Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng
Nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, chị N.T.H. (26 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội) không giấu được sự mệt mỏi với các biểu hiện xuất huyết dưới da, nhiều chấm đỏ khiến tay và chân “đỏ như tôm luộc”, ngứa ngáy. Chị cho biết, trước đó bị đau đầu, đau cơ, nghĩ do cảm, nhưng rồi các nốt đỏ xuất hiện dày kín trên cơ thể. Khi đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán chị mắc sốt xuất huyết (SXH).
Còn anh H.V.P. (32 tuổi, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) lại không có các biểu hiện xuất huyết điển hình. Anh sốt cao 39,5 độ C, cơ thể mệt mỏi, không đau đầu nhưng có yếu tố dịch tễ. “Tôi đang làm xây dựng tại một công trình ở Thạch Thất (Hà Nội) và xung quanh có nhiều người mắc bệnh. Trước khi tôi bị sốt cũng thấy chính quyền phun thuốc muỗi toàn khu” - anh P. chia sẻ. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị SXH, tiểu cầu hạ nghiêm trọng còn 11 G/L nên phải nhập viện điều trị.
|
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông |
Theo bác sĩ Vương Trương Trọng - Khoa Các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội), trong 6 tháng đầu năm, đơn vị này tiếp nhận 98 ca mắc SXH. Trong tháng Sáu có hơn chục ca. Tuy nhiên, chỉ trong tuần đầu tháng Bảy đã có tới 7 ca phải nhập viện. Số ca SXH đang có xu hướng tăng.
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Duy Cường, cho hay, năm nay SXH đến sớm hơn mọi năm. Từ đầu tháng Năm, tháng Sáu, trung tâm đã rải rác tiếp nhận bệnh nhân, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Đáng lưu ý, do đầu mùa nên nhiều người không nghĩ mình mắc SXH. Chỉ đến ngày thứ tư, thứ năm, khi máu bị cô đặc, tiểu cầu hạ thấp, quá mệt mỏi, bệnh nhân mới đến viện dẫn tới tình trạng nặng nề. Một số bệnh nhân có thể suy đa tạng như men gan tăng, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu…
Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương - thông tin, từ đầu năm tới nay, cả nước có hơn 40.000 ca mắc SXH, trong đó 8 ca tử vong. Con số này tuy giảm so với cùng kỳ song lại đáng lưu ý bởi tại khu vực miền Bắc, dịch có dấu hiệu phức tạp hơn. Cụ thể, trong quý I và quý II, miền Bắc ghi nhận đến hơn 1.100 ca, tăng hơn 60% so với năm trước. Hà Nội hiện đang là “điểm nóng” về SXH ở miền Bắc. Ông cũng cho rằng, dịch SXH diễn biến theo chu kỳ 4-5 năm, song quy luật này đang có dấu hiệu bị phá vỡ. Bệnh dịch diễn biến tùy từng vùng, tùy từng miền, không theo một chu kỳ nào.
Cảnh giác với nhiều loại dịch bệnh khác
Một trong những yếu tố tác động, gây ra sự biến động của bệnh SXH, theo tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng chính là ảnh hưởng của El Nino và hiệu ứng nhà kính. Tác động của El Nino khiến nhiệt độ tăng lên, do đó, muỗi trưởng thành nhanh hơn, chích đốt nhiều hơn. Vi rút cũng tăng sinh nhanh hơn trong muỗi, làm giảm thời gian ủ bệnh bên ngoài, tỉ lệ muỗi có khả năng truyền nhiễm tăng.
Ngoài ra, nước ta còn chịu ảnh hưởng của các hệ thống hoàn lưu gió mùa khác, như: đông bắc, tây nam, đông nam, bắc nam, dải hội tụ áp thấp và bão Thái Bình Dương… Tại một số khu vực, dù nắng nóng nhưng vẫn nhiều mưa, thuận lợi cho muỗi sinh sản. “Miền Bắc năm nay nắng nóng, mưa nhiều tạo điều kiện rất tốt cho muỗi phát triển, chỉ cần nguồn bệnh là sẽ bùng phát. Mùa đông ở miền Bắc cũng không lạnh như trước đây. Do đó, dự báo trong thời gian tới sẽ có nguy cơ rất cao bùng phát các đợt dịch” - tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng lo ngại.
Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng Trường đại học Y Dược TPHCM - phân tích, theo các đánh giá, El Nino cũng làm tăng một số dịch bệnh khác như Hanta, dịch hạch, dịch tả… Các bệnh này thường không phổ biến lưu hành ở Việt Nam nhưng cũng cần quan tâm. Thời tiết nắng nóng, đi kèm mưa nhiều cũng thuận lợi cho nhiều loại vi rút lây nhiễm.
Hiện nay, tay chân miệng đang diễn biến vô cùng phức tạp tại nhiều địa phương. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tính tới cuối tháng Sáu đã có hơn 1.200 trẻ mắc tay chân miệng đến khám với gần 500 trẻ phải nhập viện. Mới đây, Phú Yên cũng đã ghi nhận trường hợp tay chân miệng tử vong đầu tiên trong năm là bé trai 21 tháng tuổi ở huyện Tuy An. Tỉnh này có tổng số 42 ca mắc từ đầu năm.
Trong tháng Sáu, TPHCM đã ghi nhận 2.690 ca mắc, gồm 569 ca nội trú và 2.121 ca ngoại trú. Trong số 569 ca nội trú, có 118 ca nặng. Tỉ lệ bệnh nhân từ các tỉnh chuyển đến chiếm gần 76%, tất cả đều là trẻ em dưới 6 tuổi. Số ca mắc trong tháng Sáu cao hơn rất nhiều so với tổng ca từ tháng Một đến tháng Năm. Đơn cử như ở Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trung bình mỗi ngày điều trị 60-70 trẻ mắc tay chân miệng, với khoảng 15 ca nặng (tăng gấp 3-4 lần so với những tháng trước).
Dự báo số ca mắc tay chân miệng và số ca nặng sẽ tiếp tục tăng. Sở Y tế TPHCM cho biết đã xây dựng kịch bản ứng phó gồm 3 cấp độ. Theo đó, phân tầng điều trị với tầng cuối là các bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. TPHCM cũng lập tổ chuyên gia điều trị bệnh tay chân miệng. Sở phân công các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhi Đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp tục hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện thuộc tỉnh, thành phố phía Nam về điều trị bệnh tay chân miệng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM tăng cường giám sát về công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Hầu hết trạm y tế đã triển khai đầy đủ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn sai sót trong việc xác minh ca bệnh, một số trường học báo cáo không kịp thời ổ dịch tại trường.
TPHCM tích cực phòng, chống sốt xuất huyết Tháng Sáu vừa qua, TPHCM ghi nhận 758 ca bệnh SXH. Trong đó, có 331 ca phải nhập viện điều trị. Hiện tại, có hơn 100 bệnh nhân đang điều trị nội trú, bao gồm 10 trường hợp mắc SXH nặng, 4 ca đang thở máy. Khoảng 70% bệnh nhân nặng từ các tỉnh, thành được chuyển đến. Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết: “Mặc dù số ổ dịch, ca mắc ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, theo quy luật diễn tiến dịch bệnh hằng năm tại thành phố, giai đoạn cao điểm của bệnh SXH đã và đang bắt đầu. Dự kiến sẽ tăng cao trong tháng Bảy, kéo dài đến hết tháng Mười. Chính vì vậy, ngành y tế và người dân không nên chủ quan”. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đang tăng cường giám sát các điểm nguy cơ SXH. Hiện tại, tất cả các điểm nguy cơ có lăng quăng ở các quận, huyện đều đã được các trạm y tế địa phương hướng dẫn tổ chức, cá nhân có liên quan tổng vệ sinh, dọn dẹp, xử lý vật chứa và sẽ tái giám sát sau 1 tuần. Theo báo cáo, tỉ lệ phát hiện có lăng quăng tại các điểm nguy cơ được giám sát gần 48% (49/103 điểm), đây là con số đáng báo động. Khả năng các điểm nguy cơ sẽ cao hơn nữa khi thành phố mưa nhiều hơn, và không có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát các điểm nguy cơ. “Đối với những điểm nguy cơ có lăng quăng, khó xử lý, Sở Y tế đã có văn bản chính thức thông báo đến UBND quận 3, 6, 12, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Tân; huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, TP Thủ Đức để có hướng chỉ đạo xử lý” - ông Tăng Chí Thượng cho biết thêm. Ngành y tế TPHCM cũng tổ chức các lớp tập huấn về điều trị, can thiệp phòng bệnh tại cộng đồng. Tiếp tục vận dụng mô hình phân tầng vào công tác thu dung điều trị SXH, tăng cường duy trì hoạt động tổ chuyên gia điều trị SXH Dengue của sở để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Đồng thời tiếp tục triển khai quy trình báo động đỏ đối với người bệnh SXH. Theo đó, tùy từng trường hợp, quy trình báo động đỏ nội viện hoặc liên viện đối với người bệnh SXH nặng được kích hoạt nhằm đảm bảo kịp thời cứu sống người bệnh. Các đơn vị y tế cũng tuyên truyền thông tin, cũng như các biện pháp phòng, chống SXH trên trang mạng xã hội, phát thanh, tờ rơi, tư vấn sức khỏe… nhằm vận động người dân, gia đình chủ động truy tìm, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh. Người dân khi phát hiện các điểm nguy cơ, có thể phản ánh lên ứng dụng Y tế trực tuyến, trạm y tế địa phương… để kịp thời xử lý. An Khuê |
Huyền Anh