô giao…

“Nếu những biểu hiện này diễn ra trong thời gian dài, lặp đi lặp lại sẽ là những dấu hiệu cảnh báo trẻ đang gặp khó khăn tâm lý. Nhận diện đúng những khó khăn tâm lý mà học sinh đang gặp phải sẽ giúp giáo viên đề ra phương pháp, cách thức xử lý hỗ trợ học sinh vượt qua khó khăn khi trở lại trường”, bà nhấn mạnh. 

Dầu hiệu về khí sắc và hành vi trở lại trường sẽ giúp nhận diện học sinh đang gặp khó khăn tâm lý của
Dấu hiệu về khí sắc và hành vi trở lại trường sẽ giúp nhận diện học sinh đang gặp khó khăn tâm lý

Cạnh đó, TS. Khúc Năng Toàn nhìn nhận, hành vi đến lớp, tham gia học tập trên lớp cũng sẽ là dấu hiệu của khó khăn tâm lý mà học sinh đang gặp phải khi trở lại trường. Ví dụ, nếu trước đây học sinh đi học đều đặn, ý thức học tập tốt nhưng khi trở lại trường học thì lại thất thường.

Đặc biệt, TS. Toàn lưu ý giáo viên cần chú trọng quan sát các dấu hiệu trên da của học sinh như các vết cắt, vết cứa. Đây là những hành vi tự huỷ hoại cơ thể liên quan đến những tổn thương tâm lý. “Để nhận diện được những dấu hiệu khó khăn tâm lý của học sinh khi trở lại trường học không khó. Cái khó là thầy cô sẽ phải dành thời gian, để tâm để nhận diện được những dấu hiệu đó, bao gồm cả dấu hiệu về khí sắc, hành vi…”, TS. Khúc Năng Toàn nói. 

Trẻ ở với ông bà lâu ngày sẽ gặp nhiều khó khăn tâm lý khi trở lại trường 

Trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều gia đình gửi con về quê cho ông bà chăm sóc hàng ngày. PGS.TS Lê Minh Nguyệt (Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nhận định, việc trẻ sống với ông bà lâu ngày khi trở lại gia đình, trường học chắc chắn sẽ gặp khó khăn tâm lý.

“Ông bà thường rất thương con cháu, nhiều khi thương đến thái quá, luôn nghĩ muốn cháu yêu thì phải chiều cháu, phải thoả mãn mọi nhu cầu cho cháu. Sống với ông bà trong thời gian dài, thói quen sinh hoạt hàng ngày của trẻ sẽ thay đổi. Trẻ luôn được phục vụ, được đòi hỏi, được thoả mãn nhu cầu. Do vậy, khi trở lại trường sẽ là khó khăn tâm lý với trẻ, đặc biệt là trẻ tiểu học”, PGS.TS Lê Minh Nguyệt nhận định.

Én Bông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI