Nguy cơ gia tăng sốt xuất huyết toàn cầu

30/08/2019 - 08:13

PNO - Tương lai, sốt xuất huyết sẽ không còn là “đặc sản” của xứ nhiệt đới nữa. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và điều kiện kinh tế xã hội toàn cầu thay đổi, dịch bệnh này sẽ “leo thang” khắp thế giới.

Giữa tháng 7/2019, ngành y tế Philippines đã lên tiếng cảnh báo về dịch sốt xuất huyết (SXH). Sang đầu tháng 8/2019, Bộ Y tế nước này phải công bố tình trạng dịch SXH cấp quốc gia. Tính đến nay, số ca bệnh đã tăng vọt lên 170.000, với 720 người tử vong. Số liệu này vượt hơn 100% so với đỉnh dịch năm 2018, dù mùa mưa năm nay đến muộn. 

Nguy co gia tang sot xuat huyet toan cau
Binh lính Mỹ mặc đồ bảo hộ trong một buổi diễn tập chiến tranh sinh học

Trang sử “đen”

Theo tiến sĩ Dan Steinbock - chuyên gia về thế giới đa cực - lịch sử ghi nhận, SXH được phát hiện đầu tiên ở châu Á, châu Phi và Bắc Mỹ vào cuối thế kỷ XVIII. Sự phá hủy sinh thái vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương trong và sau thế chiến thứ II đã tạo điều kiện gia tăng các bệnh truyền nhiễm do muỗi làm tác nhân truyền bệnh. Thủ đô Manila (Philippines) là nơi đầu tiên bùng phát dịch SXH vào đầu những năm 1950. Trong 20 năm sau đó, bệnh ở mức dịch đã lan rộng khắp Đông Nam Á.

Giữa thập niên 1970, SXH là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ em tại khu vực Đông Nam Á nhập viện và tử vong. Dịch cũng không ngừng gia tăng ở Thái Bình Dương và châu Mỹ. Những năm 1980, 1990, tình trạng lây truyền SXH tiếp tục tăng, khiến không ít người nghĩ đến “sự hồi sinh” toàn cầu của bệnh.

Sốt xuất huyết từng là trọng tâm nghiên cứu chiến tranh sinh học

Đầu thập niên 1970, Mỹ đã lên chương trình dự trữ các chất sinh học nguy hiểm và theo đuổi nhiều nghiên cứu khác. Năm 1972, Công ước Vũ khí sinh học (BWC) ra đời, cấm sử dụng loại vũ khí này trong tấn công. Thế nhưng, ngoài các vấn đề liên quan đến sự xác thực và tuân thủ, công ước lại để ngỏ cánh cửa cho việc sử dụng vũ khí sinh học trong phòng thủ và nghiên cứu cho các cường quốc.

Tiến sĩ Dan Steinbock cho hay, SXH đã là trọng tâm của các nhà nghiên cứu chiến tranh sinh học thuộc quân đội Mỹ và CIA trong hơn nửa thế kỷ. Cơ sở chiến tranh sinh học Mỹ tại Fort Detrick (Maryland) đã từng thử nghiệm bệnh SXH. Điều này được các nhà sử học và Ủy ban Quốc hội Mỹ xác nhận từ những năm 1970. Đến năm 1981, Cuba đã phải “vật lộn” với một trận dịch SXH nghiêm trọng và lạ lùng vì chưa từng xảy ra trước đó.

Trong Chiến tranh Lạnh, một số tác nhân gây bệnh đã được cả Liên Xô và Mỹ sản xuất ở quy mô công nghiệp. 

Sau giai đoạn Chiến tranh Lạnh, năm 1996, các phòng thí nghiệm sinh học trị giá hàng tỷ USD, được Cơ quan giảm thiểu mối đe dọa quốc phòng (DTRA) tài trợ theo chương trình hợp tác sinh học quân sự (CBEP), đã được đặt tại 25 quốc gia, bao gồm Đông Âu (Georgia, Ukraine), Trung Đông, châu Phi và Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines.

Theo các nhà quan sát, một số phòng thí nghiệm CBEP đã “chứng kiến” sự bùng phát của các bệnh nhiệt đới, vốn không phải loại đặc hữu của khu vực. Đơn cử, sau năm 2015, người ta thấy ruồi cát hút máu - loại tìm thấy ở Philippines và được thử nghiệm trên người ở Mỹ vào đầu những năm 1970 - hoành hành ở vùng Tbilisi, Georgia.

Mỹ được cho là không có dịch SXH kể từ những năm 1930. Nhưng vào năm 2009, muỗi vằn truyền bệnh SXH đã được tìm thấy tại hơn một nửa các tiểu bang của nước này.

Cùng với sự nóng lên toàn cầu, thách thức SXH có thể trở nên tồi tệ hơn. Rủi ro từ một số bệnh truyền nhiễm, như sốt rét và SXH, được dự báo sẽ tăng theo nhiệt độ trái đất. Một nghiên cứu gần đây ước tính, tổng chi phí toàn cầu cho bệnh SXH là 8-9 tỷ USD/năm. 

Ngoài ra, vào năm 2050, phần lớn miền Đông Nam nước Mỹ sẽ trở nên phù hợp với bệnh SXH. Úc và nhiều thành phố lớn ven biển của Trung Quốc, Nhật Bản và nhất là miền nam châu Phi sẽ cùng chung số phận. Trên toàn cầu, khoảng 2,3 tỷ người sẽ có nguy cơ nhiễm SXH vào năm 2080, đưa tổng dân số có nguy cơ mắc bệnh lên hơn 6,1 tỷ người, tương đương 60%.

Quốc Ngọc (theo Eurasia Review)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI